Thông tin ATBX 2011-01-19 00:00:00

 Ngày 27 tháng 12 năm 2010, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương đã nhận được nguồn tin do ông Nguyễn Văn Hội, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng thông báo về một hiện tượng lạ, nền nhà của một hộ gia đình thuộc địa bàn quản lý của xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng có hiện tượng nóng lên bất thường.

Nhận định đây là một hiện bất thường, cần phải tìm hiểu, xác định nguyên nhân để đưa ra những khuyến cáo kịp thời nhằm đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng cho người dân, đồng thời để ổn định tình hình tư tưởng của nhân dân trong khu vực nên ngay sau khi nhận được nguồn tin từ cơ sở phản ánh, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức đoàn công tác gồm đại diện của Sở Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Giàng xuống tìm hiểu, xác minh thực hư sự việc.
Sau khi làm việc, trao đổi với lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Tân Trường để làm rõ các thông tin liên quan đến hiện tượng nền nhà nóng lên bất thường đã được xã phản ánh, đoàn công tác của Sở Khoa học và Công nghệ đã trực tiếp đến hiện trường tìm hiểu, khảo sát đo đạc. Kết quả khảo sát, đo đạc thực địa tại hiện trường cho thấy:
- Hiện tượng nền nhà nóng lên bất thường là có thật, đúng như thông tin mà xã đã phản ánh. Hiện tượng này xảy ra tại nhà ông Nguyễn Văn Thiệp, thuộc địa bàn xóm 4, thôn Quý Dương, xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng. Theo như lời kể của gia đình ông Thiệp "hiện tượng này xảy ra cách đây đã nửa tháng". Khi phát hiện ra sự bất thường nói trên, theo lời khuyên của một số người, gia đình ông đã mua nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ nền nhà. Qua theo dõi bằng nhiệt kế, ông Thiệp thấy nhiệt độ nền nhà vẫn không hề giảm, có những lúc nhiệt độ nền nhà ông đã lên cao tới trên 400C, đặc biệt là vào ngày 24/12. Trước tình trạng đó, gia đình ông rất băn khoăn, lo lắng nên đã thông báo cho chính quyền địa phương để thông qua chính quyền địa phương nhờ cơ quan chức năng xuống xem xét giải quyết.
- Khu vực bị nóng lên bất thường tại nhà ông Thiệp được xác định chạy dọc theo hệ thống các rằng móng tạo thành một vùng nóng có diện tích khoảng 3 đến 4m2. Trong đó điểm nóng nhiều tập trung ở khu vực có các rằng móng và khu vực nằm ở giữa nền nhà. Tuy nhiên, tại thời điểm đoàn khảo sát có mặt ở hiện trường, nhiệt độ cao nhất đo được là 300C (khi đó nhiệt độ môi trường là khoảng 200C). Ông Thiệp cũng khẳng định nhiệt độ tại thời điểm đoàn công tác đo kiểm tra đã giảm nhiều so với hôm 24/12 vì ông nhớ rất rõ hôm đó là ngày Noel. Khi phát hiện thấy nền nhà nóng hơn rất nhiều so với mọi hôm ông đã dùng nhiệt độ để kiểm tra. Khi đó nhiệt độ trong nền nhà ông đã tăng cao tới 420C.
- Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cũng đã tiến hành đo kiểm phông bức xạ. Kết quả đo mức phông bức xạ tại khu vực nền nhà bị nóng bất thường và khu vực xung quanh nhà ông Thiệp vẫn ở mức bình thường, bằng với phông môi trường (từ 0,15 đến 0,25 μSv/h).
Trên cơ sở kết quả khảo sát, đo đạc thực tế về nhiệt độ và phông phóng xạ, đoàn công tác cũng đã tìm hiểu thêm các thông tin liên quan đến đặc điểm địa chất, kết cấu vật liệu trong quá trình thi công ngôi nhà làm cơ sở cho việc xác định nguyên nhân của hiện tượng sinh nhiệt bất thường nói trên.
Qua những thông tin do gia đình cung cấp, đoàn công tác cũng đã sơ bộ đi đến nhận định, hiện tượng sinh nhiệt bất thường nói trên ít có khả năng liên quan đến các nguyên nhân sinh nhiệt thường gây ra bởi thùng vôi, hầm bioga hay phản ứng sinh nhiệt từ các vật liệu xây dựng ngôi nhà. Bởi vì khu đất xây dựng ngôi nhà trước đây là ruộng canh tác, bên dưới không có thùng vôi và được gia đình ông san lấp hoàn toàn bằng cát. Vật liệu phần rằng móng nhà được làm bằng bê tông, phần nền nhà được láng một lớp vữa mỏng trước khi lát gạch men, vôi để trộn vữa đã được gia đình ông tôi kỹ. Hơn nữa khu vực bên dưới nền nhà và xung quanh khu vực nền nhà sinh nhiệt không đặt hầm bioga. Vì khu vực nền nhà bị nóng hiện tại đang là phòng khách của gia đình ông Thiệp.
Tuy nhiên, qua quan sát hệ thống mạng điện sinh hoạt hiện dùng trong nhà ông Thiệp, đoàn công tác của Sở Khoa học và Công nghệ nhận thấy hệ thống đường dây điện đã rất cũ và chắp vá nhiều, lại được đấu nối không an toàn, nhiều đầu đấu nối thiết bị mặc dù đã không sử dụng nhưng cũng chưa được loại bỏ an toàn. Khi được hỏi về lượng điện tiêu dùng của gia đình trong tháng, ông Thiệp cho biết điện của tháng gần đây nhất có tăng so với tháng trước, tuy nhiên lượng điện tăng không nhiều.
Từ những thông tin nêu trên, kết hợp với quá trình kiểm tra hướng lan tỏa của vùng nhiệt tại nhà ông Thiệp, đoàn công tác của Sở Khoa học và Công nghệ sơ bộ nhận định nguyên nhân của hiện tượng sinh nhiệt có khả năng là do nguyên nhân rò điện gây ra. Trên cơ sỏ hướng nhận định đó, đoàn công tác đã đề nghị với chủ gia đình tạm thời cắt toàn bộ hệ thống điện trong gia đình để tiến hành theo dõi xác định nguyên nhân của hiện tượng sinh nhiệt. Thời gian thực hiện ngắt điện ít nhất là 1 tuần và trong thời gian đó gia đình sẽ cùng cán bộ của đoàn công tác theo dõi, kiểm tra nhiệt độ nền nhà. Đồng thời hướng dẫn gia đình ông Thiệp dùng một đường dây mới, riêng biệt để dẫn điện phục vụ tạm thời cho sinh hoạt gia đình.
Có thể nói, sau 6 ngày cắt điện (từ 28/12/2010 đến 2/1/2011) để theo dõi, đo đạc cho thấy nhiệt độ nền nhà ông Thiệp đã có xu hướng giảm dần. Đến ngày 3/1/2011 nhiệt độ nền nhà ông Thiệp đã trở lại mức bình thường và không còn chênh lệch so với nhiệt độ của môi trường xung quanh nữa. Căn cứ kết quả theo dõi, đo đạc đó, đoàn công tác của tỉnh đã khuyến cáo ông gia đình ông Thiệp phải cải tạo ngay hệ thống mạng điện đang dùng để đảm bảo an toàn cho mọi người trong gia đình. Theo khuyến cáo của đoàn công tác, gia đình ông Thiệp đã sửa lại mạng điện và khẳng định kể từ khi sửa chữa lại mạng điện nền nhà của gia đình ông Thiệp đã hoàn toàn trở lại bình thường.
Căn cứ vào kết quả kiểm tra, đo đạc thử nghiệm, đoàn công tác của Sở Khoa học và Công nghệ đã khẳng định, nguyên nhân của hiện tượng nền nhà nóng lên bất thường tại gia đình nhà ông Thiệp hoàn toàn không phải là hiện tượng địa chất bất thường và cũng phải là hiện tượng thần bí, tâm linh. Nguyên nhân của hiện tượng này là do việc rò điện gây ra. Quá trình rò điện lâu ngày xung quanh hệ thống rằng móng đã gây ra hiện tượng sinh nhiệt làm cho hệ thống rằng móng và nền nhà bị nóng lên. Vì vậy, sau khi sửa chữa mạng điện mới, hiện tượng này đã hoàn toàn chấm dứt.
Sự việc xảy ra và đã được cơ quan chức năng của tỉnh xem xét, giải quyết dứt điểm. Song điều đáng biểu dương qua sự việc này là khi phát hiện ra hiện tượng bất thường, các cấp chính quyền cơ sở đã kịp thời vào cuộc để phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh xác minh giải quyết vụ việc nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, góp phần ổn định tình hình tư tưởng trong nhân dân; củng cố thêm niềm tin của nhân dân với chính quyền cơ sở.
Lương Thịnh - TP.QLCN-SHTT

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.