Kiến thức nông nghiệp -0001-11-30 07:06:30

Thời gian qua, các địa phương đã và đang bảo tồn, phục tráng, phát triển thương hiệu nếp quýt. Phục tráng thành công Giống nếp quýt là giống lúa bản địa, được gieo cấy tập trung tại các xã Cổ Dũng, Cộng Hòa, Tuấn Việt, Ngũ Phúc...  Nhiều năm trước, việc bảo tồn nguồn giống của dân địa phương còn nhiều hạn chế, giống bị thoái hóa, giảm năng suất. Từ mong muốn bảo tồn, phát triển giống lúa đặc sản nếp quýt Kim Thành của người dân, năm 2018, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học tỉnh đã triển khai đề tài “Nghiên cứu, phục tráng, duy trì và phát triển thương hiệu nếp quýt huyện Kim Thành”.

Sau 3 năm (2018-2020) triển khai đề tài, giống nếp quýt đã được phục tráng thành công, mở rộng thêm diện tích canh tác thương phẩm và xây dựng nhãn hiệu tập thể. Trong 3 năm, Ban chủ nhiệm đề tài đã phục tráng, sản xuất thành công 500 kg giống siêu nguyên chủng nếp quýt phục vụ cho việc sản xuất nếp quýt thương phẩm trong huyện và một số địa phương khác. Từ việc triển khai đề tài, Hiệp hội Sản xuất và Thương mại nếp quýt Kim Thành cũng đã được thành lập nhằm phát triển thương hiệu nếp quýt, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Nghiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Thành cho biết việc duy trì, phục tráng thành công giống nếp quýt giúp diện tích sản xuất nếp quýt trong huyện tăng dần hằng năm. Năm 2018, toàn huyện có trên 100 ha thì vụ mùa năm nay đã mở rộng ra gần 500 ha, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Ông Nguyễn Văn Phương ở thôn Giữa, xã Cổ Dũng, người có trên 30 năm gắn bó với giống nếp quýt cho biết giống nếp này chỉ cấy được vụ mùa. Từ năm 2018 sau khi tham gia vào Hiệp hội Sản xuất và Thương mại nếp quýt Kim Thành, ông được tập huấn về kỹ thuật canh tác. Sau 3 vụ sản xuất bằng giống nếp quýt qua phục tráng cho thấy năng suất đạt 48-50 tạ/ha, cao hơn giống nếp quýt chưa qua phục tráng từ 8-10 tạ/ha. Giá bán nếp quýt cũng cao hơn các giống lúa nếp thông thường từ 25-30%. Thóc nếp quýt tươi, thóc nếp quýt đã phơi khô đều rất dễ tiêu thụ trên thị trường. Ngoài ra, giống lúa nếp quýt qua phục tráng phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, bông to đều, tỷ lệ hạt lép thấp, thân cây cứng.

Sản phẩm OCOP

Năm 2020, thương hiệu nếp quýt Kim Thành đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Từ lợi thế này, nhiều địa phương trong huyện đã mở rộng diện tích sản xuất; xây dựng mô hình sản xuất nếp quýt theo tiêu thuẩn VietGAP; tích cực quảng bá đặc sản nếp quýt... nhằm tạo lợi thế cạnh tranh với các loại gạo nếp khác trên thị trường. Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX Đầu tư dịch vụ nông sản sạch Nam Điền, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Thương mại nếp quýt Kim Thành cho biết để thương hiệu gạo nếp quýt Kim Thành có chỗ đứng trên thị trường, quá trình gieo cấy đều được chúng tôi sản xuất theo quy trình khép kín, từ khâu ủ phân, gieo mạ, cày cấy đến điều tiết nước. Với mong muốn tìm kiếm thêm cơ hội giới thiệu và quảng bá đặc sản tới nhiều khách hàng hơn nữa, đầu năm 2021, HTX Đầu tư dịch vụ nông sản sạch Nam Điền đã đăng ký sản phẩm gạo nếp quýt Kim Thành tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). HTX đã đầu tư máy móc sơ chế, sấy khô và chế biến gạo nếp quýt, nhà kho bảo quản; đưa sản phẩm gạo nếp quýt Kim Thành đi tham gia tại nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi năm HTX thu mua từ 130 - 150 tấn thóc nếp quýt của bà con địa phương để chế biến, đóng gói, cung cấp cho thị trường. “Hiện nay thương hiệu nếp quýt Kim Thành đang ngày càng được khẳng định chất lượng, từng bước có chỗ đứng trên thị trường. Nếu sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP thì bà con sản xuất nếp quýt nói chung, HTX nói riêng sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi trong sản xuất, tiêu thụ", ông Nam cho biết. Hiện nay sản phẩm gạo nếp quýt Kim Thành của HTX đã hoàn thiện hồ sơ để xét duyệt OCOP năm 2021.

Ông Nguyễn Văn Nghiệp cho biết thêm thời gian tới huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân mở rộng sản xuất nói chung, mở rộng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nói riêng. Huyện cũng sẽ có các chính sách hỗ trợ người dân tham gia quảng bá sản phẩm, mở các gian hàng trưng bày, bán sản phẩm nếp quýt Kim Thành...

Theo BHD

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.