Người dân huyện Tứ Kỳ chuyển hướng sử dụng điện mặt trời áp mái

Thời gian qua, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Tứ Kỳ đã chủ động đầu tư lắp đặt, sử dụng thiết bị điện năng lượng mặt trời áp mái. Việc tận dụng nguồn năng lượng tự nhiên đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, vừa giảm chi phí hóa đơn sử dụng điện lưới quốc gia, vừa góp phần giảm tải áp lực cho ngành điện và góp phần quan trọng bảo vệ môi trường.
Người dân huyện Tứ Kỳ chuyển hướng sử dụng điện mặt trời áp mái

Đầu năm 2020, gia đình chị Nguyễn Thị Ngân, ở thôn Quàn, xã Minh Đức (huyện Tứ Kỳ) đã đầu tư 80 triệu đồng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái có công suất 5KW. Từ khi sử dụng nguồn điện này gia đình chị Ngân đã tiết kiệm đáng kể chi phí tiền điện hàng tháng. Theo chị Ngân, trước khi sử dụng điện mặt trời áp mái, gia đình chị phải chi trả từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng tiền điện mỗi tháng. Từ khi sử dụng nguồn điện năng lượng mặt trời áp mái, tiền điện giảm xuống, dao động từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/tháng. Chị Ngân cho biết: Giàn năng lượng mặt trời giúp tôi giảm hóa đơn tiền điện hàng tháng, đặc biệt trong thời gian cao điểm mọi gia đình sử dụng điện lưới quốc gia từ khoảng 9 - 13 hàng ngày, hệ thống điện của gia đình tôi không bị ảnh hưởng do được bổ sung từ nguồn điện mặt trời.

Nhờ công việc sản xuất và kinh doanh trong một công ty chuyên về giải pháp và công nghệ mới, nên anh Nguyễn Minh Thông ở đội 3 thôn An Thổ, xã Nguyên Giáp, đã tìm hiểu tường tận về nguyên lý sử dụng, kỹ thuật lắp đặt và những ưu điểm của sử dụng điện năng lượng mặt trời. Tháng 3/2020, anh Thông đã quyết định triển khai lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời tại gia đình với công suất 3,5 kW và chi phí đầu tư hơn 60 triệu đồng, bao gồm hệ thống các tấm pin và đồng hồ 2 chiều để đo lượng điện dư thừa hòa vào lưới điện quốc gia. Đến nay qua 5 tháng vận hành hệ thống điện mặt trời tại gia đình, anh Minh đã có thể đánh giá được lợi ích từ công trình này. Từ hóa đơn tiền điện mỗi tháng từ 0,9 - 1,2 triệu đồng trong mùa hè năm 2019, năm nay, gia đình anh chỉ phải trả từ 5 - 6 trăm nghìn đồng/tháng, giảm một nửa so với trước đây. Do thời tiết những ngày hè vừa qua nắng nóng mạnh, nên lượng điện do hệ thống thiết bị năng lượng mặt trời cung cấp cho gia đình anh Minh không sử dụng hết, được anh bán lại cho Điện lực huyện với mức trung bình từ 200 - 220 Kwh mỗi tháng. Theo tính toán của anh Minh, thời gian hoàn vốn của công trình điện năng lượng mặt trời của gia đình anh vào khoảng 5 năm. Trong khi đó, công trình có tuổi thọ khoảng 25 - 30 năm, hầu như không phải sửa chữa trong quá trình vận hành nên việc sử dụng thiết bị này thực sự có hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường và bền vững.

Còn với gia đình anh Phạm Đức Đồng, ở thôn An Định xã An Thanh, sau một thời gian tìm hiểu anh cũng đã quyết định đầu tư lắp đặt và sử dụng điện năng lượng mặt trời áp mái từ cuối tháng 5/2020. Anh Đồng cho biết, hệ thống điện từ khi lắp đặt, sử dụng hoạt động tốt, không có trục trặc hoặc lỗi về kỹ thuật. Việc sử dụng điện năng lượng mặt trời áp mái không chỉ giảm chi phí mà còn bán được điện cho ngành điện. Anh Đồng chia sẻ: Qua sử dụng điện mặt trời, hóa đơn tiền điện của gia đình tôi đã giảm rõ rệt từ 1,2 - 1,3 triệu đồng/tháng trước đây, giờ chỉ còn khoảng 300 - 400 nghìn đồng/tháng, góp phần giảm đáng kể chi phí sử dụng điện lưới quốc gia. Ngoài ra, lượng điện năng thừa không sử dụng hết, gia đình tôi đã thỏa thuận để bán lại cho nhà nước với giá 1.943 đồng/kW. Chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người dân lắp đặt thiết bị năng lượng mặt trời tại gia đình.

Qua thực tế cho thấy, việc phát triển điện năng lượng mặt trời áp mái đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho người sử dụng. Trong đó, sản lượng điện sản xuất hằng ngày giúp cắt giảm lượng điện phải mua từ điện lực nhà nước, sản lượng dùng không hết được ngành điện mua lại tạo ra nguồn lợi nhuận đáng kể cho người sử dụng. Cùng với đó, phần mái của các công trình được cách nhiệt bằng hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời còn giúp giảm nhiệt cho công trình. Ngoài ra, phát triển điện năng lượng mặt trời góp phần giảm áp lực lên phụ tải lưới điện quốc gia, tiết kiệm chi phí phát triển đường dây truyền tải…

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tứ Kỳ đã có 6 khách hàng đầu tư, sử dụng điện năng lượng mặt trời áp mái. Theo thống kê của Điện lực huyện Tứ Kỳ, trong năm 2019, toàn huyện có 3 khách hàng sử dụng điện mặt trời áp mái, thì đến tháng 8/2020, con số này đã tăng lên 14 hộ. Tổng sản lượng điện của khách hàng đã phát lên lưới điện từ đầu năm 2020 đến nay đạt gần 6.000 kWh. Ông Phạm Xuân Khiêm, Phó Giám đốc Điện lực huyện Tứ Kỳ cho biết: Điện mặt trời áp mái đang là xu hướng phát triển năng lượng bền vững được Chính phủ khuyến khích sử dụng, góp phần tạo thêm nguồn năng lượng sạch, hướng tới mục tiêu phát triển năng lượng xanh và bền vững.

Trong thời gian tới, Điện lực huyện Tứ Kỳ sẽ tiếp tục tuyên truyền đến khách hàng lợi ích của việc sử dụng điện năng lượng mặt trời để khách hàng đầu tư lắp đặt. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc lắp đặt công tơ, nối lưới hệ thống điện mặt trời mái nhà, ký hợp đồng mua bán điện.

Trước áp lực về nhu cầu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì giải pháp sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái là một giải pháp mang lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường, giúp các hộ dân, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí hàng tháng trong quá trình sinh hoạt và sản xuất. Đồng thời, giảm tải áp lực đầu tư nguồn điện và góp phần tích cực vào đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Bài của Nguyễn Hoàng - Nguyễn Ánh

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 4 ra tháng 10 năm 2020

 


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập183
  • Hôm nay26,097
  • Tháng hiện tại1,104,948
  • Tổng lượt truy cập3,810,152
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây