Với trên 60% dân số tỉnh Hải Dương, chiếm 28% lực lượng lao động trong độ tuổi làm nông nghiệp. Trong đó, có 388.437 người tham gia là Hội viên nông dân; nhiệm kỳ qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, thông qua các ứng dụng mạng xã hội, qua các Hội thi “Nhà nông đua tài”, “Nông dân tìm hiểu kiến thức và pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường”, Giải bóng chuyền “Bông lúa vàng”... với phương châm hướng về cơ sở,bám sát cơ sở, thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, khó khăn, bức xúc, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên nông dân và dư luận xã hội để kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”đã có sức lan toả trong nhiều lĩnh vực, trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn. Qua phong trào xuất hiện ngày càng nhiều hộ nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, tạo nhiều việc làm, cho hiệu quả kinh tế cao, bền vững và đa dạng trên nhiều lĩnh vực sản xuất. Hằng năm, trung bình có 190.794 hộ hội viên đăng ký danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, qua bình xét có 130.651 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, đạt 68,3% so với hộ đăng ký.
Hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh thông quanguồn vốn Quỹ quốc gia và Quỹ Hỗ trợ nông dân trên 80 tỷ đồng và nguồn vốn ngân hàng trên 2.298,3 tỷ đồng đã tạo nguồn vốn cho hội viên nông dân vay phát triển sản xuất, kinh doanh giúp cho các hộ nông dân sử dụng vốn vay đúng mục đích, cho hiệu quả kinh tế cao. Xây dựng trên 300 dự án, mô hình tổ, nhóm liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cùng với thành lập các chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp, các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy vùng sản xuất hàng hóa tập trung ở các địa phương.
Công tác dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ số cho nông dân được đổi mới về nội dung, phương pháp và đa dạng ngành nghề đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của hội viên, nông dân. Các cấp Hội đã trực tiếp và phối hợp tổ chức 310 lớp dạy nghề cho 10.933 lao động nông thôn; tỷ lệ nông dân có việc làm ổn định sau khi được học nghề đạt trên 80%. Tổ chức 8.346 buổi tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ trong lĩnh vực sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản cho trên 579.000 lượt người; xây dựng 172 mô hình trình diễn về giống, tiến bộ kỹ thuật mới theo tiêu chuẩn VietGAP, cùng với hướng dẫn nông dân xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa, gắn tem truy xuất nguồn gốc và vận động, liên kết, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật, tiêu thụ nông sản cho nông dân; giới thiệu nông sản tiêu biểu của tỉnh tham gia trưng bày tạicác hội chợ, triển lãm ở nhiều tỉnh, thành trong nước. Phối hợp xây dựng, quản lý nhãn hiệu tập thể cho 25 sản phẩm đặc trưng chất lượng cao, gắn 170.000 tem truy xuất nguồn gốc cho cácsản phẩm nông nghiệp, qua đó khẳng định chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm; kết nối, hỗ trợ tiêu thụ 41.700 tấn nông sản cho nông dân.
Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”được các cấp hội tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đóng góp tiền, hiến đất, công lao động. Kết quả huy động 941,4 tỷ đồng và 961.838 ngày công lao động; hiến 1.173.366 m2 đất ở, đất vườn và đất ruộng; làm mới, sửa chữa 1.472 km đường giao thông nông thôn, đường nội đồng; kiên cố hóa, sửa chữa 1.352 km kênh mương nội đồng; quyên góp ủng hộ xây mới hàng trăm phòng học, nhà văn hóa, trạm y tế, công trình vệ sinh, nước sạch... Xây dựng các mô hình: Nông dân thu gom, phân loại, xử lý rác hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình; Cánh đồng, khu vườn không rác thải; Tuyến đường nông dân tự quản; Hàng cây nông dân, Đường hoa nông dân... đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thứcđối với người dân về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện nội dung, phương thức; xây dựng, củng cố tổ chức Hội theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kinh tế số trong các hoạt động phong trào nông dân. Trọng tâm là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững; quan tâm các hoạt động đổi mới, sáng tạo trong cung cấp dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân, giúp nông dân nâng cao năng lực quản trị, liên kết sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị; tăng cường ứng dụng công nghệ cao theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân. Cùng với nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng sản xuất, kinh doanh; ý thức trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật và nếp sống văn minh của người nông dân. Khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng của hội viên, nông dân. Phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, đức tính cần cù, sáng tạo, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, hiện đại.
Bài của Minh Tuấn
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 4 năm 2024