Lĩnh vực Y tế 2008-12-26 15:55:04

ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU BÀI THUỐC "THĂNG ÁP CAO" ĐIỀU TRỊ HUYẾT ÁP THẤP

Chủ nhiệm đề tài: BS. Nguyễn Xuân Trực, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì: Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hải Dương.
Thời gian thực hiện: 01/2006 - 12/2006.
Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Khá.
I. MỤC TIÊU
- Nghiên cứu ứng dụng bài thuốc "Thăng áp cao" để điều trị bệnh nhân Huyết áp (HA) thấp tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương.
- Xây dựng quy trình điều trị HA thấp bằng bài thuốc "Thăng áp cao" để áp dụng tại cộng đồng.
- Đánh giá tác dụng không mong muốn của bài thuốc.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Kết quả khám lựa chọn bệnh nhân áp dụng điều trị.
1.1. Khám lựa chọn bệnh nhân
- Đã tiến hành khám 300 bệnh nhân tuổi từ 17 - 60, không phân biệt nghề nghiệp, giới tính, ở các vùng sinh thái khác nhau. Dựa vào tiêu chuẩn nhận bệnh lựa chọn 50 bệnh nhân đưa vào nghiên cứu.
- Căn cứ vào các tiêu chí về lâm sàng, cận lâm sàng, Ban chủ nhiệm đề tài đã lựa chọn được 50 bệnh nhân điều trị HA thấp bằng bài "Thăng áp cao".
1.2. Đặc điểm của nhóm bệnh nhân nghiên cứu phân theo độ tuổi, giới tính và nghề nghiệp.
- Nhóm tuổi: từ 31- 40 tuổi bị HA thấp cao nhất 36%. Từ 41 - 50 bị HA thấp 32%, từ 21 - 30 bị HA thấp 16%. Từ 20 tuổi trở xuống huyết áp thấp chỉ có 6%.
- HA thấp ở nữ cao gấp 11,5 lần so với nam.
- Tỷ lệ những người có nghề làm ruộng bị HA thấp cao nhất 62%, thấp nhất là cán bộ 4% và sinh viên, học sinh là 4%.
2. Kết quả điều trị và hiệu quả kinh tế của bài thuốc.
2.1. Giá trị của bài thuốc.
- Theo Y học cổ truyền: Bài thuốc "Thăng áp cao" được tổ chức từ 12 vị thuốc đông dược ký hiệu "TAC", có tác dụng chủ yếu là nâng HA điều trị bệnh lý HA thấp, kể cả nguyên phát và thứ phát. Thuốc được tổ chức theo biện chứng luận trị lý cổ truyền kết hợp với tác dụng dược lý hiện đại của từng vị thuốc. Đơn thuốc trọng dụng đan sâm, bạch truật, ngũ vị tử, hoàng kỳ, đảng sâm, nhục quế một tập hợp các vị thuốc bổ khí, liễm khí chỉ hãn, kiện tỳ hoạt tâm huyết, an tâm thần lại thêm nhục quế để thông tâm dương, bổ mệnh môn hoả chữa tâm thống trong tâm thận bất giao. Mặt khác, theo cơ chế ngũ hành tương sinh bài thuốc có tác dụng tư dưỡng can âm, can huyết dựa theo ký luận "con hư bổ mẹ", tâm huyết tâm khí đầy đủ tất sinh tỳ thổ, tăng cường khả năng vận hoá và chuyển hoá. Đặc điểm của tỳ thổ tăng cường khả năng vận hoá là "ghét thấp ưu ráo", khí thăng bài thuốc có kim ngân hoa trừ hoả nhiệt độc ở hệ thống huyết mạch hợp với chỉ xác hành khí thăng dương, trạch tả thấm thấp lợi niệu cũng là tăng cường vận hoá của tỳ.
- Theo Y học hiện đại: bài thuốc có tác dụng tăng cung lượng tim, tăng sức co bóp của tim, kể cả thì tâm thu và tâm trương. Thuốc kiện tỳ tiêu đàm trệ là tăng sự đàn hồi của mạch, tăng biên độ mạch và điều chỉnh độ nhớt máu, điều tiết thần kinh thực vật liên quan đến điều tiết mồ hôi và nước tiểu. Đa số các vị thuốc trong bài "Thăng áp cao" đều có tác dụng kích thích điều tiết khả năng miễn dịch nâng cao sức đề kháng.
- Tính ưu việt của bài thuốc "Thăng áp cao":
Các bài thuốc điều trị HA thấp của Tiến sỹ Nguyễn Nhược Kim điều trị tốt với HA thấp thể khí huyết lưỡng hư. Bài thuốc điều trị HA thấp của Bác sỹ Hoàng Quý Hoan điều trị tốt thể tâm tỳ lưỡng hư.
Bài thuốc "Thăng áp cao" điều trị được HA thấp cả tiên phát và hậu phát (gồm các thể của YHCT), thuốc dùng theo đường uống phù hợp với sinh lý, dễ sử dụng. HA được nâng lên sau 10 ngày điều trị trung bình là 5mmHg trên tổng số 50/50 bệnh nhân. Sau 30 ngày điều trị 50/50 bệnh nhân huyết áp lên trung bình > 105/60 mmHg và được củng cố duy trì cho đến ngày ra viện. Thuốc phù hợp với thu nhập của nhiều người bệnh, giá 15.000 đồng/thang cho 1 ngày điều trị với liệu trình 45 ngày. Nếu để biến chứng do HA thấp gây nên điều trị bằng thuốc Tây trung bình khoảng 100.000 đồng/ngày (chưa kể đến thời gian không lao động được và phải có người phục vụ chăm sóc).
2.2. Kết quả điều trị:
- Kết quả sử dụng bài thuốc "Thăng cao áp" (TAC) điều trị cho 50 bệnh nhân HA thấp, cho thấy: sau 10 ngày điều trị không còn bệnh nhân HA thấp 80/50mmHg. Sau 20 ngày điều trị, không còn bệnh nhân huyết áp thấp dưới 85/55mmHg. Sau 30 ngày điều trị không còn bệnh nhân huyết áp thấp dưới 90/60mmHg. Sau 45 ngày điều trị không còn bệnh nhân huyết áp thấp dưới 115/75mmHg. Bài thuốc có tác dụng ở 10 ngày đầu tiên và nâng áp ngay ở ngày đầu và tiếp tục duy trì, ổn định ở những ngày sau.
- Hết điều trị cho thấy mức độ nâng huyết áp được biểu hiện như sau: Có hiệu quả tốt huyết áp tăng trên 20 mmHg là 10%, huyết áp tăng rõ rệt từ 10 - 20 mmHg là 88%, huyết áp tăng 5 - 9 mmHg là 2%.
Các triệu chứng lâm sàng được cải thiện tốt, sau điều trị không còn bệnh nhân hoa mắt chóng mặt, dễ choáng váng khi đứng dậy, khó thở khi vận động còn 4%, hồi hộp đánh trống ngực còn 12%, đau đầu mất ngủ còn 4%.
Các chỉ số HC, BC chức năng gan, thận có biểu hiện tốt.
Sau 3 tháng điều trị các triệu chứng lâm sàng và chỉ số HA bệnh nhân vẫn giữ được ở trạng thái bình thường, đáp ứng được mục đích nghiên cứu.
Sau 6 tháng điều trị về lâm sàng và chỉ số HA bệnh nhân trở lại trạng thái bình thường, chứng tỏ bài thuốc đáp ứng được yêu cầu điều trị.
Như vậy, thời gian điều trị cho 1 bệnh nhân HA thấp là 45 ngày liên tục, mỗi ngày uống 1 thang thuốc, uống 4 lần trong ngày là phù hợp với bệnh nhân HA thấp, mang lại hiệu quả sau điều trị, đạt được mục tiêu của đề tài.
3. Hiệu quả kinh tế và xã hội của bài thuốc "Thăng áp cao".
3.1. Về kinh tế:
Người bệnh HA thấp nếu không được điều trị cũng có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, sa sút trí tuệ v.v... làm giảm chất lượng sống.
Kinh phí điều trị trong 1 đợt cho 1 người bệnh 15.000 đồng/ngày x 45 ngày = 675.000 đ, tiền xét nghiệm, X-quang, điện tâm đồ là 146.000 đồng, phù hợp với thu nhập của cộng đồng. Trường hợp biến chứng do HA thấp gây lên điều trị bằng thuốc Tây là 100.000 đồng/ ngày, chưa kể công người phục vụ và tái sản xuất sức lao động.
3.2. Về hiệu quả xã hội:
Bài thuốc dễ áp dụng tại y tế cơ sở và tận cộng đồng, phù hợp với chủ trương thừa kế và phát huy vốn y học cổ truyền dân tộc kết hợp với y học hiện đại xây dựng nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc, đại chúng.
4. Một số kết luận từ đề tài.
- Xác định được tính vị, liều dùng phù hợp của từng vị thuốc tổ chức thành một bài thuốc nghiên cứu trên cơ sở của biện chứng luận trị. Tổ chức bài thuốc theo Quân - thần - tá - sứ. Bào chế theo dược điển 3 và phương pháp bào chế Đông dược của Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương.
- Xây dựng quy trình điều trị HA thấp.
- Đánh giá đựơc tác dụng không mong muốn của thuốc. Trong quá trình điều trị 50 bệnh nhân, bài thuốc Thăng cao áp không có biến chứng.
Các triệu chứng về lâm sàng được cải thiện rõ rệt sau 10 ngày điều trị 50/50 bệnh nhân HA được nâng lên trung bình là 5mmHg. Sau 30 ngày điều trị 50/50 bệnh nhân HA ổn định trên 105/60mmHg và đươc củng cố duy trì cho đến ngày ra viện.
Các triệu chứng như hoa mắt chóng mặt, dễ choáng váng, khó thở khi vận động, hồi hộp đánh trống ngực, dễ ra mồ hôi, đau đầu, mất ngủ hoặc ngủ nhiều, ngủ không sâu giảm dần và hết sau điều trị.
- Các chỉ số về HC, BC chức năng gan, thận có biểu hiện tốt, giúp cho quá trình nâng áp và bình ổn huyết áp.
III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Đề tài tiếp tục được nghiên cứu, triển khai và là cơ sở để từng bước áp dụng bài thuốc "Thăng áp cao" điều trị HA thấp tại Bệnh viện Y học cổ truyền và các bệnh viện trong tỉnh.

Tin khác

Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo mối nguy hại của thuốc lá điện tử (27/07/2021)

Ứng dụng phương pháp nội soi can thiệp thắt vòng cao su trong điều trị và dự phòng chảy máu do vỡ tĩnh mạch thực quản ở bệnh nhân xơ gan (25/06/2021)

Thực hiện tốt 5K có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng (10/05/2021)

Đã có 7.079 người được tiêm vaccine Covid-19 (15/03/2021)

Hải Dương đã rất nỗ lực, quyết liệt và kịp thời trong chống dịch (02/03/2021)

Bộ Y tế: Ổ dịch ở Hải Dương cơ bản được kiểm soát (20/08/2020)

Malaysia phát hiện biến chủng SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn 10 lần (17/08/2020)

Tiến sĩ Phạm Quang Thái: Hải Dương sẽ có thêm người mắc Covid-19 (17/08/2020)

Hướng dẫn xử trí trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 trong trường học (23/04/2020)

WHO công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu (11/03/2020)

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương: Ứng dụng đường mổ ít xâm lấn trong phẫu thuật thay khớp háng (25/10/2018)

Kỷ nguyên mới cho truyền máu Việt Nam (23/08/2016)

Căn bệnh ung thư phổ biến nhưng khó phát hiện nhất hiện nay (02/08/2016)

Bệnh bạch hầu nguy hiểm thế nào (17/07/2016)

Ứng dụng sinh học phân tử (PCR) trong chẩn đoán và điều trị viêm dạ dày ở bệnh nhân nhiềm vi khuẩn Helicobacter pylori trên địa bàn tỉnh Hải Dương (26/06/2016)

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.