Đánh giá tình trạng dinh dưỡng và đề xuất giải pháp cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho học sinh phổ thông từ 11-18 tuổi

Tỉnh Hải Dương có gần 2 triệu người, đông dân nhất Bắc Bộ và đứng thứ 8 cả nước. Với lực lượng dân số trẻ cao và người trong độ tuổi lao động từ 15 tuổi trở lên chiếm gần 50% tổng dân số toàn tỉnh. Lứa tuổi học sinh là lứa tuổi chuyển tiếp thành tuổi trưởng thành nên những sự chăm sóc về dinh dưỡng và sức khỏe rất quan trọng, nếu chăm sóc không đúng sẽ làm ảnh hưởng đến trí tuệ, thể lực, học tập và những chức năng sau này.
Đánh giá tình trạng dinh dưỡng và đề xuất giải pháp cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho học sinh phổ thông từ 11-18 tuổi

Năm 2023, Trường đại học Thành Đông đã thực hiện đề tài “Đánh giá tình trạng dinh dưỡng, các giải pháp nhằm cai thiện tình trạng dinh dưỡng của học sinh phổ thông từ 11 - 18 tuổi tại tỉnh Hải Dương” nhằm đưa ra các bằng chứng khoa học, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp đặc hiệu về dinh dưỡng, góp phần vào sự phát triển thể chất, tinh thần của thanh thiếu niên tỉnh Hải Dương.

Ban chủ nhiệm đề tài đã chọn ngẫu nhiên để điều tra; đối với học sinh trung học cơ sở tổng số 2.000 học sinh, 7 trường  gồm Trường THCS Ngô Gia Tự, Nguyễn Trãi, Bạch Đằng, Thanh Sơn, Hồng Khê, Dân Chủ và Hưng Thái, mỗi trường có 4 khối. Mỗi khối sẽ là 2000/7 trường/4 khối bằng 72 học sinh/cho mỗi khối gồm 36 học sinh nam và 36 học sinh nữ; mỗi lớp khoảng 40 học sinh, vậy mỗi khối chọn 2 lớp.

Đối với trung học phổ thôngtổng số 1.500 học sinh, lấy 6 trường gồm THPT Thành Đông, Thanh Bình, Gia Lộc II, Đường An, Bến Tắm, Marie Curie, mỗi trường có 3 khối. Mỗi khối sẽ là 1500/6 trường/3 khối bằng 84 học sinh gồm 42 học sinh nam và 42 học sinh nữ; mỗi lớp khoảng 40 học sinh vậy mỗi khối chọn 2 lớp.

Đề tài đánh giá tình trạng dinh dưỡng nên các chỉ số nhân trắc là rất quan trọng, quyết định chủ yếu tới tình trạng thừa cân béo phì và suy dinh dưỡng của đối tượng học sinh, nên nhóm nghiên cứu đã chuẩn bị rất tốt các công cụ cân đo ở trên và trực tiếp thực hiện các hoạt động cân đo nhằm đảm bảo tính chính xác cao.

Trong từng nhóm tuổi, giá trị trung bình chiều cao của nam và nữ đều gần như bằng nhau. Có sự khác biệt đáng kể về cân nặng trung bình giữa nam và nữ trong từng nhóm tuổi. Chu vi vòng cánh tay có sự khác biệt đáng kể giữa nam và nữ trong từng nhóm tuổi, với nam thường có chu vi vòng cánh tay trung bình lớn hơn so với nữ. Chu vi vòng cánh tay trung bình thường có sự tăng qua các nhóm tuổi, cho cả nam và nữ.Vòng bụng có sự khác biệt đáng kể giữa nam và nữ trong từng nhóm tuổi, với nam thường có vòng bụng trung bình nhỏ hơn so với nữ. Vòng bụng trung bình thường có sự tăng qua các nhóm tuổi, cho cả nam và nữ. Vòng mông có sự khác biệt đáng kể giữa nam và nữ trong từng nhóm tuổi, nhưng khác biệt này thường không lớn. Vòng mông trung bình thường có sự tăng qua các nhóm tuổi, cho cả nam và nữ.

Các yếu tố liên quan đến tình trạng nhân trắc dinh dưỡng gồm: Tần suất sử dụng rau thấp, đặc biệt ở nam và tăng dần theo độ tuổi. Thói quen ăn trái cây giảm khi tăng độ tuổi, đặc biệt là ở nhóm tuổi 12 - 16. Thói quen ăn quà vặt thường xuyên và thi thoảng cao, giảm đột ngột ở nhóm tuổi 12 - 14 và tăng lại ở nhóm tuổi 17. Tương đối nhiều học sinh có thói quen ăn ít rau và ăn nhiều quà vặt, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Sự phổ biến của nước có ga thường xuyên ở nam cao hơn so với nữ.Tần suất sử dụng nước có ga tăng dần từ THCS đến THPT. Thói quen sử dụng nước có ga có sự biến động theo nhóm tuổi, đặc biệt là ở nhóm tuổi 15 và 16. Tỷ lệ tham gia loại hình thể thao có dụng cụ thấp, đặc biệt là ở nữ. Tỷ lệ tập luyện thể thao 1 - 3 lần/tuần cao, phản ánh ý thức về sức khỏe và hoạt động thể chất. Tỷ lệ sử dụng chất kích thích và thuốc lá rất thấp, tăng nhẹ ở nhóm tuổi 18. Có sự chênh lệch giữa các nhóm tuổi và giới tính trong thói quen này. Thời gian đi ngủ có sự biến động theo nhóm tuổi và giới tính, với sự tăng lên vào buổi tối và giảm xuống vào buổi sáng ở nhóm tuổi cao. Sử dụng điện thoại thông minh và internet rộng rãi, có sự chênh lệch theo giới, cấp học và nhóm tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh bẩm sinh và cận thị không quá cao, nhưng có sự biến động theo giới, cấp học và nhóm tuổi. Trình độ văn hoá bố và mẹ ảnh hưởng đến nhiều thói quen và tình trạng sức khỏe của học sinh.

Để đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối cả về số lượng, chất lượng cũng như vấn đề an toàn thực phẩm

Chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ nói chung và chiều cao, cân nặng của trẻ nói riêng. Để giúp cân nặng và chiều cao của bé đạt chuẩn, mẹ cần tích cực bổ sung những thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất, canxi, sắt,... Khẩu phần đa dạng gồm nhiều các nhóm thực phẩm khác nhau như: các loại rau, quả, ngũ cốc, thực phẩm giàu protein như thịt, cá, đậu, sữa và sản phẩm từ sữa. Đảm bảo trẻ được tiếp nhận đầy đủ chất dinh dưỡng từ các nguồn thực phẩm khác nhau.

Cung cấp cho trẻ các nguồn protein như thịt, cá, trứng, đậu, hạt, và sản phẩm từ sữa. Bổ sung các loại vitamin và khoáng chất quan trọng như: vitamin A, C, D, canxi, sắt, và kẽm có trong rau xanh, trái cây, sữa và sản phẩm từ sữa. Cung cấp chất béo lành mạnh từ các nguồn như cá, hạt, dầu ô-liu và dầu hạnh nhân, mè, vừng, …

Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn và duy trì các thói quen ăn đủ rau hàng ngày. Vì rau có tác dụng cải thiện sức khỏe tiêu hóa... mỗi ngày nên ăn từ 200 - 300 gram rau mỗi ngày hoặc ăn 2/3 - 1 bát con rau mỗi bữa); mà còn ăn đa dạng các loại rau: nên ăn cả rau không có màu như củ cải trắng, su hào, mướp, bắp cải, … và rau có màu xanh thẫm, màu vàng, màu đỏ…Nên đa dạng các hình thức chế biến món rau như luộc, xào, nộm, trộn… để tận dụng được các giá trị dinh dưỡng từ nhiều loại rau.

Tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn và duy trì các thói quen ăn đủ quả chín, đây là nguồn cung cấp các vitamin và khoáng, cũng như nguồn cung cấp chất xơ có lợi cho sức khỏe. Mỗi loại trái cây đều có những lợi ích sức khỏe riêng. Trái cây có chứa vitamin, khoáng chất và chất xơ, kiểm soát các loại bệnh khác nhau chẳng hạn như ung thư, bệnh tim, đột quỵ và các bệnh mãn tính khác, mỗi ngày cần duy trì cho lứa tuổi này khoảng 200 - 300 gram quả chín, nên tăng cường ăn dạng múi, miếng; hạn chế vắt nước hay xay sinh tố, để tránh ăn quá nhiều hoa quả, lâu dài là nguyên nhân gây ra thừa cân - béo phì, cũng như rối loạn chuyển hóa đường do cung cấp quá nhiều lượng đường đơn cho cơ thể.

Tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn và hạn chế các thói quen vặt, đây là thói quen không tốt cho sức khỏe vì các đồ ăn vặt thường giàu năng lượng, giàu chất béo, giàu chất bột đường, giàu muối. Không nên ăn các thực phẩm nhiều mỡ  hoặc các món xào nhiều dầu, hoặc các món chế biến ngập dầu, hoặc các món chứa chất béo chuyển hóa không có lợi cho sức khỏe.

Tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn và hạn chế các thói quen sử dụng nước ngọt đóng chai, nước ngọt có gas, nước ép hoa quả, sinh tố, … thường xuyên vì đây là một trong những nguyên nhân gây ra thừa cân béo phì cũng như các rối loạn chuyển hóa khác, trong đó có rối loạn chuyển hóa đường.

Tạo thói quen vận động, tập luyện thể thao cho trẻ, vì vận động là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chiều cao, cân nặng của trẻ nên bố mẹ cần hết sức chú ý. Bố mẹ hãy khuyến khích, động viên để con tích cực tham gia các hoạt động thể thao, nhất là những môn thể thao giúp tăng chiều cao như: bơi lội, đạp xe, nhảy dây,... Ở mỗi giai đoạn phát triển, bố mẹ nên tìm hiểu xem các hoạt động nào thích hợp cho bé để tạo cho con những giây phút thư giãn, vui vẻ để phát triển tốt nhất.

Đảm bảo giấc ngủ giúp tăng chiều cao cho trẻ: Để tăng trưởng chiều cao nói riêng cũng như để giúp bé tăng cường sức khoẻ nói chung điều quan trọng nhất là để bé được nghỉ ngơi đủ giấc. Vì giấc ngủ đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe và hạnh phúc trong suốt cuộc đời. Trong khi ngủ, đây là thời gian tốt để não được nghỉ ngơi và hồi phục sức khỏe. Ở trẻ em và thanh thiếu niên, giấc ngủ cũng giúp hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển. Nên cho bé ngủ sớm, trước 21 giờ hoặc trước 22 giờ và ngủ đủ ít nhất 8 giờ mỗi ngày.

Tạo ra môi trường sống thoải mái, giảm bớt căng thẳng giúp trẻ phát triển tốt hơn. Cha mẹ hãy tạo cho con không gian sống an lành, tình cảm ở nhà và trường học, tránh áp lực và xung đột quá mức. Ngoài ra nhà trường nên tạo thêm các câu lạc bộ và các hoạt động ngoại khoá để trẻ có môi trường hoạt động để phát triển bản thân mộtcách toàn diện hơn.

Cần tập trung vào nhận thức về ý nghĩa của chế độ ăn uống cân đối và lối sống lành mạnh. Tổ chức buổi tư vấn và hướng dẫn về dinh dưỡng cho học sinh và phụ huynh để tăng cường hiểu biết về giảm nguy cơ tình trạng dinh dưỡng không cân đối.

Qua một năm thực hiện đề tài đã đánh giá tình trạng dinh dưỡng của học sinh phổ thông từ 11 - 18 tuổi trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Xác định các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng của học sinh phổ thông từ 11 - 18 tuổi trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Đề xuất giải pháp nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho học sinh phổ thông từ 11 - 18 tuổi trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Bài của Nguyễn Trường Cảnh

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 5 năm 2024

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây