Hải Dương: Thực hiện tốt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới

Tỉnh Hải Dương nằm trong khu vực đồng bằng sông Hồng, có vị trí quan trọng, chiến lược, là động lực phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; được xác định là Trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; nơi giao lưu kinh tế xã hội giữa vùng Duyên hải Bắc Bộ với vùng thủ đô Hà Nội và các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Do đó, sự phát triển của tỉnh Hải Dương có vị trí, vai trò rất quan trọng, có tác động trực tiếp và tạo sự lan tỏa đến các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước.
Hải Dương: Thực hiện tốt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới

Thực hiện Nghị quyết số 54 - NQ/TW, Ngày 14/9/2005 Bộ Chính trị (khóa IX) về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Kết quả sau 17 năm, quy mô kinh tế của tỉnh tăng gấp 11,2 lần so với năm 2005, đứng vị trí thứ 11 trong cả nước và thứ 5 vùng đồng bằng sông Hồng. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP theo giá hiện hành) năm 2019 đạt 127.939 tỷ đồng. Năm 2020, cùng với cả nước thực hiện tốt 2 mục tiêu phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gắn với tăng trưởng kinh tế, ổn định sản xuất, quy mô kinh tế của tỉnh đạt 131.121 tỷ đồng và năm 2021 đạt 149.090 tỷ đồng. Tổng thu cân đối ngân sách năm 2021 đạt 23.806,9 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005 - 2021 đạt 8,6%/năm và là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao so với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Cơ cấu trong nội bộ các ngành kinh tế, cơ cấu theo vùng, lãnh thổ có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu nhập bình quân đầu người tăng qua các năm, đạt 53,2 triệu đồng năm 2021.

Tỉnh đã tập trung xây dựng các khu, cụm công nghiệp nhằm tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đến nay, với định hướng phát triển 21 khu công nghiệp tập trung (KCN) và 03 KCN mở rộng; trong đó, có 10 KCN và 01 KCN mở rộng với diện tích 1.470 ha được đầu tư xây dựng và đang vận hành, khai thác kinh doanh có hiệu quả; tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 84%. Phát triển 58 cụm công nghiệp (CCN), với diện tích 2.942,6 ha, trong đó có 32 CCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng trên 80%.Thu hút trên 213 doanh nghiệp trong KCN hoạt động,tạo việc làm thường xuyên cho trên 103.653lao động; có 8.966 doanh nghiệp ở ngoài khu công nghiệp, sử dụng 251.880 lao động.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020- 2025) đã xác định rõ quan điểm phát triển là: Tập trung khơi dậy khát vọng phát triển, đổi mới sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và sức mạnh khối đại đoàn kết của toàn Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh để phát triển nhanh, bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và con người Hải Dương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân... Với quan điểm phát triển xuyên suốt, bao trùm: “Tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương”. 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng, ban hành để cụ thể hóa chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII thông qua các kế hoạch, đề án, dự án trọng điểm thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học - công nghệ; phát triển văn hóa con người xứ Đông; xây dựng đô thị xanh, thông minh, hiện đại.Phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có lợi thế, sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ các khâu đột phá chiến lược về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác, khuyến khích để thu hút các tập đoàn có uy tín, triển vọng đầu tư vào tỉnh Hải Dương.

Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Hải Dương phấn đấu là tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô nền kinh tế trong “Top 10” của cả nước, đứng thứ 4 và là Trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; phấn đấu tăng GRDP thực tế bình quân đầu người cao hơn cả nước, đạt khoảng 183 triệu đồng. Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh đang tập trung vào các giải pháp trọng tâm đó là:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội đến năm 20303, tầm nhìn đến năm 2050. Huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; trước mắt ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông quan trọng để tạo sự kết nối giữa các vùng, khu vực trong và ngoài tỉnh.

Thứ hai, đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; tập trung cải cách thủ tục hành chính, đổi mới quy trình, lề lối công tác, tác phong làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức phục vụ nhân dân và tuân thủ pháp luật. Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khu vực quản lý nhà nước từ tỉnh đến cơ sở. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn. Thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài FDI; nhất là các nhà đầu tư, các dự án quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.

Thứ ba, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng tạo sự đồng thuận trong nhân dân ngay từ cơ sở, nhất là đối với các dự án đầu tư lớn. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai gắn với nâng cao chất lượng các công trình, dự án đầu tư, nhất là dự án đầu tư công, các dự án giao thông trọng điểm, các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư, đô thị mới. Cùng với ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chuỗi liên kết, sản xuất đa tầng, đa giá trị tạo sự ổn định của nền kinh tế. Thu hút sản xuất công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, hiện đại. Đa dạng và nâng cao chất lượng các loại hình kinh tế dịch vụ đáp ứng kịp thời các hoạt động sản xuất trên địa bàn cũng như toàn vùng đồng bằng sông Hồng.

Thứ tư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất lao động trên các lĩnh vực. Hiện nay, năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn thấp; Vì thế cần phải có chính sách, cơ chế phù hợp để tăng cường chuyển giao, đầu tư, ứng dụng các thành tựu khoa học- công nghệ cho nông nghiệp, nông thôn, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường.

Thứ năm, quan tâm xây dựng nền quốc phòng, an ninh bảo đảm vững chắc, quyết liệt đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đặc biệt đối với loại tội phạm sử dụng công nghệ cao. Tăng cường công tác quản lý xã hội thông qua hệ thống giám sát thông minh, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay từ cơ sở. Tiếp tục rà soát, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động công tác cải cách hành chính; nhất là thủ tục hành chính cần tiếp tục cải tiến, tạo điều kiện thuận lợi trong xúc tiến đầu tư, các hoạt động thương mại. Tăng cường tính công khai, minh bạch; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay.

Bài của TS. Nguyễn Đình Bộ

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 5 ra tháng 10/2022


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập195
  • Hôm nay53,673
  • Tháng hiện tại1,303,971
  • Tổng lượt truy cập4,009,175
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây