Đây còn là vùng đất địa linh gắn với tên tuổi các bậc vua chúa, văn nhân, danh sĩ như An Sinh Vương Trần Liễu, vua Lê Thánh Tông, nhập nội Hành khiển Phạm Sư Mạnh, Trương Quốc Dụng, Vũ Cán, tổ Thủy Nguyệt phái Tào Động, Đốc Tít... có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hoá, cảnh quan, quân sự, kinh tế điển hình vùng Đông Bắc.
Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc như: chống quân xâm lược Nguyên - Mông ở thế kỷ XIII, vua Trần Nhân tông đã lập chiến tuyến ở động Kính Chủ. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh (thời Lê). Vào các năm 1943 - 1944, các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Công Hòa, Hải Thanh, những ủy viên của Xứ ủy Bắc Kỳ đã về ở tại hang Thánh Hóa và hang Tĩnh Niệm (thuộc khu di tích Nhẫm Dương, xã Duy Tân) tuyên truyền, vận động quần chúng, xây dựng Đệ tứ chiến khu Đông Triều (huyện Đông Triều thời kỳ đó thuộc tỉnh Hải Dương, nay thuộc tỉnh Quảng Ninh).
Khu di tích khảo cổ Nhẫm Dương và chùa Thánh Quang (xã Duy Tân) nổi tiếng không chỉ về giá trị khoa học lịch sử, tôn giáo qua kết quả khai quật khảo cổ học như các nhà khoa học đã nghiên cứu, mà còn lưu dấu ấn đậm nét về những giá trị lịch sử trong thời kỳ cách mạng kháng chiến của dân tộc.
Chùa Nhẫm Dương cũng đã trở thành căn cứ quan trọng trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp: núi Nhẫm Dương là một trong những mục tiêu vùng trắng của địch, bởi trong các hang động đều là nơi đóng quân của bộ đội chủ lực và du kích địa phương.
Ngày 31/8/1952, bộ đội ta chặn đánh hai ca nô tiếp viện của địch tại Vũng Tâm gần Nhẫm Dương, trong trận đánh này đồng chí Chu Hà Thành, Tỉnh ủy viên theo dõi Kinh Môn đã hy sinh tại chùa Nhẫm Dương.
Vào tháng 9, 10/1952, Thung Xanh (Duyên Linh) có 2 đơn vị bộ đội chủ lực C910, C923 và du kích xã Duy Tân đóng quân, địch đã huy động 2000 quân bao vây, riêng ngày 16 tháng 10 địch đã tổ chức 9 đợt tấn công, nhưng trước sự kiên cường của quân và dân ta và từ lợi thế của hang động, trong 3 ngày quân địch đã phải rút chạy, bị ta tiêu diệt. Các hang như hang Đình, hang Lợn là nơi ở của Ban chỉ huy phản công địch.
Vào năm 1953, giữa những ngày địch càn quét ác liệt, tại chùa Nhẫm, trường phổ thông cấp I được mở, các lớp 1,2 do thày Việt dạy, các lớp 3,4 do thày Nguyễn Văn Nậm dạy. Lớp học vừa học văn hóa, vừa là nơi tuyên truyền đường lối kháng chiến của Đảng ta.
Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước: Duy Tân trở thành một bệnh viện quân đội lớn của Quân khu 3, các tài liệu lịch sử Viện Quân Y 7 và xã Duy Tân đã ghi chi tiết: Tháng 12/1965, đế Quốc Mỹ mở những đợt không kích đối với miền Bắc, Viện Quân Y 7 được lệnh sơ tán về khu Nhị Chiểu, Kinh Môn, đóng quân tại 2 xã Duy Tân và Phú Thứ, cuốn Lịch sử Viện Quân y 7 (1959 - 2000), nhà xuất bản Quân đội nhân dân; 2000; đã ghi: Trong đêm đông giá lạnh 10 độC, những đoàn thuyền của nhân dân dưới sự chỉ đạo của Bí thư đảng ủy xã Trần Quyết và chủ tịch xã Phùng Văn Tạc đã đón cán bộ, nhân viên cùng máy móc thiết bị của Viện về nơi an toàn... Địa điểm là nhà dân và các lán trại trên các sườn núi, các hang động trong các núi được tận dụng tối đa.
Những tháng cuối năm 1967, đầu năm 1968, đại bộ phận cơ quan và khối cận lâm sàng Ban Ngoại chấn thương và phòng mổ, ba ban Nội (nội chung, da liễu, truyền nhiễm) Viện Quân y 7, Quân khu 3, đã về đóng quân tại Duy Tân,
Hang Thánh Hóa: Sau chùa Nhẫm Dương dùng để kho thuốc, Động chùa Nhẫm Dương là phòng mổ, phòng cấp cứu, hang Bò Lê (Thung Nhẫm) là nơi phẫu thuật thương binh. Hang Ma là nơi tập kết các thương binh. Khi sơ tán về Duy Tân, hàng nghìn thương binh, bác sĩ, cán bộ nhân viên của Viện được nhân nhân che chở. Trang sử của ngành quân Y Quân khu III và Viện Quân Y 7 đã viết về những câu chuyện trên bằng những tình cảm trân trọng nhất. Tôi được biết các thế hệ cán bộ chiến sĩ Viện Quân Y 7 luôn gìn giữ những giá trị truyền thống về tình gắn bó quân dân và sự hy sinh của nhân dân Duy Tân thời kỳ đó và điều không thể không nhắc đến là trong chiến công chung đó có sự đóng góp không nhỏ của các thế hệ tăng ni chùa Thánh Quang đã nuôi giấu cán bộ, bộ đội, hiến tài sản cho cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến.
Quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương được hình thành và phát triển trên một vùng đất văn vật, có lịch sử lâu đời, núi sông hòa hợp, dân cư đông đúc, sản vật dồi dào, giao thông thuận lợi... trong không gian văn hóa truyền thống lâu đời của cộng đồng cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nơi đây còn là căn cứ quân sự hiểm yếu, là cầu nối về kinh tế, văn hóa, chính trị, giữa kinh đô Thăng Long với biển Đông và các quốc gia lân bang. Quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương là khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh điển hình ở vùng Đông Bắc của tổ quốc.
Hải Ninh