Áp dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống cá Diêu hồng

Những năm gần đây phong trào nuôi thuỷ sản của tỉnh Hải Dương phát triển nhanh, mạnh cả về diện tích, năng suất, sản lượng, đối tượng nuôi. Với nhiều hình thức nuôi khác nhau như nuôi quảng canh, bán thâm canh, thâm canh, nuôi cá lồng trên sông nước chảy. Diện tích nuôi rô phi chiếm 30% tổng diện tích nuôi cá, sản lượng năm 2016 diện tích nuôi rô phi 3.255 ha, sản lượng đạt 15.522 tấn; số lồng nuôi cá Diêu hồng 1.800 lồng, sản lượng đạt 5.511 tấn. Hiện nay về con giống nuôi hoàn toàn phải nhập từ miền Nam hoặc các nước như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan… Nhu cầu con giống từ 6 - 8 triệu con/năm.
Áp dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống cá Diêu hồng

Để đảm bảo có một lượng con giống sản xuất tại cơ sở trong tỉnh cung cấp cho các hộ nuôi. Năm 2019, được sự cho phép của UBND tỉnh, Chi cục Thủy sản đã thực hiện đề tài áp dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống cá Diêu hồng (Rô phi đỏ) thích ứng với điều kiện sản xuất của tỉnh Hải Dương. Đề tài do ông Hoàng Quý Hưng, Trưởng phòng Nghiệp vụ thủy sản (Chi cục Thủy sản) làm chủ nhiệm. Nhằm xây dựng mô hình sản xuất con giống cá Diêu hồng đảm bảo thích ứng với điều kiện sản xuất và hoàn thiện quy trình sản xuất con giống cá Diêu hồng phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh Hải Dương.

Ban chủ nhiệm đề tài đã phối hợp với Hợp tác xã Thủy sản Dung Quất tổ chức 01 lớp tập huấn kỹ thuật cho 50 đại biểu là hộ tham gia trong đề tài và các hộ sản xuất, ương dưỡng con giống, nuôi thủy sản của xã Cao Thắng (huyện Thanh Miện) với những nội dung của quy trình sản xuất, ương dưỡng con giống cá Diêu hồng gồm kỹ thuật tuyển chọn, nuôi vỗ cá bố mẹ, biện pháp kỹ thuật thu cá bột, chăm sóc, ương dưỡng cá bột, hương, cá giống, thu hoạch cá giống, biện pháp phòng trị bệnh cho cá bố mẹ, cá giống trong quá trình sản xuất. Từ đó các hộ đã nắm được kỹ thuật tuyển chọn đàn cá bố mẹ, tẩy dọn, phơi ao, lọc nước vào ao, chăm sóc cá bố mẹ, thu cá bột, định lượng thức ăn, chăm sóc cá hương, cá giống, thu hoạch cá giống, biện pháp phòng trị bệnh cho cá.

Trung tâm Quốc gia giống Thủy sản nước ngọt miền Bắc đã chuẩn bị đàn cá bố mẹ cho vào sinh sản, cá được đưa vào ao nuôi có diện tích 600 m2, tổng đàn là 1.200 con đạt tiêu chuẩn cá bố mẹ cho vào sinh sản (trong đó 800 con cái, 400 con đực), khối lượng là 600 kg. Sau khi tuyển đàn cá bố mẹ được đưa vào ao nuôi vỗ, cá an toàn, khỏe mạnh, cho cá ăn cảm công nghiệp 2 lần/ngày.

Sau khi thả ghép cá bố mẹ vào ao, nuôi vỗ tích cực, qua kiểm tra đánh bắt kiểm tra mẫu ngẫu nhiên xác nhận 5/10 cá cái trong miệng đã ngậm trứng; xuất hiện có cá bột nổi trên mặt ao, bắt đầu tiến hành thu cá bột trong ao; phương pháp thu cá bột bằng cách dùng lưới kéo vào mỗi buổi sáng, số lượng cá bột thu được khoảng 1.800.000 con. Ương dưỡng cá từ bột lên cá 21 ngày tuổi có tỉ lệ sống chênh lệch không đáng kể, bình quân tỉ lệ sống các tháng đạt 64%, so sánh tỷ lệ sống với cá Rô phi thường thì cá Diêu hồng có tỉ lệ sống cao hơn. Ao ương dưỡng cá Diêu hồng 21 ngày tuổi, có diện tích 1.200 m2 trở lên, không cớm rợp, tiện cấp thoát nước, gần nguồn nước sạch, bờ cao hơn mức nước cao nhất 50 cm; mật độ cá thả 50 - 100 con/m2 ao. Khi thả cá xuống ao dìm dụng cụ vận chuyển chìm xuống mặt nước ao để cho cá bơi ra từ từ, hạn chế cá bị sây xát, sốc nhiệt. Thức ăn cho ương cá Diêu hồng sau 21 ngày sử dụng cám công nghiệp có độ đạm từ 35 - 40%.

Hàng ngày kiểm tra ao vào buổi sáng sớm để phát hiện các hiện tượng bất thường và có biện pháp xử lý kịp thời như: Cá nổi đầu, ao mất màu, cá mắc bệnh. Đồng thời phòng trừ dịch hại cho cá: Diệt trừ Bọ gạo, Nòng nọc, Rắn, Chim…Định kỳ tăng nước vào ao cho cá, mùa hè lượng nước cạn kiệt do bay hơi vì vậy định kỳ cấp thêm nước mới đảm bảo mức nước > 1,2 m. Thường xuyên kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá, khi cá đạt kích cỡ 3 - 5 cm tiến hành thu hoạch xuất bán cho khách hàng.

Cá Diêu hồng là loài mắn đẻ, đẻ quanh năm, ấp trứng trong miệng. Sau 1 năm nuôi trong ao có thể đạt từ 200 - 500 gram/con; khi nuôi bè cá lớn nhanh hơn đạt trọng lượng 200 gram - 500 gram/con chỉ 7 - 8 tháng và tỷ lệ hao hụt thấp. Cá Diêu hồng là một loại cá có chất lượng thịt thơm ngon, thịt có màu trắng, trong sạch, các thớ thịt được cấu trúc chắc và thịt không quá nhiều xương. Đặc biệt là cá có hàm lượng mỡ cao nên ăn rất béo. Cá Diêu hồng thường được chế biến thành các món ăn ngon và hấp dẫn như: hấp tương, nấu riêu, Lẩu cá, nướng lá sen. Ngoài ra còn cá Diêu hồng được sử dụng để làm các món ăn thông dụng khác như các món luộc, rán, kho….

Qua quá trình nuôi ương dưỡng con cá giống Diêu hồng cho thấy đề tài đã  sản xuất 01 triệu con giống, tỉ lệ sống trong thời gian ương dưỡng qua các tháng đạt 86,8%, so với cá Rô phi thường thì tỷ lệ sống của cá Diêu hồng đạt cao hơn. Lợi nhuận trong sản xuất, ương dưỡng cá giống Diêu hồng đạt gần 505 triệu đồng.

Đề tài đã xây dựng thành công mô hình sản xuất con giống cá Diêu hồng đảm bảo thích ứng với điều kiện sản xuất của tỉnh Hải Dương, quy mô hộ gia đình đạt 01 triệu con giống/năm, đạt chất lượng con giống tốt, màu sắc thuần nhất, tốc độ lớn nhanh, ít bị bệnh tại xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện là cơ sở để cho các cơ sở áp dụng sản xuất những năm tới.

Bài của Phạm Ninh Hải

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 4 ra tháng 10 năm 2020

 


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập197
  • Hôm nay35,361
  • Tháng hiện tại1,114,212
  • Tổng lượt truy cập3,819,416
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây