Gia đình anh Phạm Văn Định ở thôn Mạc Xá, xã Quang Phục, huyện Tứ Kỳ là một trong những nông dân đầu tiên của huyện đưa giống cá chép lai V1 vào nuôi trên quy mô lớn. Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề ương nuôi cá giống cũng như nuôi cá thương phẩm, anh Định luôn đánh giá cao vai trò của việc áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất, lai tạo các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao. Cá chép lai V1 chính là một trong những tiến bộ khoa học kỹ thuật được anh áp dụng vào nuôi thủy sản ngay khi đề tài khoa học và công nghệ của tỉnh triển khai tại địa phương mình. Với tổng diện tích 10.000 m2 ao thuộc khu nuôi trồng thủy sản tập trung, anh Định lựa chọn phương thức nuôi thâm canh và công thức nuôi ghép một số loại cá để khai thác tối đa hiệu quả của các tầng nước và lượng thức ăn tận dụng, bao gồm cá trắm cỏ, cá chép lai V1, cá rô phi đơn tính. Mỗi khi vào vụ thả cá, anh Định đều có sự tính toán kích cỡ đối với từng loại cá cho phù hợp để thu hoạch cùng 1 thời điểm. Thông thường, ao nuôi cá thương phẩm sẽ cho thu hoạch sau chu kỳ nuôi khoảng 6 tháng. Mỗi năm 2 vụ thả cá với đối tượng nuôi chính là cá chép lai V1 mang về cho gia đình anh vài chục triệu đồng sau mỗi kỳ thu hoạch. Anh Định cho biết: Trước đây chúng tôi có giống cá chép Lào Cai khi nuôi thương phẩm cũng có tốc độ phát triển rất cao. Tuy nhiên, từ khi có giống cá chép lai V1 thì chúng tôi thấy giống cá chép V1 có nhiều ưu thế như tốc độ phát triển rất tốt, sức kháng bệnh cao, hình thái, mẫu mã và chất lượng thương phẩm được thị trường chấp nhận với mức hài lòng cao. Giá bán cá chép lai V1 luôn cao hơn so với các loại cá chép khác từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Vì vậy, giống cá chép lai V1 đã giúp giảm tỉ lệ rủi ro trong nuôi thủy sản, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế của gia đình.
Sau khi đề tài sản xuất giống cá chép V1 thành công trên địa bàn tỉnh Hải Dương, năm 2018, 25 hộ nuôi thủy sản của các xã Nam Tân (Nam Sách), Cẩm Định (Cẩm Giàng) và Minh Đức (Tứ Kỳ) đã tham gia mô hình “Chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nuôi cá chép V1 thương phẩm”. Sau thời gian nuôi 1 năm, cá chép lai V1 đạt trọng lượng trung bình từ 1,5 - 2 kg/con, lợi nhuận bình quân đạt trên 134 triệu đồng/ha ao nuôi. Cá chép lai V1 được các hộ tham gia mô hình đánh giá cao về chất lượng con giống và khả năng, tốc độ sinh trưởng phát triển. Năm 2019, 2020, mô hình tiếp tục được triển khai mở rộng tại nhiều địa phương trong toàn tỉnh.
Được thực hiện từ năm 2015, dự án “Tiếp nhận kỹ thuật sản xuất giống cá chép V1 có giá trị kinh tế cao” do Công ty Cổ phần Giống cây trồng Hải Dương triển khai thực hiện tại Trung tâm Nghiên cứu và Nhân giống thủy sản Tứ Kỳ đóng trên địa bàn xã Quang Phục, huyện Tứ Kỳ, với sự chuyển giao và hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt miền Bắc. Cá chép V1 đã tập hợp được những đặc điểm di truyền quý, ưu điểm nổi bật với chất lượng thịt thơm ngon, khả năng chống chịu bệnh tốt của cá chép Việt Nam, khả năng tăng trọng nhanh của cá chép Hungary và trứng ít dính của cá chép Indonesia. Tốc độ tăng trọng của cá chép V1 gấp từ 1,5 - 3 lần so với cá chép trắng Việt Nam trong cùng điều kiện nuôi dưỡng. Cá một năm tuổi có kích cỡ trung bình 1 - 1,5 kg/con, nếu nuôi thưa khả năng đạt 1,5 - 2 kg/con. Sau 2 năm thực hiện dự án, toàn bộ công nhân kỹ thuật của cơ sở đã làm chủ được các quy trình kỹ thuật sản xuất giống ngay tại xã Quang Phục. Từ đàn cá giống bố mẹ, cơ sở đã sản xuất được 10 triệu cá bột tương đương 3 triệu cá hương, khoảng 1,5 triệu cá giống; tái sản xuất quần đàn được 3.000 cá giống bố mẹ hậu bị. Đến nay, mỗi năm cơ sở cung cấp cho thị trường khoảng 6 triệu con giống cá chép lai V1 các kích cỡ, từ cá bột, cá hương đến cá giống, đáp ứng nhu cầu con giống đưa vào nuôi thương phẩm của các hộ nuôi trồng thủy sản trong huyện, bao gồm cả nuôi thâm canh trong ao đất và nuôi cá lồng. Ngoài ra, các địa phương khác trong tỉnh như Cẩm Giàng, Kim Thành, Kinh Môn và các tỉnh Hưng Yên, Nam Định, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An cũng tìm đến cơ sở để nhập con giống đảm bảo chất lượng.
Từ hiệu quả áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất giống thủy sản đã mở ra cơ hội đa dạng hóa đối tượng thủy sản để đưa vào nuôi thương phẩm cho các hộ nuôi trồng thủy sản của tỉnh Hải Dương. Không chỉ đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo, việc sản xuất con giống chất lượng cao tại Trung tâm Nghiên cứu và Nhân giống thủy sản Tứ Kỳ còn góp phần hạn chế rủi ro trong vận chuyển, giúp các hộ nuôi chủ động hơn trong việc bố trí thời vụ nuôi thả một cách hợp lý để đem lại hiệu quả cao hơn trong nuôi trồng thủy sản một cách bền vững.
Bài của Nguyễn Thị Ánh, Đài Phát thanh huyện Tứ Kỳ
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 2 năm 2021