Những vấn đề chung (số 5-2015) 2015-10-20 15:44:24

      Năm năm qua, thành phố Hải Dương đã triển khai thục hiện nghị quyết Đại hội lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2010 - 2015) trong bối cảnh có nhiêu thuận lợi cũng không ít khó khăn. Song với sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền của tỉnh cũng như sự giúp đỡ hỗ trợ của các sở, ban ngành, đoàn thể trong tỉnh, thành phố đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên.

Kinh tế thành phố phát triển với tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Đến nay 3 khu công nghiệp Đại An, Nam Sách, Kenmark và 4 cụm công nghiệp Tây Ngô Quyền, Việt Hòa, Ba Hàng, Cẩm Thượng đã thu hút 300 dự án đầu tư sản xuất tăng gần 100 dự án so với năm 2010, giải quyết việc làm cho gần 40 nghìn lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước đạt 140.818 tỷ đồng, gấp 1,94 lần so với năm 2010, tăng bình quân 10,58%/năm. Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp chế tạo, chế biến. Một số ngành sản xuất có tốc độ tăng trưởng cao như lắp ráp ô tô, cơ khí, điện tử, gỗ xuất khẩu, sản xuất bia, vật liệu xây dựng, chế biến nông sản thực phẩm… Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ ước đạt 53.415 tỷ đồng, tăng bình quân 19,84%/năm. Một số ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng khá như ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, viễn thông, du lịch…kết cấu hạ tầng thương mại được tăng cường và phát triển với 9 siêu thị, 15 chợ truyền thống và hệ thống cửa hàng bán lẻ truyền thống, cửa hàng tự chọn phát triển nhanh đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu 5 năm ước đạt 4.159 triệu USD, tăng bình quân 21,8%/năm, gấp 2,58 lần so với giai đoạn 2005 - 2010. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là dây và cáp điện, linh kiện điện tử, hàng dệt may, da giầy, thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ…
Đối với sản xuất nông nghiệp - thủy sản đã mang lại khoảng 2.405 tỷ đồng, tăng bình quân 0,4%/năm. Diện tích gieo trồng cây hàng năm tuy có giảm do tình hình đô thị hóa nhưng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất được nâng cao. Bình quân giá trị sản xuất đạt 125 triệu đồng/ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản, tăng 20,12 triệu đồng so với năm 2010. Năng suất lúa bình quân đạt 60,56 tạ/ha, hệ số sử dụng đất đạt 2,09 lần, tăng 0,23 lần so với năm 2010. Bên cạnh đó TP. Hải Dương cũng đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, 5 năm qua, thành phố đã đầu tư gần 6 tỷ đồng hỗ trợ giống lúa chất lượng cao và các loại cây, con có giá trị kinh tế, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, bảo quản và thị trường tiêu thụ nông sản, chủ động phòng ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc. Từ đó đã hình thành nhiều trang trại chăn nuôi, nuôi thủy sản, vùng lúa tập trung, vùng rau an toàn…Hoàn thành cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đưa vào hoạt động đáp ứng được từ 65 - 70% yêu cầu kiểm dịch tập trung trên địa bàn thành phố.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng “nông thôn mới” tại các xã ngoại thành với tổng kinh phí đầu tư là 317,5 tỷ đồng. Năm 2014 xã An Châu đã được UBND tỉnh Hải Dương công nhận đạt chuẩn quốc gia xây dựng nông thôn mới và các xã còn lại đều đạt từ 14 - 17 tiêu chí. Thành phố đã đầu tư 5.200 tỷ đồng đầu tư kè hồ Bình Minh và hệ thống nước Hào Thành, nhà máy xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt, nút giao thông lập thể Ba Hàng, cầu Hàn…tập trung cải tạo 19 tuyến phố, xây dựng mới 13 tuyến đường, lắp đặt và thay thế 5 cụm đèn tín hiệu; xây dựng, cải tạo 4 nút giao thông và phân luồng giao thông một số được phố có mật độ giao thông lớn, lắp đặt hệ thống điện trang trí mỹ thuật tại một số tuyến phố như Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, đại lộ Hồ Chí Minh…Thành phố cũng đã tập trung quy hoạch, quản lý đô thị và hoàn thành quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2030. Tổ chức công bố và triển khai cắm mốc các đồ án quy hoạch. Thành phố đã cấp 6.900 giấy phép xây dựng với diện tích 493.000 m2, tổng diện tích mặt sàn là 1.340.000 m2, hoàn thành giải phóng mặt bằng 75 dự án với tổng giá trị bồi thường hỗ trợ trên 700 tỷ đồng. Hoàn thành dự án thoát nước đô thị, nhà máy xử lý rác thải công suất 175 tấn/năm và các điểm tập kết, trung chuyển rác thải  khu vực nông thôn. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 99,5%; 74% chất thải răn được thu gom, xử lý bằng công nghệ thích hợp. Tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý bình quân đạt 41,5%; 52,8% các khu, cụm công nghiệp và cơ sở sản xuất lắp đặt, sử dụng hệ thống xử lý nước thải đúng quy định. Đã hoàn thành lập quy hoạch, thống kê, đo đạc, bản đồ đất ở 21/21 phường, xã. Đẩy mạnh việc xem xét, thẩm định hồ sơ và cấp trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đô thị và triển khai việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn ô đổi thửa. Thành phố cũng đã đẩy mạnh thực hiện xây dựng tuyến phố văn minh đô thị, từng bước tạo cảnh quan đô thị xanh - sạch - đẹp. Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, quản cáo, đỗ dừng xe không đúng nơi quy định, xả rác thải, bán hàng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường giảm nhiều so với trước.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực; có 77,9% đạt khu dân cư văn hóa, 99,6% khu dân cư có nhà văn hóa…5 năm qua thành phố có thêm 10 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 273 di tích được quy hoạch bảo vệ và trên 800 di sản văn hóa phi vật thể; trung tu tôn tạo trên 30 di tích các loại. Toàn thành phố có 59,4% các trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 15,3% so với năm 2010. Hoàn thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 và huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Năm năm qua thành phố đã giải quyết việc làm mới cho 35.315 lao động, đạt 105% kế hoạch đề ra, đào tạo nghề cho 8.428 người trong độ tuổi có khả năng lao động, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,3%. Tỷ lệ hộ nghèo từ 4,07% năm 2010 giảm xuống còn 1,65% năm 2015. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; thực hiện có hiệu quả mô hình làng an toàn, khu dân cư an toàn, cơ quan, doanh nghiệp an toàn về an ninh trật tự. Tổ chức nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm hình sự và truy quét tệ nạn xã hội. Bảo vệ an toàn các mục tiêu trọng điểm, kịp thời phát hiện và xử lý các vụ việc xảy ra ngay từ cơ sở. Giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” được các cấp ủy đảng chính quyền chỉ đạo chặt chẽ và có hiệu quả ở cả 2 cấp thành phố và phường, xã; xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng mô hình khung tại bộ phận “một cửa” và các phòng chuyên môn của UBND thành phố.
Tuy nhiên bên cạnh các kết quả đã đạt được, thành phố Hải Dương vẫn còn bộc lộ một số yếu kém cần khắc phục trong thời gian tới đó là chưa phát huy được tiềm năng và lợi thế của một đô thị trung tâm; giá trị sản xuất công nghiệp, nông nghiệp; tỷ lệ thảm bê tông nhựa đường nội thành; điện chiếu sáng ngõ xóm; tỷ lệ xây dựng tuyến phố văn minh đô thị; tỷ lệ cây xanh; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải, nước thải công nghiệp còn đạt thấp. Một số công trình trọng điểm chưa triển khai thực hiện như: nâng cấp, cải tạo chợ Phú Yên; xây dựng khi văn hóa - thể thao thành phố, khu vườn hoa cây xanh đại lộ Hồ Chí Minh; tình trạng ngập úng ở một số khu dân cư chậm được khắc phục, gây bức xúc trong nhân dân. Công tác quy hoạch còn chắp vá, thiếu tầm nhìn; quản lý quy hoạch còn hạn chế; quản lý hạ tầng kỹ thuật, đất đai, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế. Một số chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa có biện pháp giải quyết. Nhiều năm qua, thành phố vẫn còn trong tình trạng thiếu các công trình kinh tế, văn hóa cần thiết cho đô thị như: tượng đài, rạp chiếu phim, trung tâm văn hóa - triển lãm - thương mại; quảng trường, công viên, khu vui chơi giải trí…Tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số cơ sở sản xuất diễn ra nghiêm trọng gây bức xúc trong cộng đồng dân cư chưa được xử lý kiên quyết, triệt để. Tình trạng vi phạm trật tư an toàn giao thông và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.
Nguyên nhân là do việc phân cấp thẩm quyền và trách nhiệm của thành phố trong công tác quản lý đô thị và quản lý đầu tư xây dựng không đầy đủ thiếu cụ thể nguồn ngân sách của tỉnh đầu tư cho các công trình, dự án phát triển đô thị còn nhiều hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Một số cấp ủy, chính quyền thiếu chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đa số có quy mô nhỏ, nguồn lực yếu, chậm cải tiến cũng như ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Trong năm năm tới 2015 - 2020, thành phố Hải Dương tập trung huy động mọi nguồn lực, đầu tư kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân nhằm xây dựng thành phố Hải Dương trở thành đô thị loại I.
Hải Ninh
Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ số 5/2015

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.