Qua 2 năm thực hiện 2019 - 2020, đề tài đã xác định được 21 loài sinh vật ngoại lai xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại trên địa bàn tỉnh, gồm 13 loài thực vật, 8 loài động vật như: ốc bươu vàng, bèo lục bình, cây mai dương, trinh nữ, rùa tai đỏ, cỏ lào... Tại TX.Kinh Môn có các loại thực vật ngoại lai xâm hại nhiều nhất với 11 loài; 3 huyện Nam Sách, Cẩm Giàng, Bình Giang có số lượng ít nhất với 6 loài. TP. Chí Linh có các loài động vật ngoại lai xâm hại nhiều nhất với 8 loài… Mật độ xâm lấn cao nhất là Bèo lục bình với mật độ từ 50 - 12 cây và Ốc bươu vàng với mật độ ghi nhận cao nhất lên tới 120 cá thể/m2. Con đường xâm nhập chủ yếu của các loài thực vật ngoại lai do bị động, các loại động vật ngoại lai xâm lấn sang môi trường mới chủ yếu do tác động của con người.
Để kiểm soát, diệt trừ các loài sinh vật ngoại lai xâm hại đối với loại thực vật, biện pháp cơ học đơn giản nhất là nhổ bỏ khi xuất hiện, dùng thảo mộc, dẫn dụ sinh học… Đối với loại động vật sử dụng biện pháp bắt bằng tay hoặc lưới các loại. Ngoài ra còn có thể sử dụng các biện pháp sinh học an toàn thân thiện với môi trường; biện pháp hóa học và các công cụ để phun, tác động trực tiếp lên sinh vật nhằm tiêu diệt, diệt trừ các loại động, thực vật ngoại lai.
Tin của Hải Ninh
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6 ra tháng 12 năm 2021