Thông tin ứng dụng chuyển giao 2013-11-14 04:20:56

Bình lọc nước đặt ngay sát cạnh tủ lạnh sẽ nhanh bị lão hóa vỏ nhựa.      Theo các chuyên gia, thói quen sử dụng của người tiêu dùng làm giảm hiệu suất hoạt động của thiết bị, dẫn tới tình trạng hỏng sản phẩm, hại môi trường.

Dùng lâu phát thải lớn
Theo KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Viện Kỹ thuật Quân sự, các thiết bị điện dù có tốt thì cũng có tuổi thọ nhất định, khi sản phẩm đã cũ thì dùng càng lâu, độ phát thải nhiệt sẽ càng lớn. Nguyên nhân là do trong quá trình hoạt động, các mô-tơ, linh kiện bên trong bị bào mòn, cọ sát nhiều, dẫn đến tình trạng thiết bị nóng lên và phát thải nhiều hơn ra môi trường. Các thiết bị điện công nghệ mới, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng hơn, đồng thời cũng tỏa nhiệt ít hơn. Ví dụ, chiếc tivi đời cũ sử dụng công nghệ đèn sợi đốt nóng nhanh bao giờ cũng có nhiệt độ cao hơn tivi công nghệ mới màn hình led hoặc plasma.
"Độ tỏa nhiệt chính là độ hao tổn năng lượng, vì vậy, việc giảm thiểu nhiệt lượng phát ra từ các thiết bị điện cũng sẽ giúp giảm lượng điện tiêu thụ, tiết kiệm điện năng", KS Nguyễn Huy Bạo nhấn mạnh.
KS Nguyễn Huy Bạo cũng khuyến cáo, những thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà phải thường xuyên bảo dưỡng, bảo trì, vệ sinh để đảm bảo hiệu quả hoạt động tốt nhất. Nhiều người dùng từ lúc mua về đến hỏng chưa một lần kiểm tra, bảo dưỡng. Những thiết bị quá cũ cần phải được kiểm tra để có kế hoạch đại tu hoặc thay thế.
TS Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm Dung dịch Hoạt hóa Điện hóa & Đèn tiết kiệm Điện năng cũng khẳng định, việc để tỏa nhiệt ở các thiết bị điện làm hiệu suất hoạt động kém đi, tuổi thọ của sản phẩm cũng sẽ giảm đi nhanh chóng. Điều đáng nói là việc phát thải nhiệt của các đồ điện không hẳn chỉ do thiết bị cũ hay mới, công nghệ tiên tiến hay lạc hậu, mà còn do thói quen sử dụng của người dùng.
Góc tivi không phải chỗ để đồ
Thực tế khảo sát cho thấy, đối với tivi bóng đèn hình CRT thường có phần đáy dày nên nhiều người thường tận dụng để sách báo, đồ vật lặt vặt trên nóc và hốc bên cạnh. TS Nguyễn Văn Khải cho biết, đối với tivi tối kỵ là để quá nhiều vật xung quanh.
Đặc biệt, theo TS Nguyễn Văn Khải, nhiều gia đình khi xem tivi xong chỉ tắt màn hình mà không tắt đèn led tín hiệu vì cho rằng không tổn hao điện do đèn quá bé. Thực tế, khi đo đạc, TS Nguyễn Văn Khải đã chứng minh công suất tiêu thụ của chiếc đèn led này là 7,9w, tương đương với mức tiêu hao của 16 đèn khử khuẩn, khử khói...
Tương tự, đối với tủ lạnh, lò vi sóng hay bất kể thết bị điện nào cũng cần chú ý không kê quá sát tường để tạo khoảng cách thông thoáng, giúp nhiệt phát thải có thể thoát ra và phân tán nhanh. Nhiều gia đình kê tủ sát vào tường khiến cho nhiệt tỏa ra không thoát được, phía sau lưng tủ luôn bị "om" trong nhiệt độ cao sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của tủ lạnh. Nên kê tủ lạnh cách tường 10 - 15cm để tạo sự thông thoáng, tốt nhất nên đặt tủ lạnh gần chỗ thoáng như cửa sổ, cửa trong nhà...
Bên cạnh đó, không nên đặt các vật khác như bình lọc nước sát cạnh tủ lạnh vì sẽ khiến cả hai cùng bị ảnh hưởng. Tủ lạnh thì không thoát được nhiệt còn bình nước thì nhanh bị lão hóa, nhất là phần vỏ nhựa bên ngoài.
Việc sắp xếp bên trong tủ lạnh cũng khá quan trọng và ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của tủ lạnh. Nên hạn chế các đồ sành sứ, thủy tinh trong tủ lạnh bởi đây là những vật liệu thu nhiệt nhiều, khiến tủ phải làm mát và tiêu thụ điện năng nhiều hơn. Ngoài ra, việc sắp xếp các thực phẩm thiếu ngăn nắp cũng kéo dài thời gian mở cửa tủ, từ đó gây thoát nhiệt làm tốn điện, giảm tuổi thọ của đồ dùng.
Theo Kienthuc.net

 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.