1. Khảo sát, đánh giá thực trạng sản xuất, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và quản lý chất lượng củamột sốdoanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
Năm 2013, Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện khảo sát tại 100 doanh nghiệp là những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh như: vật liệu xây dựng; cơ khí, điện, điện tử; may mặc, giày da; phân bón, thức ăn chăn nuôi; thực phẩm… Kết quả như sau:
- Phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, có số lao động, số vốn cố định và lưu động ít. Tỷ lệ quay vòng vốn thấp, hiệu quả sử dụng tài sản cố định của doanh nghiệp còn hạn chế.
- Những lãnh đạo doanh nghiệp được đào tạo về chuyên môn, kỹ năng về quản lý đã phát huy được khả năng, tính sáng tạo, nhanh nhạy trong kinh doanh: quản lý quá trình, công bố tiêu chuẩn, áp dụng hệ thống quản lý, bảo hộ sở hữu trí tuệ, v.v... Tuy nhiên vẫn còn lãnh đạo doanh nghiệp quản lý, điều hành doanh nghiệp bằng kinh nghiệm, quản lý các quá trình sản xuất, kinh doanh, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa chưa chặt chẽ, thường xuyên.
- Nhận thức về năng suất, chất lượng của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chưa đầy đủ, cho rằng tăng năng suất là tăng số người lao động, tăng giờ làm, tăng đầu tư…mà bỏ qua các yếu tố vô hình như cải tiến quản lý, điều hành, hợp lý hóa sản xuất, nâng cao trình độ người lao động…
- Một số doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý còn hình thức, sau đánh giá chứng nhận việc duy trì không theo quy định, có doanh nghiệp chưa công bố tiêu chuẩn áp dụng, chưa hiểu chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, phù hợp quy chuẩn kỹ thuật và công bố hợp chuẩn, hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa và trách nhiệm của doanh nghiệp…
- Sản phẩm của các doanh nghiệp chưa đa dạng về mẫu mã, chủng loại, chất lượng chưa thực sự ổn định, sản lượng ít, thị trường tiêu thụ trong nước chưa được mở rộng chủ yếu tập trung ở các địa phương lân cận, đây là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thấp.
- Các chỉ số về năng suất nhìn chung còn thấp, bên cạnh những khó khăn khách quan về tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn có những khó khăn nội tại của doanh nghiệp không thể giải quyết đồng loạt hoặc một sớm một chiều như: vốn, công nghệ, thị trường, kỹ năng quản lý, điều hành, v.v…
2. Công tác thông tin, tuyên truyền
Công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động năng suất và chất lượng ngày càng gắn bó với thực tế hoạt động của doanh nghiệp. Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng của địa phương, với mạng lưới cộng tác viên và chuyên gia về lĩnh vực năng suất, chất lượng để tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về năng suất, chất lượng cũng như các hoạt động năng suất, chất lượng diễn ra trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời chuyển tải các thông tin đó tới doanh nghiệp và công chúng trong tỉnh. Cụ thể như sau:
- Tổ chức 15 buổi hội thảo, tập huấn giới thiệu về Đề án, một số giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng để phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập, giới thiệu một số hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng tại các doanh nghiệp, giải pháp nâng cao năng lực quản lý, điều hành và mô hình tích hợp các hệ thống quản lý, hướng dẫn áp dụng mã số, mã vạch trên thương phẩm, tập huấn về chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP), v.v... cho gần 1.000 lượt người tham dự.
- 30 lượt cán bộ, công chức được tham gia tập huấn, đào tạo kiến thức chung về năng suất chất lượng, một số hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất chất lượng.
- Xây dựng 34 phóng sự, 5 tọa đàm, 18 video, 30 tin bài nhằm giới thiệu và cập nhật thông tin, kiến thức về các mô hình, giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng cho cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác chất lượng tại các cơ quan và doanh nghiệp qua đó nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong việc thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng.
- Xây dựng kênh tương tác giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý và người tiêu dùng về năng suất, chất lượng thông qua chuyên mục Năng suất chất lượng trên Trang thông tin điện tử của Sở Khoa học và Công nghệ, lồng ghép một số nội dung về năng suất, chất lượng trong chuyên mục Phát triển thương hiệu trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.
Việc tuyên truyền thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức đa dạng đã có tác dụng nhiều mặt như: phổ biến tới các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước các văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương, chính sách về hoạt động năng suất, chất lượng góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, các chủ doanh nghiệp và người dân trong tỉnh; tạo được sự quan tâm của xã hội, doanh nghiệp trong nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của việc nâng cao năng suất, chất lượng trong phát triển bền vững của doanh nghiệp.
3. Hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp tham gia Đề án
- Đã lựa chọn, hỗ trợ 5 tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động cải tiến năng suất, chất lượng một cách có hệ thống thông qua việc triển khai xây dựng, áp dụng tích hợp thành công một số hệ thống quản lý và công cụ cải tiến (ISO 9001, ISO 14001, OHSAS18001, KAIZEN 5S...). Đây là những doanh nghiệp điển hình cho các doanh nghiệp trao đổi học tập dưới các hình thức tổ chứchội thảo, tham quan để nhân rộng và lan tỏa kết quả tích cực về năng suất, chất lượng.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các nội dung của Đề án:
+ Giải thưởng chất lượng Quốc gia: 11 doanh nghiệp
+ Chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn: 5 doanh nghiệp
+ Chứng nhận sản phẩm phù hợp quy chuẩn: 60 doanh nghiệp
+ Chứng nhận hệ thống quản lý: 80 doanh nghiệp
+ Đăng ký mã số mã vạch: 60 doanh nghiệp
+ Xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở: 85 doanh nghiệp
4. Kết quả triển khai Đề án
Sau 8 năm triển khai Đề án, các nội dung thực hiện đảm bảo mục tiêu đã đề ra. Kết quả đạt được đã có những tác động tích cực đến hoạt động năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh:
- Hoạt động thông tin, tuyên truyền, tập huấn góp phần từng bước nâng cao nhận thức về năng suất, chất lượngcho các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý trên địa bàn tỉnh. Khái niệm về năng suất, chất lượng đã xuất hiện nhiều hơn trong tư duy và hành động của các nhà lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là lãnh đạo các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhận thức rõ hơn nâng cao năng suất, chất lượng là con đường kinh tế nhất, đồng thời cũng chính là một trong những chiến lược quan trọng trong phát triển bền vững.
- Việc hỗ trợ trực tiếp đã kịp thời động viên, khuyến khích các doanh nghiệp trong hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa tạo điều kiện thuận lợi mở rộng thị trường, tăng năng suất lao động, giảm chi phí không cần thiết và giảm giá thành sản phẩm. Một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như nhóm sản phẩm vật liệu xây dựng, cơ khí, phân bón, thức ăn chăn nuôi,v.v... đã được doanh nghiệp quan tâm thực hiện chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng...để đáp ứng yêu cầu quản lý, nhu cầu, mong đợi của người tiêu dùng và khẳng định chất lượng cũng như uy tín của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng ý thức hơn trong việc xây dựng và công bố tiêu chuẩn áp dụng, đăng ký sử dụng mã số mã vạch, xây dựng, áp dụng và chứng nhận hệ thống quản lý, tham gia Giải thưởng chất lượng Quốc gia v.v... để tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
- Bước đầu hình thành phong trào năng suất, chất lượng trong phạm vi cả tỉnh, thông qua đó huy động được nguồn lực của xã hội tập trung cho mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm, hàng hoá, nâng cao khả năng cạnh tranh, thương hiệu của doanh nghiệp. Việc hỗ trợ doanh nghiệp tuy còn hạn chế nhưng phần nào đã khích lệ động viên doanh nghiệp mạnh dạn áp dụng các giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình, tạo được sự gắn kết giữa khoa học, sản xuất và đời sống.
- Các cán bộ được đào tạo đã có những kiến thức chung về năng suất, chất lượng, hiểu biết nhất định về một số hệ thống quản lý, công cụ cải tiến để tư vấn cho các doanh nghiệp lựa chọn những nội dung phù hợp đăng ký tham gia Đề án và đẩy mạnh các hoạt động năng suất, chất lượng của doanh nghiệp.
- Mức độ đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 là 29,42% và giai đoạn 2016 - 2020 là 47,1%. Kết quả này cao hơn mục tiêu của Đề án và cao hơn bình quân chung của cả nước. Tỷ lệ này phản ánh kết quả tích cực trong sản xuất mang lại do nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động, nhờ vào tác động của các nhân tố đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động, nâng cao năng suất, chất lượng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương./.
Bài của Lê Thị Lý
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 2 năm 2021