Hiệp định TBT và một số giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua những rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT)

TBT là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Technical Barriers to Trade” được dịch là Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (hay các rào cản kỹ thuật trong thương mại). TBT là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà một nước áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu.
Hiệp định TBT và một số giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua những rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT)

Mỗi nước thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đều thiết lập và duy trì một hệ thống các biện pháp kỹ thuật riêng đối với hàng hoá sản xuất trong nước và hàng hoá nhập khẩu. Để loại bỏ các TBT không cần thiết, tổ chức WTO đã đưa ra văn bản pháp lý là Hiệp định TBT như một luật chung để đảm bảo rằng quy định của các nước thành viên không được tạo ra những rào cản không cần thiết cho thương mại quốc tế.

Hiệp định TBTquy định nghĩa vụ của các thành viên nhằm đảm bảo rằng các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, thủ tục đánh giá sự phù hợp không tạo ra những cản trở không cần thiết đối với thương mại. Các nhóm nghĩa vụ trong Hiệp định TBT bao gồm: Đối xử với hàng hoá xuất khẩu của một nước không kém ưu đãi hơn so với cơ chế đối xử đối với hàng hoá sản xuất trong nước hoặc đối với hàng xuất khẩu của một nước khác. Khuyến khích các thành viên dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế hài hoà. Minh bạch trong quá trình xây dựng, áp dụng và thực hiện các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Các yêu cầu về thủ tục liên quan tới việc thông báo cho WTO các vấn đề có liên quan tới TBT.

Việc cam kết thực hiện Hiệp định TBT đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, đảm bảo các loại hàng hóa được đối xử công bằng khi xuất sang các nước trong tổ chức WTO, đồng thời nó cũng đặt ra thách thức cho các DN phải tuân thủ các yêu cầu chặt chẽ về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp mà thị trường các nước đặt ra.

Để hỗ trợ DN Việt Nam vượt qua được các hàng rào TBT của các nước nhập khẩu, cần có sự tham gia tích cực của các bên liên quan. Cụ thể, về phía cơ quan nhà nước, cần thực hiện những nội dung sau: Tăng cường cung cấp thông tin về TBT cho DN. Đồng bộ về chính sách; tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa tiêu chuẩn quốc tế. Chủ động hướng dẫn DN tổ chức thực thi các hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm, quy chuẩn về an toàn sức khỏe và bảo vệ môi trường và hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thông qua các hoạt động chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN); chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hàng hóa. Hỗ trợ cộng đồng DN Việt Nam xây dựng và áp dụng các TCVN, tiêu chuẩn quốc tế, QCVN, các công cụ năng suất chất lượng, hệ thống quản lý tiên tiến để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong giai đoạn mới. Chủ động đối phó với các rào cản về chống bán phá giá. Hỗ trợ và khuyến khích các DN sử dụng nhãn mác sinh thái theo các tiêu chuẩn quốc tế để đối phó và vượt qua các rào cản về môi trường.

Bên cạnh đó, các DN cũng cần chủ động trang bị cho mình kiến thức, thông tin và giải pháp cần thiết để vượt qua những rào cản. Một số biện pháp sau có thể giúp DN vượt qua các TBT:

- Chủ động nghiên cứu về hàng rào kỹ thuật của thị trường xuất khẩu mà DN dự định đưa hàng hóa đến, đó là các tiêu chuẩn, quy chuẩn, thủ tục đánh giá sự phù hợp và các quy định liên quan khác đối với hàng hóa tại thị trường xuất khẩu.

Xây dựng chiến lược sản phẩm: Hoàn thiện chiến lược sản phẩm của doanh nghiệp, chọn sản phẩm có thế mạnh, cần quan tâm đến chiến lược thích ứng hóa sản phẩm nhằm thỏa mãn đến mức cao nhất nhu cầu thị trường, phải tính đến việc phát triển sản phẩm mới. Tăng cường công tác nghiên cứu thị trường. Hoàn thiện chiến lược phân phối và tổ chức mạng lưới bán hàng. Xây dựng và phát triển thương hiệu DN.

- Chủ động nghiên cứu áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tuân thủ các quy định của các quy chuẩn kỹ thuật, các quy định có liên quan đến sản phẩm, hàng hóa của mình. Tích cực tham gia các hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời tham gia xử lý nội dung các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, quy định, thủ tục,...liên quan đến  sản phẩm, hàng hóa của mình, có ảnh hưởng đến thương mại mà các nước thành viên WTO đã hoặc sẽ ban hành.

- Chủ động đưa ra các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng cho DN; triển khai áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng; áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan; chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn, hợp quy; xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ...Hoàn thiện hệ thống thông tin, chủ động áp dụng thương mại điện tử trong điều hành kinh doanh. Phát triển thương mại điện tử cần gắn liền việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng quốc tế. Chấp hành tốt các quy định của Nhà nước trong các lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; lĩnh vực môi trường; thuế và thương mại; đất đai và xây dựng…

Ngoài ra, DN cần tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là sự hỗ trợ từ các trung tâm hỗ trợ DN, văn phòng TBT Việt Nam và hệ thống trong mạng lưới TBT, văn phòng SPS, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Bài của Ngô Thị Kiều Oanh

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6 ra tháng 12 năm 2022


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập170
  • Hôm nay47,476
  • Tháng hiện tại1,072,680
  • Tổng lượt truy cập3,777,884
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây