Theo Điều 22 Tuyên ngôn nhân quyền năm 1948 có quy định: Với tư cách là thành viên của xã hội, ai cũng có quyền được hưởng an sinh xã hội (ASXH), cũng như quyền được hưởng những quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cần thiết cho nhân phẩm và sự tự do phát huy cá tính của mình, nhờ những nỗ lực quốc gia, sự hợp tác quốc tế và theo cách tổ chức cùng tài nguyên của quốc gia. Điều 34, Hiếp pháp năm 2013 cũng quy định: Công dân có quyền được bảo đảm ASXH. Điều 59 đề ra trách nhiệm “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống ASXH”.
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định: “Chú trọng nâng cao phúc lợi xã hội, ASXH, cố gắng bảo đảm những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của nhân dân về nhà ở, đi lại, giáo dục, y tế, việc làm…”.
Ngay từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng và nhà nước ta đã coi nhiệm vụ diệt “giặc đói”, “giặc dốt” như diệt giặc ngoại xâm. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có mong ước: Nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Cụm từ “An sinh xã hội” chính thức được sử dụng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (tháng 4/2001): “Khẩn trương mở rộng hệ thống bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội”. Đặc biệt, Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 01/6/2012, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” đã đặt ra yêu cầu phải đặt chính sách xã hội ngang tầm với chính sách kinh tế và thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển và khả năng nguồn lực trong từng thời kỳ; coi bảo đảm ASXH là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; xây dựng hệ thống ASXH đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ.
Trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng giữ vai trò đắc lực trong việc góp phần đảm bảo công bằng và ASXH xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, công tác ASXH của tỉnh Hải Dương tiếp tục đạt được nhiều thành quả tích cực, chính sách không ngừng được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được chăm lo ngày một tốt hơn với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Điều này được thể hiện rõ sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, nhiều chỉ số không ngừng được cải thiện và vươn lên như xếp thứ 48/132 quốc gia về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), tỉnh Hải Dương xếp thứ 17 với 42,57 điểm, chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023; cùng hàng loạt chỉ số không ngừng tăng cao.
Với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tỉnh Hải Dương đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác ASXH, trong đó phải kể đến chính sách xóa đói, giảm nghèo.
Hiện nay, Hải Dương có khoảng 440 nghìn người tham gia BHXH, chiếm gần 45% lực lượng trong độ tuổi lao động, trong đó có gần 55 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Hằng tháng có khoảng 97 nghìn người được nhận lương hưu với số tiền gần 448 tỷ đồng. Toàn tỉnh có gần 372 nghìn người tham gia bảo hiểm thật nghiệp, gần 1,8 triệu người tham gia BHYT. Ngoài ra, BHXH đã chi trả từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh BHYT cho những người hưởng lương hưu bị mắc bệnh hiểm nghèo, nan y. Trong thời gian hưởng lương hưu, người thụ hưởng không may qua đời thì thân nhân còn được hưởng chế độ tử tuất với nhiều quyền lợi liên quan khác.
Trong năm 2023, toàn tỉnh giải quyết hưởng các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp cho tổng số 33.987 người; giải quyết cho 173.060 lượt người hưởng các chế độ ngắn hạn với tổng số chi BHXH, bảo hiểm thất nghiệp lên đến hơn 6.830 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã có 3.170.382 lượt người đi khám chữa bệnh BHYT, tăng 228.278 lượt người so với năm 2022, với tổng số tiền chi khám chữa bệnh BHYT trên 1.692 tỷ đồng.
BHXHtỉnh luôn đẩy mạnh chuyển đổi số, quyết liệt triển khai Đề án 06 của Chính phủ, cải cách thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Năm 2023 trên địa bàn tỉnh có 1.732.516 người được đồng bộ căn cước công dân, định danh cá nhân với thẻ bảo hiểm y tế để đi khám chữa bệnh, đạt 99,8%; 282 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đạt 100% thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân. Phê duyệt cài đặt, sử dụng 137.984 tài khoản VssID, vượt 8,15% kế hoạch giao năm 2023.
Với những kết quả đạt được cho thấy, chính sách BHXH đang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong việc bảo đảm ASXH, ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, hướng tới mục tiêu bảo BHXH toàn dân của Đảng, Nhà nước.
BHXH tỉnh phát triển thêm hơn 18.000 người trong độ tuổi lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, để đạt mục tiêu hơn 66.000 người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trong năm 2024. Trong đó, huyện Thanh Miện hơn 8.000 người; TP. Hải Dương hơn 7.500 người…
Để đạt được mục tiêu đề ra, BHXH triển khai đồng bộ các biện pháp như đẩy mạnh công tác chuyển đổi số theo Đề án 06 tạo bước đột phá trong quản lý, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi tối đa phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thực hiện khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân vừa rút ngắn thời gian thủ tục khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng phục vụ, vừa giúp quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.
Bất chấp thực tế đó, các đối tượng chống phá thù địch cố tình lờ đi và không ngừng đưa ra những luận điệu xuyên tạc năng lực quản lý, điều hành và vai trò của chính sách an sinh xã hội của Ðảng, Nhà nước, như việc quy kết “Nhà nước bỏ mặc dân nghèo tự lo”, “chế độ ASXH ở Việt Nam có chiều hướng thụt lùi”... Cần khẳng định rằng, ASXH là một chủ trương quan trọng, xuyên suốt của Ðảng và Nhà nước ta và ngày càng được thực hiện sâu rộng, toàn diện.
Trong giai đoạn 2020 - 2022, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đồng thời phải tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch, song Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hải Dương cùng các cấp, các ngành trong toàn tỉnh đã tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và thực hiện ASXH. Từ nguồn vận động, cùng với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước và sự trợ giúp của cộng đồng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hải Dương các cấp đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa hàng trăm căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ hàng trăm lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn khám, chữa bệnh; giúp đỡ học sinh, sinh viên về học tập; hỗ trợ người dân phát triển sản xuất.
Cùng với chính sách vì người nghèo, nhiều chính sách ASXH khác cũng được thực hiện tốt. Các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở chăm sóc người cao tuổi, chăm sóc người khuyết tật, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người tâm thần và trung tâm công tác xã hội hoạt động hiệu quả. Những hoạt động này đã thể hiện được bản chất nhân văn, dân chủ, ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, thể hiện sự nỗ lực và những kết quả tích cực của Ðảng, Nhà nước trong bảo đảm ASXH.
Ủy ban MTTQ các cấp cùng với các tổ chức thành viên đã vận động các nhà hảo tâm tặng quà, hỗ trợ để xây nhà “đại đoàn kết” cho hộ nghèo trong tỉnh. Ủy ban MTTQ các cấp phát động thi đua và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'”, phong trào “Đoàn kết sáng tạo”…Qua đó cho thấy sự chung tay, góp sức của toàn dân, của các cá nhân, tổ chức, các nhà hảo tâm và của chính những người dân trong việc thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội.
Hải Dương sẽ tập trung thực hiện nhiều chính sách liên quan đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo điều kiện cho người nghèo an cư, tăng thu nhập. Tại những địa phương còn nhiều hộ nghèo cần phân tích kỹ nguyên nhân và tìm giải pháp giúp họ thoát nghèo bền vững. Thực hiện chính sách ASXH phải bảo đảm công bằng, hài hòa giữa các đối tượng. Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của chương trình ASXH tại Hải Dương đã đạt được những kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,69% (năm 2022) xuống còn 1,34% (năm 2023). Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm duy trì ở mức dưới 2%... Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, thiếu việc làm…
Năm 2024, Hải Dương dành hơn 2.000 tỷ đồng thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Từ năm 2021 đến tháng 4/2024, các sở, ban, ngành của tỉnh Hải Dương đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 23 nghị quyết thực hiện các chính sách ASXH, tập trung vào các nhóm an sinh dành cho lao động, y tế, giáo dục và đào tạo…
Đoàn kết là sức mạnh nội sinh có tính chủ đạo xuyên suốt, bền vững của dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử. Mặc dù, các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ từ bỏ chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng tìm mọi cách để “diễn biến” và làm cho chúng ta “tự diễn biến” bằng những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi với những chiến lược khoét sâu, tạo cớ mâu thuẫn nội bộ… nhằm chia rẽ đoàn kết dân tộc nhưng khối đại đoàn kết dân tộc là không thể bị chia rẽ. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc không những không bị chia rẽ mà ngày càng không ngừng được củng cố, phát huy, góp phần tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bài của Phạm Ninh Hải
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 5 năm 2024