Tăng cường an toàn sinh học trong chăn nuôi

An toàn sinh học trong chăn nuôi là các biện pháp kỹ thuật và quản lý được áp dụng nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân gây bệnh có khả năng gây hại đến con người, gia súc, gia cầm và môi trường nuôi. Đặc biệt, trong thời điểm giao mùa hiện nay, dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi như: Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm đang diễn biến rất phức tạp nhưng kiến thức an toàn sinh học của người chăn nuôi còn rất hạn chế, ngay cả những chủ trang trại, gia trại có quy mô chăn nuôi lớn. Vì vậy, để phát triển chăn nuôi có hiệu quả, an toàn dịch bệnh, người chăn nuôi cần áp dụng nghiêm ngặt các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học như sau:

1. Đối với chuồng nuôi và dụng cụ chăn nuôi

Chuồng nuôi cần có hệ thống hàng rào bao quanh, có ranh giới tách biệt giữa khu chăn nuôi và khu sinh hoạt của con người. Cửa ra vào không nên mở tự do mà phải được đóng kín, có khóa cửa và biển cảnh báo.

Sử dụng quần áo, ủng, bảo hộ lao động riêng cho khu vực chăn nuôi; vệ sinh sát trùng quần áo; dụng cụ bảo hộ sau khi sử dụng. Cần bố trí khu vực khử trùng, hoặc hố/chậu khử trùng trước cửa chuồng nuôi và đầu mỗi dãy chuồng, thay bảo hộ lao động cho người ra vào khu vực chăn nuôi.

Tất cả các dụng cụ từ máng ăn, máng uống, và dụng cụ, đồ vật khác khi đưa vào chuồng nuôi, kể cả mua mới cũng cần phải được làm sạch và khử trùng để hạn chế tối đa việc xâm nhập và phát tán mầm bệnh vào chuồng nuôi. Nên có ô chuồng nuôi cách ly đàn vật nuôi mới nhập hoặc vật nuôi nghi mắc bệnh. Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải đảm bảo kín; nước thải ô chuồng nào thoát riêng ô chuồng đó ra đường thoát nước chung.

Cần kiểm soát nghiêm ngặt người và phương tiện ra vào khu chăn nuôi: Hạn chế tối đa người ngoài ra, vào khu vực chăn nuôi. Đặc biệt khi có khách đến tham quan, mua bán vật nuôi giống, vật nuôi bán thịt ra vào trại phải thực hiện biện pháp bảo hộ, khử trùng người, phương tiện và chuồng nuôi trước và sau khi khách đến và đi; chất sát trùng tại các hố sát trùng ở cổng ra vào khu chăn nuôi, chuồng nuôi phải bổ sung hoặc thay hằng ngày, cần thay đổi các loại chất sát trùng để tăng hiệu quả sát trùng. Ghi chép đầy đủ các thông tin liên quan đến việc khử trùng vào sổ để theo dõi, kiểm tra như: ngày, tháng khử trùng, khu vực khử trùng, hóa chất sát trùng, người thực hiện…một cách đầy đủ, kịp thời và chính xác.

2. Đối với con giống

Khi mua vật nuôi giống, người chăn nuôi cần đến những cơ sở sản xuất con giống đảm bảo an toàn dịch bệnh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đàn vật nuôi cần được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin. Không nên mua giống tại nơi vừa xảy ra dịch. Đối với vật nuôi nhập từ ngoài tỉnh phải có Giấy kiểm dịch, chứng minh nguồn gốc. Trong quá trình vận chuyển, cần bố trí phương tiện và thời gian vận chuyển phù hợp; khử trùng kỹ phương tiện trước và sau khi vận chuyển đàn vật nuôi giống. Thực hiện nuôi cách ly ít nhất 2 tuần để theo dõi tình trạng sức khỏe; ghi chép đầy đủ các thông tin về đàn vật nuôi giống vào sổ chăn nuôi như: Ngày, tháng nhập lợn, địa chỉ nơi bán giống, tình trạng tiêm phòng…một cách đầy đủ và chính xác.

3. Đối với thức ăn và nước uống

Cần kiểm soát tốt nguồn thức ăn và nguyên liệu phục vụ cho chăn nuôi đảm bảo có chất lượng tốt, có nguồn gốc rõ ràng, không bị hỏng, mốc, vón cục và còn hạn sử dụng. Nếu tự chế biến, nguyên liệu phải khô, không ẩm mốc, ngũ cốc phải còn nguyên hạt, không dập vỡ.

Chú ý không cho vật nuôi ăn các loại thức ăn thừa của người khi chưa được nấu chín (đun sôi 100oC). Bảo quản thức ăn và nguyên liệu tại kho chứa riêng, được kê trên kệ, cách xa tường, không để chung vào trong các dãy chuồng nuôi. Luôn đậy kín hoặc bao gói kín thức ăn dùng dở để tránh côn trùng gây bệnh. Thường xuyên vệ sinh máng ăn sạch sẽ. Không để máng uống hoặc nước mưa ảnh hưởng thức ăn. Không vận chuyển thức ăn đi qua ổ dịch. 

Nguồn nước cho chăn nuôi phải đảm bảo an toàn như nước sử dụng cho người (nước máy, giếng khoan có qua lọc). Kiểm tra bể chứa thường xuyên, che đậy bể chứa đảm bảo không bị các loại tạp chất và chất bẩn xâm nhập, cọ rửa sạch máng uống hàng ngày. Nên bổ sung chế phẩm sinh học trong thức ăn để tăng khả năng tiêu hóa, sức đề kháng cho đàn vật nuôi.

4. Công tác vệ sinh thú y

Hàng ngày tiến hành vệ sinh bên trong và ngoài chuồng nuôi; thu gom và xử lý toàn bộ rác, chất thải để xử lý. Khử trùng xung quanh chuồng trại định kỳ ít nhất 2 lần/tuần; bên trong chuồng nuôi ít nhất 1 lần/tuần.

Đối với chuồng nuôi vừa xảy ra dịch bệnh:Tiến hành quét dọn, thu gom toàn bộ rác, chất thải chăn nuôi, phân, chất độn chuồng và tiêu hủy bằng cách đốt. Vệ sinh cơ học toàn bộ chuồng nuôi và khuôn viên trại; phun thuốc sát trùng 1 lần/ngày toàn bộ chuồng nuôi, khuôn viên trại, khu vực nhà ở cho công nhân…bằng các thuốc sát trùng như: Benkocid, Omnicide, Han Iodine, Virkon, Povi dine theo hướng dẫn của Nhà sản xuất. Rải vôi bột hoặc phun dung dịch vôi 1% lên toàn bộ bề mặt chuồng trại như nền chuồng, lối đi, hành lang, cổng trại, đường vào trại…đảm bảo bề mặt phải được phủ trắng vôi. Tất cả các dụng cụ chăn nuôi, quần áo bảo hộ sử dụng 1 lần nên tiêu hủy bằng cách đốt. Đối với một số dụng cụ chăn nuôi như ủng, lồng úm, máng ăn, máng uống, dụng cụ vệ sinh, thu gom chất thải…phải cọ rửa sạch và phun thuốc sát trùng ít nhất 2 lần. Đối với các thiết bị dụng cụ bằng điện có thể xông hơi bằng formol và thuốc tím. Toàn bộ cây bụi, cỏ dại trong trại và khu vực xung quanh phải được chặt bỏ và đốt cháy hoàn toàn; cần nạo vét, khơi thông cống rãnh, sử dụng vôi bột rải lên toàn bộ bề mặt cống rãnh. Có biện pháp diệt ruồi muỗi, diệt chuột và các côn trùng khác.

Chất thải chăn nuôi phải được thu gom hằng ngày, để xa khu chuồng nuôi và nơi cấp nước. Đồng thời phải có biện pháp xử lý chất thải phù hợp với điều kiện chăn nuôi bằng các giải pháp như: Sử dụng hệ thống Biogas, ủ phân vi sinh hoặc dùng đệm lót sinh học… Khi có vật nuôi chết cần thực hiện tiêu hủy bằng phương pháp đốt cháy hoàn toàn hoặc chôn rải vôi bột, khử trùng theo đúng quy định thú y. Tuyệt đối không xả thải trực tiếp ra môi trường xung quanh sẽ gây ô nhiễm môi trường và phát tán mầm bệnh.

5. Quản lý dịch bệnh

Người chăn nuôi cần có quy trình phòng bệnh phù hợp cho từng loại vật nuôi và thực hiện đúng quy trình. Khi có dịch bệnh phải khai báo cho chính quyền địa phương và thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống dịch. Cách ly vật nuôi ốm để có biện pháp xử lý phù hợp, ngừng xuất bán vật nuôi giống và kiểm soát chặt chẽ việc bán sản phẩm, vật tư trong khu chăn nuôi vật nuôi ra ngoài.

Trường hợp vật nuôi bị các bệnh buộc phải tiêu hủy thì thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Đồng thời thực hiện nghiêm ngặt việc tiêu độc, khử trùng tại chỗ; không rửa ngay ô chuồng bị bệnh mà tiến hành phun khử trùng liên tục 3 - 4 ngày sau đó mới rửa chuồng bằng nước sạch và khử trùng lại mới đưa vật nuôi vào nuôi.

Trên đây là một số giải pháp về chăn nuôi an toàn sinh học, người chăn nuôi cần quan tâm và tăng cường áp dụng một cách đầy đủ và thường xuyên để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn lợn nuôi, tăng hiệu quả đầu tư và phát triển chăn nuôi bền vững./.

Bài của Phạm Thị Thanh Thủy

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 4 năm 2021


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập163
  • Hôm nay53,673
  • Tháng hiện tại1,308,932
  • Tổng lượt truy cập4,014,136
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây