Nhân Ngày thế giới nói không với thuốc lá 31/5/2021: Vài suy nghĩ về luật phòng chống thuốc lá hiện nay

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá ở nước ta đi vào cuộc sống đã gần 10 năm nay (2012 - 2021). Tuy vậy hiệu quả của nó rất khiêm tốn. Thuốc lá vẫn bán tràn lan, người hút thuốc nơi công cộng kể cả trẻ em, học sinh phổ thông vẫn xảy ra. Các bệnh tật liên quan tới thuốc lá vẫn làm cho hàng chục triệu người khác bị ảnh hưởng.
Nhân Ngày thế giới nói không với thuốc lá 31/5/2021: Vài suy nghĩ về luật phòng chống thuốc lá hiện nay

Điều 4 của Luật đã nêu rõ chính sách của Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá như: Xã hội hóa các nguồn lực để thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Áp dụng chính sách thuế phù hợp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Quy hoạch kinh doanh thuốc lá phải phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá, phù hợp với việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá. Khuyến khích, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn, cai nghiện thuốc lá; nghiên cứu về tác hại của thuốc lá, các phương pháp cai nghiện thuốc lá; nghiên cứu và sản xuất thuốc cai nghiện thuốc lá; hợp tác, tài trợ cho phòng, chống tác hại của thuốc lá; người sử dụng thuốc lá tự nguyện cai nghiện thuốc lá. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trồng cây thuốc lá, sản xuất thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá chuyển đổi ngành, nghề. Cuối cùng là có chính sách khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Điều 6 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá còn nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong phòng, chống tác hại của thuốc lá như: Phải đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ. Đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước. Phải gương mẫu thực hiện và vận động cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Điều 7 của Luật này cũng quy địnhquyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá như:Mọi người được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá. Có quyền yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá. Vận động, tuyên truyền người khác không sử dụng thuốc lá, cai nghiện thuốc lá. Có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá. Có quyền phản ánh hoặc tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

Còn tại Điều 9 Luật quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm như: Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu. Quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức. Tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá. Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá. Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá. Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Bán thuốc lá bằng máy bán thuốc lá tự động; hút, bán thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em…

Rõ ràng những quy định của Luật rất chặt chẽ, tuy nhiên việc thực thực thi trong thực tế còn hạn chế. Chỉ nói riêng việc cấm quảng cáo tiếp thị theo quy định của Luật đòi hỏi rất chặt chẽ, tuy nhiên chúng ta dễ dàng nhận thấy từ các quán nhậu bình dân đến các nhà hàng sang trọng, từ thành thị đến nông thôn vẫn xuất hiện tình trạng tiếp thị, đó là chưa kể đến việc mua bán thuốc lá tràn lan, mua đâu cũng có ...

Theo tìm hiểu của tác giả, luật chống hút thuốc lá của các nước trên thế giới tính đến 2020 chủ yếu vẫn dựa vào hệ thống thuế, cấm quảng cáo và đưa ra những thông điệp nhằm cảnh báo với cộng đồng mối nguy hại của thuốc lá. Tổ chức Y tế thế giới WHO đã xây dựng một hiệp ước quốc tế khá chặt chẽ, nhằm kiểm soát sản xuất thuốc lá bằng cách hạn chế các hình thức tiếp thị, quảng cáo và tài trợ của các hãng sản xuất thuốc lá. Đến nay đã có gần 200 quốc gia là thành viên của Tổ chức chống hút thuốc lá trên toàn cầu triển khai hiệp ước hạn chế và chống hút thuốc lá.

Từ trước đến nay các nhà y khoa thế giới đã công bố hàng trăm đề tài nghiên cứu về thuốc lá. Qua đó, cảnh báo nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch và ung thư phổi là do “đóng góp” lớn của ngành công nghiệp thuốc lá. Tổ chức này đã cảnh báo thuốc lá là một “tên tội phạm” nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Các bệnh tật do hút thuốc gây ra đã rút ngắn tuổi thọ của hàng trăm triệu người trên thế giới.

Những cuộc điều tra xã hội học trong nhiều thập kỷ vừa qua đã xác định rằng: Việc nghiện hút thuốc lá làm giảm tuổi thọ bình quân mỗi cuộc đời người nghiện là 5 năm. Người hút thuốc bị ung thư phổi cao gấp 20 lần so với người không hút thuốc lá. Nhiều đề tài nghiên cứu y khoa đã khẳng định, hút thuốc trung bình 40 điếu mỗi ngày thì sẽ có 50% số người sẽ phải chết đột tử vì bệnh tim mạch và 26% số người tử vong vì bệnh ung thư phổi. Bệnh đau nhói lồng ngực và bệnh nhồi máu cơ tim thường gặp rất nhiều ở người nghiện thuốc lá. Số này nhiều gấp 12 lần so với người không nghiện hút thuốc lá.

Hiện nay các căn bệnh liên quan về phổi tắc nghẽn hoặc ung thư phổi ở các trung tâm điều trị và bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các thành phố lớn khác ở nước ta là khá lớn. Nguyên nhân một phần không nhỏ là do việc mua bán và hút thuốc lá vẫn tiếp tục phổ biến ở khắp nơi. Theo các nghiên cứu khoa học, phụ nữ nghiện thuốc lá thường già rất nhanh, da xanh và thô ráp, mất đi sự thon thả, săn chắc. Bà mẹ nào mang thai và nghiện hút thuốc lá sẽ sớm đầu độc con đẻ của mình hoặc gây ra sẩy thai, đẻ non... Ngoài ra, phụ nữ nghiện hút thuốc lá sẽ làm giảm chất lượng của sữa mẹ trong thời gian cho con bú.

Trẻ nhỏ rất nhạy cảm với khói thuốc lá. Khói thuốc tạo cho chúng tính tình nóng nảy, biếng ăn và chậm lớn. Vì tương lai của thế hệ trẻ, các ông bố bà mẹ nên tránh xa thuốc lá, đồng thời vận động tham gia vào phong trào nói không với thuốc lá trong cộng đồng xã hội.

Bài của Nguyễn Tấn Tuấn

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 4 năm 2021


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập210
  • Hôm nay53,673
  • Tháng hiện tại1,316,087
  • Tổng lượt truy cập4,021,291
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây