Xuất phát từ những lý do trên, trong 02 năm, từ năm 2018 đến năm 2019, Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật tỉnh đã chủ trì nghiên cứu Đề tài khoa học: Nghiên cứu các nhân tố tác động đến quá trình khởi nghiệp của lao động trẻ tỉnh Hải Dương. Đề tài đã tổng quan các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của đề tài để xác định các nhân tố tác động đến quá trình khởi nghiệp của lao động trẻ tỉnh Hải Dương. Để kiểm chứng các kết quả, Ban Chủ nhiệm đề tài đã tiến hành điều tra phiếu hỏi đối với 1.600 người là lao động trẻ từ 40 tuổi trở xuống trên địa bàn tỉnh Hải Dương
Kết quả điều tra cho thấy, những năm gần đây tỉnh Hải Dương đã có nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế nhằm khuyến khích lao động trẻ khởi nghiệp. Theo đó, hoạt động khởi nghiệp của lao động trẻ tỉnh Hải Dương những năm gần đây đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Qua đó, các lao động trẻ trong tỉnh đều rất quan tâm và mong muốn khởi nghiệp. Tuy nhiên, việc chuẩn bị các điều kiện cho khởi nghiệp của các lao động trẻ tỉnh ta chưa nhiều, chủ yếu mới ở việc vạch ra ý tưởng khởi nghiệp, chứ chưa thực sự bắt tay vào các hoạt động khởi nghiệp. Còn đối với các lao động trẻ đã và đang tiến hành khởi nghiệp lại gặp khá nhiều khó khăn trong việc hiện thức hoá ý tưởng khởi nghiệp của mình, trong đó khó khăn lớn nhất mà họ gặp phải là vấn đề về vốn, tiếp đến là thiếu kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm... Thông qua kết quả khảo sát cho thấy, lao động trẻ Hải Dương mong muốn tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường pháp lý, kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt là, tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn và hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng...
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu của Hải Dương, Ban chủ nhiệm đề tài đã đề xuất kiến nghị một số giải pháp cụ thể sau:
- Tỉnh cần tiếp tục rà soát các quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh làm cơ sở xây dựng hành lang pháp lý, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng các chính sách của tỉnh nhằm khuyến khích phát triển hoạt động khởi nghiệp;
- Tỉnh cần có kế hoạch chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát cơ chế chính sách để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách và có cơ chế đảm bảo thực thi các văn bản này trong thực tế;
- Tham khảo kinh nghiệm từ các tỉnh, thành phố như: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, thành phố Cần thơ... để sớm xây dựng thí điểm vườn ươm doanh nghiệp nhằm ươm tạo, hỗ trợ và nâng đỡ các ý tưởng khoa học và công nghệ, ý tưởng kinh doanh của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của các lao động trẻ trở thành hiện thực.
- Các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh cần tăng cường hơn nữa thời lượng và đa dạng hóa hình thức truyền thông về khởi nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh cần huy động sức mạnh tổng thể của các hội, đoàn thể nhằm phổ biến các chủ trương, chính sách liên quan đến vấn đề khởi nghiệp, cũng như giới thiệu các điển hình tiến tiến trong hoạt động khởi nghiệp.
- Tận dụng tối đa các cơ sở giáo dục của tỉnh trong việc đưa các chương trình đào tạo về kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo để tham gia các chương trình đào tạo bồi dưỡng kiến thức kỹ năng về kinh doanh, khởi nghiệp và quản lý.
Đặc biệt là thông qua kết quả nghiên cứu, Ban chủ nhiệm đề tài đã rút ra một số hàm ý quảnlý quan trọng nhằm hoàn thiện mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp của tỉnh gắn với ảnh hưởng của các yếu tố trong mô hình nghiên cứu đến quá trình khởi nghiệp của các lao động trẻ trong tỉnh vàxây dựng 02 mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp cho lao động trẻ tỉnh Hải Dương./.
Bài của Phạm Ninh Hải
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương ra tháng 2/2021