Chùa Côn Sơn thuộc phường Cộng Hòa, TP. Chí Linh tên chữ Hán là Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự, tục gọi là chùa Hun được khởi dựng cuối thế kỷ XIII, mở rộng, hoàn chỉnh ở thế kỷ XIV; được trùng tu, tôn tạo ở các thế kỷ XVI, XVII, XVIII... Theo văn bia, chùa xưa là quần thể kiến trúc nguy nga lộng lẫy gồm 83 gian, có Cửu Phẩm liên hoa với 385 pho tượng; các công trình mái lợp ngói thanh lưu ly, hoàng lưu ly... trông xa long lanh như ngọc biếc.
Từ xưa, chùa là một trong những trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm. Nơi đây, Đệ Tam Tổ Huyền Quang tôn giả đã trụ trì và viên tịch. Đó là một quốc tự của thời Trần, ngôi chùa của một Phật phái chính trị trong thời kỳ gắn với các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm hào hùng.
Tại di tích chùa Côn Sơn, một số dấu tích về tinh hoa của di sản văn hóa vật thể còn tồn tại tới ngày nay. Chúng ta đã gặp một nền chùa cổ từ thời Mạc trở về trước (nền Thượng điện hiện nay), với độ cao hơn Tiền đường trên 70 cm, chân tảng đá chạm đài sen mang niên đại vào thời Lý và đầu Trần, gốm mang hoa văn trang trí thời Trần, nhiều viên gạch có hình nổi hoa văn linh thú của thời Mạc, sau đó là cả một hệ thống kiến trúc mang niên đại trải dài suốt từ thế kỷ XVII tới tận ngày nay.
Trong lịch sử, cùng với kiến trúc chùa được xây dựng lộng lẫy nguy nga thì hệ thống tượng thờ cũng được quan tâm chế tác, thờ phụng; như văn bia cho biết chùa có trên 300 pho tượng. Trải qua thời gian và chiến tranh, chùa Côn Sơn không còn quy mô đồ sộ như xưa, tượng thờ cũng giảm đi rất nhiều. Hệ thống tượng hiện nay ngoài toà Cửu Long bằng đồng, niên đại thế kỷ XIX, các pho tượng còn lại đều làm từ gỗ mít, có niên đại từ thế kỷ XVII - XX. Hệ thống tượng Phật trên Thượng điện chùa Côn Sơn được bài trí theo phong cách truyền thống gồm: Bộ tượng Tam thế Phật, Bộ tượng Di Đà tam tôn, Bộ tượng Hoa Nghiêm tam thánh, tòa Cửu Long.
Thông thường trên Thượng điện Tam Thế Phật được đặt ởhàng trên cùng, bộ tượng Di Đà tam tôn hàng thứ 2. Tuy nhiên, tại chùa Côn Sơn, do kích thước pho tượng A Di Đà quá lớn nếu đặt ở hàng thứ 2 sẽ che khuất tượng Tam thế Hiện Tại nên 2 pho tượng được đổi chỗ cho nhau. Hiện nay, vị trí tượng Tam Thế Phật sắp xếp như sau: Phật Quá Khứ và Phật Vị Lai đặt 2 bên tượng Phật A Di Đà ở hàng trên cùng, tượng Phật Hiện Tại đặt chính giữa hàng thứ 2. Bộ tượng Tam Thế Phật tại chùa Côn Sơn là một hiện vật mang giá trị tiêu biểu của nghệ thuật điêu khắc tượng tròn thế kỷ XVII và đặc biệt quý hiếm, thể hiện qua:
- Bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn là hiện vật gốc độc bản
Điều đặc biệt ở bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn đó là chiếc áo cà sa kiểu quấn mảnh vải từ vai trái vắt chéo xuống sườn phải để hở hẳn bờ vai, cánh tay và nửa ngực phải. Hiện tượng trật vai phải của những pho tượng này như để biểu thị sự tôn kính bề trên mà ở đây là Phật kính pháp. Trong kho tàng nghệ thuật cổ Việt Nam, tượng Tam Thế chùa nào cũng có, hầu hết tượng Phật khoác áo cà sa che kín người hai nửa cân nhau, gọi là tăng già lê, gồm áo mặc trong, áo mặc giữa và áo mặc ngoài; Nhưng kiểu khoác áo cà sa như thế này thì rất hiếm, trên cả nước chỉ có ở bộ Tam thế Phật chùa Côn Sơn và bộ Tam thế Phật chùa Hiệp Thuận (Phúc Thọ, Hà Nội).
- Là hiện vật có những giá trị đặc biệt về cả niên đại, lịch sử tạo dáng rất hiếm và quý, là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời kỳ lịch sử
Về nghệ thuật tạo hình: Bộ tượng Tam thế chùa Côn Sơn tiêu biểu cho sự chuyển tiếp của phong cách tạo hình tượng thời Mạc (thế kỷ XVI) sang phong cách tạo hình tượng thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII):
Bộ Tam Thế Phật chùa Côn Sơn được tạo tác với phong cách tạo dáng rất hiếm và quý. Tượng được tạc với biểu tướng Sahasrâra (tướng trên đỉnh đầu) là khối cầu đứng độc lập. Kiểu thức tượng Sahasrâra dưới dạng một khối gần như tròn thường chỉ có ở tượng Phật thuộc “phong cách Mạc” (nửa cuối thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVII) và hiện nay còn lại rất ít (dưới 10 pho, như ở chùa Côn Sơn - Hải Dương, chùa Thái Lai - Mê Linh, Hà Nội, phần nào ở chùa Bà Tề - Phúc Thọ, Hà Nội…). Tuy vậy, các tượng này vẫn đủ tư cách đại diện cho một phong cách riêng biệt, như chưa chịu sự chi phối của hai dòng Thiền Tào Động và Lâm Tế, mà còn giữ được phong cách tạo tượng Phật từ thời trước đó (có nhiều sự tương đồng về cách tạo tượng của thời Lý…). Cụ thể là: đầu tượng có sọ trên nở, hàm thon hơn, mặt trái xoan, mà theo một số nhà nghiên cứu dân tộc học mỹ thuật truyền thống thì đó là một chi tiết để biểu hiện về sự phát triển cao độ của trí tuệ. Tóc tượng xoắn ốc, phủ đầy ở đầu và cả tóc mai xuống tới tận giữa tai và kín cả nhục kháo. Những vân ốc này được thể hiện khá đều, cân đối to nhỏ hợp lý, góp phần chưa phân biệt rạch ròi giữa sọ với nhục kháo (tương đồng với nhiều tượng Phật thời Mạc bằng đá ở chùa Hòa Liễu - Hải Phòng và một vài chùa khác…). Tượng có một bộ mặt mang nét chân dung chuẩn mực, gần gũi với khuôn mặt của người Ấn, với sống mũi cao, thẳng, nguyệt mi cong, mắt nổi khối vồng, miệng cân phân đầy đặn, khóe miệng cong lên trên. Khuôn mặt có nhiều chi tiết thuộc về đạo mà vẫn hết sức đôn hậu, thanh tú. Đây là một khuôn mặt tự nhiên, chưa bị cường điệu để gắn với nhiều chi tiết cao quý do người thời sau thường áp đặt.
Thân tượng rất dày, ngực nở căng, bụng thon vừa phải, thế ngồi mềm mại, uyển chuyển, nhịp nhàng. Đặc biệt, áo cà sa như chỉ có một lớp, và còn bó sát người như kế thừa từ phong cách nhà Lý (có ảnh hưởng từ dòng nghệ thuật Gandhâra miền Bắc Ấn Độ), với các chi tiết nổi bật như tạo thành hõm rõ rệt ở giữa cánh tay và thân, đồng thời các nếp áo còn ít, không quá nhiều như ở tượng từ thế kỷ XVII về sau.
Đài sen mang phong cách thời Mạc. Khối căng, cánh sen phồng lên, đầy đặn, đầu cánh sen có gờ cạnh, cánh sen kết cấu với trục đài sen ở một góc lớn hơn 750.
Qua so sánh, thấy rằng, hình thức tượng Tam thế chùa Côn Sơn tiếp nhận phong cách thời Mạc (dáng bụ, khối nổi, chân chất) và có nét quý phái sẽ phát triển ở khoảng giữa thế kỷ XVII (ngực đeo dây anh lạc, các nếp nuột nà, óng ả). Bộ tượng Tam thế Phật chùa Côn Sơn là một trong không nhiều bộ tượng đẹp nhất, đại diện cho giai đoạn chuyển tiếp phong cách từ thời Mạc sang Lê Trung Hưng. Các pho tượng được chạm khắc rất kỹ, chau chuốt tới từng chi tiết. Người nghệ sĩ đã chú ý tới một vẻ đẹp theo quan niệm đương thời trong hình thức phúc hậu, thanh thoát. Bên cạnh đó, giá trị về những ý niệm cầu mong phồn thực vốn có trong tâm người Việt vẫn được thể hiện rõ nét qua các mẫu hình của biểu tượng về âm dương lưỡng hợp, về các lực lượng tự nhiên.
Với những giá trị đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương đã lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia. Ngày 18/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 73/QĐ-TTg công nhận 29 bảo vật quốc gia trong cả nước (đợt 12, năm 2023), trong đó có Bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn, tỉnh Hải Dương.
Việc công nhận Bộ tượng Tam Thế Phật chùa CônSơn là bảo vật quốc gia nhằm tôn vinh di sản văn hóa có giá trị tiêu biểu, tôn vinh và làm nổi bật thêm giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc trong bối cảnh tỉnh Hải Dương cùng với tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang đã hoàn thiện Hồ sơ đề cử trình UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới.
Bài của Bùi Văn Đạt
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 5 năm 2024