Quần thể di tích thuộc danh sơn Yên Tử cần được bảo tồn và phát huy đúng hướng trong thời đại mới

Danh sơn Yên Tử, nóc nhà miền Đông Bắc, có vị trí quân sự, kinh tế, văn hóa quan trọng của dân tộc, gắn liền với lịch sử Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Từ thời Trần đến nay danh sơn được các sử gia và học giả trên nhiều lĩnh vực khác nhau quan tâm nghiên cứu.
Quần thể di tích thuộc danh sơn Yên Tử cần được bảo tồn và phát huy đúng hướng trong thời đại mới

Từ sau ngày đất nước thống nhất đã có nhiều cuộc hội thảo khoa học nhằm làm sáng tỏ giá trị của địa chất, địa mạo, động thực vật, đặc biệt là di tích lịch sử gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm, một thiền phái thoát tục mà nhập thế, luôn gắn đạo với đời, với vận mệnh dân tộc mang khí phách của Đại Việt sau ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông là đội quân mạnh nhất đương thời. Các vua Trần không chỉ lãnh đạo nhân dân giải phóng đất nước, giành quyền độc lập mà còn xác lập quyền tự chủ về văn hóa, tư tưởng, kể cả tôn giáo. Hoàng tử ở Ấn Độ giác đạo dưới gốc cây Bồ đề thì Việt Nam, Thượng Hoàng giác đạo trong Rừng trúc, loài cây được xếp vào hàng tứ quý.

Danh sơn Yên Tử từ thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền, gần một nghìn năm Bắc thuộc, địa danh, địa giới thay đổi nhiều lần, đến thế kỷ X, khi nước nhà giành được độc lập, Yên Tử thuộc Hồng lộ. Đến thời Trần,  khi quần thể di tích được xác lập, lúc đó thuộc Hải Đông lộ; đầu thời Lê Sơ thuộc Đông Đạo, đến năm Quang Thuận thứ 7 thuộc Nam Sách thừa tuyên, 3 năm sau, tức năm thứ 10 (1469) đổi thành Hải Dương thừa truyên. Kể từ đây Đông Triều là một huyện trực thuộc phủ Kinh Môn, thuộc xứ, trấn, rồi tỉnh Hải Dương cho đến cuối thế kỷ XIX. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ngày 9/7/1947, do yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, 4 huyện của Hải Dương là Nam Sách, Chí Linh, Đông Triều và Kinh Môn cắt chuyển về tỉnh Quảng Yên. Ngày 10/1/1949, các huyện Nam Sách, Chí Linh, Kinh Môn chuyển trả lại Hải Dương, riêng Đông Triều, phải đến ngày 01/12/1959 mới chuyển tiếp về tỉnh cũ, nhưng chưa đầy một năm sau, do nhu cầu thành lập khu mỏ mà Đông Triều  bị chuyển về Hồng Quảng, từ đó, Đông Triều thuộc Hồng Quảng rồi Quảng Ninh (1963) cho đến nay.

Dẫy Yên Tử hùng vĩ có nhiều di tích văn hóa, cảnh quan cấp quốc gia; giầu có về khoảng sản, nhất là than đá, đa dạng về địa hình, địa mạo, phong phú về động thực vật, trong đó có những loài đặc hữu, như tùng, trúc, mai vàng...Trải qua 7 thế kỷ, Yên Tử còn bảo lưu nhiều di tích và cảnh quan đặc biệt của quốc gia như: Tháp Huệ Quang lưu giữ xá lỵ của Người; Đường tùng nhân tạo độc nhất vô nhị, rừng trúc xanh tươi, chùa Hoa Yên, chùa Kỳ Lân, chùa Đồng...trầm mặc, suối Giải Oan huyền bí...Mỗi di tích đều gắn liền với những sự kiện lịch sử, những huyền thoại ly kỳ, nhất là sự tích về suối Giải Oan; về Huyền Quang - Điểm Bích, người con gái tuyệt vời của đất Đường An. Vườn tháp ghi nhận những cuộc đời trải qua bao gian lao, chân tu trọn kiếp tại nơi này. Mỗi khi đến thăm di tích, chúng ta còn như thấy phảng phất hình bóng các danh sư lúc sinh thời, những  người sáng lập và phát huy một thiền phái không chỉ cho Đại Việt mà còn góp phần làm phong phú cho văn hóa nhân loại. Chỉ những cảnh quan, sự kiện và di tích hiện còn cùng đủ tiêu chí không chỉ xếp hạng đặc biệt của quốc gia mà còn xứng danh là Di sản văn hóa thế giới. Yên Tử có cả một quần thể di tích hoành tráng và ngoạn mục, dù thời gian, chiến tranh và những biến động xã hội tàn phá, những gì còn lại cũng đủ chứng minh cho một nền văn hóa huy hoàng. Những di tích tọa lạc tại Yên Tử được nhiều người nói tới, ở đây chúng tôi chỉ khái lược những di tích ngoài Yên Tử nhưng có giá trị đặc biệt và quan hệ hữu cơ với di tích Yên Tử.

Côn Sơn là một danh thắng, được nhà nước phong kiến quan tâm sớm, từ triều Đinh khu di tích đã hình thành, nhưng phải đến thời Trần mới được tôn tạo và phát huy, đến thời Lê Sơ đã được ghi trên bản đồ thừa tuyên Hải Dương. Côn Sơn còn có danh xưng là chốn Phật tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Pháp Loa, vị tổ thứ hai của Trúc Lâm, buổi đầu xuất gia, tham thiền học đạo tại liêu Kỳ Lân ở đây; năm 1329, người mở rộng sơn cảnh. Huyền Quang vị tổ thứ ba của Trúc Lâm, tu hành nhiều năm và viên tịch tại đây năm Khai Hựu thứ 6 (1334), nay còn tháp và nhiều di vật quan hệ đến cuộc đời và sự nghiệp của nhà sư.

Côn Sơn ghi dấu chân danh nhân nhiều thời đại từ Trần Nhân Tông đến Trần Nguyên Đán, Phi Khanh, Lê Thánh Tông...Trong thời đại chúng ta, Bác Hồ và nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm và để lại lưu bút khẳng định giá trị của di tích. Thanh Hư động của Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán nay được tôn tạo thành đền thờ Đại tư đồ. Đặc biệt là, đây còn là cố hương của Danh nhân văn hóa thế giới, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, người đã sống ở đây từ tuổi ấu thơ và những năm tháng cuối đời. Tại đây, Người đã sáng tác những bài thơ bất hủ, bởi thế, năm 1980, tỉnh Hải Dương cho xây dựng nhà trưng bày di vật Nguyễn Trãi với Côn Sơn, năm 2000 xây dựng Đền thờ danh nhân trước Thanh Hư động. Dù đã qua bảy thế kỷ, Côn Sơn còn lưu giữ nhiều di vật có giá trị, nhất là hệ thống kiến trúc, cổ vật, văn bia, trong đó có di vật được xếp vào hàng bảo vật quốc gia. Mỗi năm có hai mùa lễ hội thu hút hàng vạn khách hành hương.

Đền Kiếp Bạc (tức Trần Hưng Đạo vương từ) đã trở thành điển tích của lịch sử, mỗi khi nhắc đến như tiếng chuông cảnh tỉnh làm xúc động lòng người, nhớ về một thời oanh liệt, một anh hùng dân tộc và những hội truyền thống làm rạo rực biết bao thế hệ. Kiếp Bạc thuộc thái ấp của Trần Hưng Đạo, trong hương Vạn Kiếp, lộ Lạng Giang thời Trần, cuối thế kỷ XIX mới cắt chuyển về huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Kiếp Bạc tựa sơn đạp thủy, có núi Rồng hình tay ngai bao lấy đại bản doanh của Quốc công tiết chế, thuộc tả ngạn sông Lục Đầu, nơi có thể cơ động lên bắc xuống nam, về kinh đô hay ra biển đều thuận lợi, bởi thế mà trờ thành vị trí chiến lược trong quá trình chống ngoại xâm, không phải ngẫu nhiên mà Trần Hưng Đạo đóng đại đại bản doanh tại đây trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba, cũng vì thế mà trở thành chiến địa ghi những chiến công lừng lẫy. Sau kháng chiến chống Nguyên Mông, Hưng Đạo Đại vương sống ở đây 12 năm cuối đời, trong hoàn cảnh đất nước thái bình, vua Trần Nhân Tông từng nhiền lần đến đây để tham vấn Đại vương. Ở đây còn di tích đại bản doanh, có đền thờ thờ Đại vương  lúc sinh thời, có vườn dược liệu, trên hai nhánh núi có đền và chùa Nam Tào, Bắc Đẩu. Sau khi Đại vương qua đời, ngày mất đã trở thành ngày hội lớn của cả nước, và từ lâu, hội đền cũng là hội chợ, đây còn là môi trường gìn giữ những trò vui dân gian. Côn Sơn - Kiếp Bạc được liệt hạng quốc gia đợt đầu 4/1962 và năm 2012 được xếp hạng Di tích đặc biệt của quốc gia.

Chùa Thanh Mai ở phía nam sườn núi Tam Ban (núi nối liền nhau của ba tỉnh Bắc Giang - Hải Dương - Quảng Ninh) trên độ cao trên 200 m. Thời Lê sơ đến giữa thế kỷ XVIII thuộc xã Đỗ Xá, huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Lang, đến cuối niên hiệu Cảnh Hưng mới cắt chuyển về huyện Chí Linh, trấn Hải Dương, nay thuộc xã Hoàng Hoa Tham, TP. Chí Linh (Hải Dương). Chùa có từ thời Trần, đến tháng 7 năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Khai Thái thứ I (1329), Pháp Loa mở rộng sơn cảnh Thanh Mai, tức tôn tạo cùng với chùa Côn Sơn. Đây là một trong những công trình cuối đời của nhà sư. Thanh Mai là chùa cả, chùa trung tâm của một quần thể công trình Phật giáo trên núi và chân núi như Chín Nền, Đại Lại, Ngũ Đài...mà nay ít người quan tâm đến. Trước chùa có núi Báo Đức, nơi có di cốt của Phi Khanh, danh nhân của triều Trần, thân phụ của Ức Trai, lăng mộ nay đã được tôn tạo.

Thanh Mai được xếp hạng Quốc gia tháng 01/1992, trước đây từng có nhiều tùng bách cổ thụ nhưng bị đốn hạ từ lâu. Chùa giấu mình giữ rừng cây, tiêu biểu là tràm và dẻ. Mỗi năm khi mùa thu tới, lá tràm, hay còn gọi là phong chuyển sang màu vàng tươi như phong cảnh trong tranh của danh họa Levitan (1860 - 1900) nước Nga. Cuối đông hoa dẻ nở trắng rừng, thật là cảnh quan hiếm có ở miền sơn cước Hải Dương. Phía trước chùa còn 7 tâm bia, giá trị nhất là Thanh Mai Viên Thông tháp bi, khắc dựng xong ngày 15/11 năm Nhâm Dần, niên hiệu Đại Trị thứ 5 (1362) nay đã được xếp vào hàng Bảo vật quốc gia. Phía sau chùa có Viên Thông bảo tháp, tức Tháp để di cốt Pháp Loa, là tháp đất nung, đầu thế kỷ XVIII tái tạo bằng tháp đá những đã bị hư hại, nay đã được khôi phục, chùa cũng đã được trùng tu, rừng cây được bảo tồn.

Căn cứ bia Tháp Viên Thông, Pháp Loa Đồng Kiên Cương, 21 tuổi mới xuống tóc đi tu, 26 tuổi đã trở thành người thừa kế Phật hoàng Trần Nhân Tông. Với 47 năm hưởng dương, 26 năm tu hành, nhà sư đã trở thành người trước tác kinh sách, thuyết pháp ở nhiều giảng đường, đào tạo hạng vạn tăng ni, khắc in 5000 cuốn kinh Đại Tạng, xây dựng hàng chùa tháp, mở rộng sơn cảnh, đúc hàng nghìn pho tượng Phật, thật là một con người phi thường, một nhà sư xuất chúng, vô tiền khoáng hậu.

Chùa Vĩnh Nghiêm thuộc xã Đức La, tổng Trí Yên, phủ Lạng Giang, nay thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng. Chùa có từ triều Lý, được thiền phái Trúc Lâm mở rộng vào thế kỷ XIV mà công đầu thuộc về Pháp Loa. Chùa hiện còn căn bản quy mô kiến trúc triều Trần và được tôn tạo vào triều Lê trung hưng. Tại đây còn nhiều di vật có giá trị, tiêu biểu hệ thống mộc bản trên 2.800 tấm, được thợ Liễu Chàng điêu khắc từ thế kỷ XVII - XVIII. Do giá trị đó mà ngày 16/5/2012, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được Unesco công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Chùa Ngoại Vân là nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu hành và cũng là nơi Người viên tịch. Trên đỉnh núi giữa những hàng lão tùng kình thiên, trong rừng trúc bạt ngàn xanh tươi cả bốn mùa trên núi Bảo Đài thuộc xã Bình Khê, thị xã Đông Triều. Chùa xưa không còn kiến trúc đồng bộ, nay chỉ thấy những chân tảng rộng hiếm thấy, tháp Phật Hoàng, bia ký về di tích. Tùng trúc vẫn đứng thẳng hàng kiên cường như dân Việt tưởng nhớ người. Bảo tồn Ngoại Vân, trước hết phải bảo tồn tùng trúc và những di tích kiến trúc dù chỉ còn những mảnh vỡ, đó là những di vật nói lên ý chí phi thường của Trúc Lâm Đệ nhất tổ.

Viện Quỳnh Lâm là Viện tôn giáo đầu tiên của Việt Nam, nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của thiền phái Trúc Lâm. Chùa có từ triều Lý, từng có chuông đồng lớn thuộc hàng Tứ đại khí, nhưng đến triều Trần mới thực sự trở thành viện nghiên cứu tôn giáo, đào tạo tăng ni của thiền phái Trúc Lâm, do Pháp Loa kiến tạo từ tháng 12 năm Đinh Tỵ, niên hiệu Đại Khánh thứ 3 (1/1318). Viện khá hoành tráng mà nay có thể hình dung qua bia ký, di tích kiến trúc cùng nhiều cổ vật có giá trị. Tháp Hòa thượng Thích Chân Nguyên thể hiện sự thừa kế và tôn tạo ở thời Lê Trung hưng. Chỉ một Viện Quỳnh Lâm cũng đủ chứng minh cho sức mạnh vật chất và tinh thần của thiền phái Trúc Lâm như thế nào. Viện Quỳnh Lâm hiện nay từng bước được tái tạo, bảo tồn và phát huy những di tích còn sót lại để thế hệ sau nghiên cứu, ngưỡng mộ một công trình hoành tráng, thể hiện sự tự tin và tài năng của nhân dân Đại Việt sau chiến thắng Nguyên Mông. Đây còn là nơi Pháp Loa, Đệ nhị tổ thiền phái Trúc Lâm đọc bài kệ tuyệt mệnh trước khi về cõi Phật.

Chùa Hồ Thiên: Theo Thanh Mai Viên Thông tháp bi, năm Nhâm Tuất, Đại Khánh thứ 9 (1322), Pháp Loa sáng am Hồ Thiên, Chân Lạc. Hồ Thiên còn đến nay dưới dạng phế tích (Đại Nam nhất thống chí ghi nhầm ở Côn Sơn). Ở đây còn thấy nhiều cây cổ thụ như tùng, vải chua, bồ hòn, vườn chè, tháp cửu phẩm có chạm hình bát quái, đặc biệt  nhà bia bằng đá che tấm bia lớn ở thế kỷ XVIII, nhiều chân tảng rộng trên 1 m2 và hè đá nặng nhiều tấn, dài trên 4 m. Đây không chỉ thể hiện tài điêu khắc mà còn là kỳ công vận chuyển đá xanh từ Kinh Môn lên đỉnh núi cao và dốc với phương tiện thủ công đương thời.

Giá trị tinh thần của quá khứ dấu tích xưa đã được lịch sử ghi lại là cơ sở khoa học chứng minh cho một thiền phái thuần Việt và cũng là minh chứng cho văn hóa Việt một thời, từ đó chúng ta khai thác về văn hóa, tư tưởng và du lịch bền vững hơn vì vậy quần thể di tích thuộc danh sơn Yên Tử cần được bảo tồn và phát huy đúng hướng trong thời đại mới.

Bài của Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Sử học tỉnh Hải Dương

Bài đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 4 năm  2021


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập186
  • Hôm nay53,673
  • Tháng hiện tại1,308,436
  • Tổng lượt truy cập4,013,640
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây