Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 góp phần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính

Những năm qua, việc duy trì áp dụng, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 trong các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Hải Dương đã có những chuyển biến rõ rệt, góp phần tích cực làm thay đổi ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 góp phần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính

Qua công tác kiểm tra việc duy trì áp dụng, cải tiến HTQLCL năm 2021 tại 89 cơ quan (kiểm tra  trực tiếp) và 187 cơ quan (kiểm tra trên hồ sơ, báo cáo) cho thấy: Hầu hết lãnh đạo các cơ quan rất quan tâm và coi trọng đến công tác cải cách hành chính, trong đó có nội dung duy trì áp dụng, cải tiến HTQLCL gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Toàn tỉnh có 100% các sở, ngành bao gồm các chi cục, ban trực thuộc các sở, UBND cấp huyện, UBND cấp xã đã thực hiện xây dựng, công bố và duy trì áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Những hạn chế, tồn tại trong cán bộ, công chức từng bước được khắc phục và hiệu quả của việc áp dụng HTQLCL được ghi nhận đó là: (1) Văn hóa công sở được cải thiện, ý thức trách nhiệm của công chức được nâng lên lấy tổ chức, doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, là đối tượng phục vụ thông qua thực hiện Chính sách chất lượng và Mục tiêu chất lượng của từng cơ quan. (2) Các quy trình giải quyết công việc nói chung và giải quyết thủ tục hành chính nói riêng được cụ thể hoá, minh bạch rõ ràng dễ thực hiện, hạn chế được sai sót, quá hạn và dễ dàng kiểm tra tiến độ, kết quả công việc của từng bộ phận, cá nhân. Chất lượng dịch vụ hành chính công được nâng cao đáp ứng yêu cầu quản lý của từng ngành, từng địa phương. (3) Chức năng, nhiệm vụ, trách  nhiệm, quyền hạn của các phòng, lĩnh vực và từng thành viên trong cơ quan được quy định rõ ràng, tránh chồng chéo đồng thời có sự phối hợp trong xử lý công việc. (4) Vai trò dẫn dắt của người đứng đầu và sự tham gia của mọi thành viên trong từng cơ quan được thể hiện, gắn kết thông qua hoạt động duy trì áp dụng, cải tiến HTQLCL. (5) Nhận diện, đánh giá những rủi ro, cơ hội có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến định hướng, kết quả của đơn vị và xây dựng kế hoạch để giải quyết phù hợp với thực tế của cơ quan cũng như mong đợi của tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Để tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng việc áp dụng HTQLCL tại các cơ quan hành chính nhà nước, tạo tiền đề nâng hạng chỉ số cải cách hành chính của tỉnh trong những năm tới. Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước cần quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số vấn đề: (1) Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước (cấp sở, ngành; UBND cấp huyện; UBND cấp xã) trong duy trì áp dụng và cải tiến HTQLCL, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành công việc. (2) Đề xuất tăng điểm cho lĩnh vực áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 từ 2,5 điểm lên 5 điểm trong tổng số điểm chấm cải cách hành chính của các cơ quan. (3) Động viên, khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng, áp dụng, cải tiến HTQLCL. Đồng thời có hình thức kỷ luật đối với tập thể, cá nhân thực hiện việc xây dựng, áp dụng HTQLCL hình thức, không hiệu quả. (4) Xác định việc duy trì áp dụng, cải tiến HTQLCL là nhiệm vụ chính trị quan trọng của đơn vị trong thực hiện công tác cải cách hành chính và phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện./.    

Bài của Nguyễn Đình Bộ, PGĐ Sở KH&CN; Lê Thị Lý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6 ra tháng 12 năm 2021.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây