Bệnh dại ở động vật

Bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm đáng sợ nhất lịch sử nhân loại. Khi đã lên cơn dại, kể cả là động vật hay con người đều sẽ tử vong nhanh chóng trong đau đớn và hoảng loạn. Tại Việt Nam, bệnh dại liên tục có những diễn tiến phức tạp. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế năm 2020 cả nước có 72 trường hơp tử vong do bệnh Dại, trong đó tỉnh ta có 01 trường hợp tại xã Kim Xuyên (huyện Kim Thành). Tuy nhiên, hiện nay ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh thực trạng quản lý vật nuôi còn thiếu chặt chẽ và tỷ lệ tiêm phòng vacxin bệnh dại cho đàn chó, mèo mới chỉ đạt khoảng 50% trong tổng số chó, mèo đang nuôi tại các địa phương nên nguy cơ bệnh dại trên động vật phát sinh và lây lan là rất cao.
Bệnh dại ở động vật

1. Khái niệm: Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi rút gây ra, khi vào cơ thể vi rút tác động nên hệ thống thần kinh Trung ương và truyền lây từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung… khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong 100%.

 2. Nguyên nhân: Do vi rút dại có trong tự nhiên; các loài động vật hoang dã: cáo, cầy, mèo rừng…cũng có thể bị bệnh; ở vật nuôi: chó, mèo, trâu, bò, ngựa…đều có thể mắc bệnh dại, song thường gặp nhất là ở chó chiếm 97%, mèo và các động vật khác chiếm 3%. 

3. Đường xâm nhập: Thông qua 2 con đường.

- Trực tiếp: Vi rút dại được truyền trực tiếp từ chó, mèo bị bệnh dại sang chó, mèo khỏe mạnh và người qua nước bọt tại vết cắn.

- Gián tiếp: Do chó, mèo bị tổn thương cơ giới tiếp xúc với nước bọt của chó, mèo bị dại. Vi rút không sinh sản ở vết cắn mà theo dây thần kinh về hạch rồi vào thần kinh trung ương. Thời gian ủ bệnh (từ khi bị cắn đến khi phát bệnh) dài hay ngắn phụ thuộc vào vết cắn ở gần hay xa thần kinh trung ương (não bộ - đầu) và loài gia súc; độ nông sâu của vết cắn; số lượng độc lực của vi rút trong nước bọt. Ở chó, mèo phát bệnh thường dưới 1 tháng.

4. Triệu chứng:  

a. Đối với chó: Chó mắc bệnh dại thường xảy ra ở hai thể.

-  Thể điên cuồng: Chó dại lên cơn dữ dội, hàm trễ, mắt đỏ ngầu, mất thần sắc tạo thành bộ mặt đặc biệt, chảy dãi, xùi bọt mép trắng như xà phòng, không còn cảm giác, đi như điên lao vào mọi người kể cả chủ cắn xé. Chó sợ gió, sợ nước, bỏ nhà đi lung tung; chó gầy rất nhanh rồi chuyển sang bại liệt và chết.

- Thể bại liệt: Chó thể hiện các trạng thái bất thường: Buồn bã, ngơ ngác, bồn chồn, ăn ít hay bỏ ăn. Sau đó lặng lẽ chui vào xó tối nằm lì - gọi là thể dại “câm” hay thể dại “im lặng”. Vài ngày sau đó chó bị liệt chân, liệt hàm (hàm trễ), lưỡi thè ra, nước dãi chảy tự do và không cắn được, chó gầy sút nhanh, nằm một chỗ rồi chết.

b. Đối với mèo:Mèo ít bị mắc bệnh dại hơn chó. Khi mèo mắc bệnh, thường có biểu hiện núp mình vào chỗ vắng, bóng tối, hay kêu, bồn chồn, không nằm yên một chỗ, khi người chạm vào thì cắn hoặc cào rất mạnh.

5. Các biện pháp phòng, chống:

* Phòng bệnh: Tại các hộ dân có nuôi chó, mèo phải khai báo với Chính quyền địa phương và cơ quan thú y để quản lý chó, mèo nuôi. Thường xuyên xích hoặc nhốt chó trong chuồng nuôi, không được thả rông. Khi cho chó ra ngoài, nơi công cộng phải có dây xích, rọ mõm và có người dắt;

- Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ chuồng nuôi nhốt chó, mèo; thực hiện tiêm phòng bệnh dại theo quy định. Trước khi tiêm phòng, người nuôi chó cần phải đăng ký với địa phương và đưa chó, mèo đến địa điểm tiêm tập trung, đồng thời bắt giữ chó, mèo để hỗ trợ nhân viên thú y thực hiện tiêm phòng được thuận lợi. Sau khi tiêm phòng cần theo dõi tình trạng sức khỏe của chó, mèo thấy có hiện tượng khác thừơng phải báo ngay với cán bộ thú y để được sử lý kịp thời.

- Hạn chế nuôi chó thả rông.

- Trường hợp nếu chó cắn người, cần phải đưa người đến cơ quan y tế dự phòng để kiểm tra và tiêm phòng kịp thời, đồng thời nhốt chó lại để theo dõi 15 ngày.

- Trường hợp không biết rõ nguồn gốc của con chó đã cắn người thì phải áp dụng ngay các biện pháp điều trị dự phòng cho người như bị chó dại cắn.

- Để chủ động phòng, chống bệnh dại trên đàn chó, mèo bảo vệ sức khỏe, đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân; các hộ chăn nuôi chó, mèo cần thực hiện tốt “5 không”: Không nuôi chó, mèo khi chưa khai báo với chính quyền địa phương; Không nuôi chó, mèo không được tiêm vắc xin phòng bệnh dại; Không nuôi chó thả rông; Không để chó cắn người; Không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường.

* Chống dịch

- Khi phát hiện chó, mèo có những biểu hiện bất thường như bỏ ăn hoặc ăn ít, sốt cao, hung dữ khác thường nghi mắc dại cắn người, phải nhốt cách ly để theo dõi, đồng thời báo cáo ngay với nhân viên Thú y xã, Chính quyền địa phương, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện để xác minh và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.

- Không vận chuyển, giết mổ chó, mèo và các động vật nghi nhiễm dại trong vùng có dịch. Giám sát chặt chẽ bệnh dại trên đàn chó, mèo.

- Tiêu huỷ xác chó, mèo hoặc súc vật nghi chết vì bệnh dại, tiêu độc môi trường chăn nuôi.

- Triển khai tiêm phòng bao vây bằng vắc xin Dại cho toàn bộ đàn chó, mèo ở nơi nghi chó, mèo mắc bệnh Dại.

Tất cả những người bị chó, mèo cắn, cào, liếm hoặc tiếp xúc phải thực hiện nghiêm ngặt việc xử lý vết thương, nhanh tróng đến cơ sở y tế để được khám và điều trị dự phòng; tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam.

Bài của Nguyễn Minh Đức, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hải Dương

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 4 năm 2021


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập146
  • Hôm nay53,673
  • Tháng hiện tại1,308,057
  • Tổng lượt truy cập4,013,261
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây