Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật bảo tồn và phát triển nguồn gen quý cây vải Tổ tại xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương

Trong 2 năm 2019 - 2020, UBND huyện Thanh Hà phối hợp với Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) thực hiện đề tài: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật bảo tồn và phát triển nguồn gen quí cây vải Tổ tại xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Qua đó nhằm bảo tồn và tăng sức đề kháng, khả năng sinh trưởng, phát triển của cây vải Tổ huyện Thanh Hà. Duy trì và phát triển nguồn gen quý của cây vải Tổ huyện Thanh Hà.
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật bảo tồn và phát triển nguồn gen quý cây vải Tổ tại xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương

Vải thiều là một trong những đặc sản nổi tiếng của huyện Thanh Hà được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận “Chỉ dẫn địa lý” và được bình chọn vào “Top 50 sản phẩm uy tín chất lượng” do Trung ương Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn. Hiện nay, cây vải Tổ ở xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà (Hải Dương) được người dân coi như một vật báu, minh chứng cho nguồn gốc lâu đời của giống vải thiều Thanh Hà. Năm 2016, cây được xác lập Kỷ lục là “Cây vải thiều lâu năm nhất Việt Nam”. Đến nay, tuổi thọ cây vải Tổ ước khoảng gần 200 năm và đang có dấu hiệu của “tuổi già” như cằn cỗi, giảm sức sống, nhiều cành cây bị sâu bệnh phá hoại, không còn khả năng phát triển.

Vải thiều Thanh Hà có đặc tính: kích thước quả bé nhất trong tất cả các giống vải hiện nay, dạng quả hơi tròn. Chiều cao quả 3,3 - 3,4 cm, chiều rộng quả 3,4 - 3,5 cm. Quả nhỏ, vỏ sần, chín màu đỏ, hạt rất nhỏ màu đen tuyền hoặc không hạt, cùi trắng dày ăn rất ngọt, hương vị thơm đặc biệt. Quả nặng 18 - 20 gram, tỷ lệ cùi 72 - 80% thịt hơi nhão, khi bóc vỏ dễ vỡ nước, mùi thơm. Vải thiều Thanh Hà hột có màu nâu đen, nhỏ, gần như bị triệt tiêu, xun lại chứ không thành hạt như vải bình thường, cây vải tuổi càng cao thì hạt càng nhỏ, có nhiều quả gần như không có hạt và lớp cùi dày ngọt lịm, đầy nước, chất lượng ngon, nên giá bán cao hơn các loại vải khác. Từ 10 tuổi trở lên, cây vải ra hoa đều và năng suất ổn định hơn. Nếu chăm bón tốt, nhất là bón thêm lân và phân hữu cơ, có thể cho năng suất cao. Vải ra hoa vào tháng 3 và chín vào tháng 6 dương lịch. Khoảng thời gian thu hoạch vải thiều thường ngắn, khoảng 2 tuần.

Hiện nay, vải thiều Thanh Hà được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, và mã số vùng trồng nên sản lượng xuất khẩu ngày càng gia tăng. Các mô hình liên kết 4 nhà trong sản xuất và tiêu thụ vải thiều đã được hình thành. Các diện tích trồng theo mô hình này đều được làm theo tiêu chuẩn GAP. Sản lượng xuất khẩu của vải Hải Dương năm 2020 đạt khoảng 25.000 tấn, chiếm khoảng 50% sản lượng vải của tỉnh. Năm 2021 cũng là năm đầu tiên quả vải tươi được bán trên các sàn thương mại điện tử và đã được đông đảo người tiêu dùng đón nhận. Điều đó đã đánh dấu bước chuyển mình lớn lao của quả vải Thanh Hà nói riêng và các sản phẩm nông nghiệp nói chung. Quả vải tươi Thanh Hà đã được 4 sàn thương mại điện tử  Lazada, Sendo, Voso Post và Postmart quảng bá, giới thiệu tới khách hàng và có sức tiêu thụ rất tốt. Tổng lượng vải Thanh Hà bán qua các sàn thương mại điện tử đạt trên 100 tấn. Thời điểm đầu vụ giá bán vải trên sàn Lazada từ 94.000 - 115.000 đồng/kg chưa bao gồm phí vận chuyển.

Cây vải Tổ hiện có tuổi thọ cao nên khả năng tái sinh thân, cành, lá, rễ là rất kém. Do vậy cây chịu tác động rất lớn bởi các yếu tố khách quan như biến đổi khí hậu, sâu bệnh phá hoại, khả năng sinh trưởng kém. Để có biện pháp bảo tồn hợp lý và kịp thời cây vải Tổ, các nhà khoa học đã nghiên cứu trên cơ sở kết quả khảo sát, đánh giá hiện trạng sinh trưởng, phát triển để đưa ra quy trình chăm sóc hợp lý cho cây vải Tổ; đồng thời bảo tồn nguồn gen bằng phương án kế vị, nhân giống từ cây vải Tổ quý hiếm.

Sau 2 năm thực hiện đề tài, cây vải Tổ hiện nay đã được phục hồi lại trạng thái sinh trưởng bình thường cây ra lộc đều, tập trung, năm 2020 cây vải Tổ đã ra hoa, đậu quả và cho năng suất cao hơn những năm trước.

Việc xây dựng phương án bảo tồn, lưu giữ và phát triển nguồn gen vây vải Tổ cần mở rộng không gian của vườn đáp ứng được yêu cầu sinh trưởng, phát triển cần phải đảm bảo về nhiệt độ, ánh sáng, hạn chế sâu bệnh xâm nhập.... Các nhà khoa học đã thiết kế, quy hoạch lại khuôn viên bảo tồn cây vải Tổ để hạn chế tối đa sự đi lại của khách tham quan trong bán kính 10 m; quy hoạch lại hệ thống tưới tiêu và hạ mực nước ngầm để đảm bảo cho bộ rễ của cây vải Tổ phát triển; Bổ sung và thay lớp đất mặt những chỗ nhiều cát bằng đất phù sa hoặc đất ruộng ải; xây dựng quy trình chăm sóc cho cây vải Tổ và 4 cây thế hệ 2 hiện có. Sau khi cây vải Tổ được hồi phục thì thực hiện các biện pháp nhân giống như chiết cành, với số lượng 10 - 20 cây từ cây vải Tổ.

Nhằm cải tạo môi trường sống cũng như gia tăng không gian sống cho cây vải Tổ. Ban chủ nhiệm đã cắt và phá dỡ nền hiện trạng, mở rộng khuôn viên đất trồng cây, đắp tạo nền đất ổn định để lát đá xanh tự nhiên 60 x 30 x 5 cm tạo đường dạo xung quanh ô đất trồng cây; bổ sung đất màu hữu cơ để tôn cao khuôn đất dày trung bình 35 cm khu diện tích xung quanh cây vải Tổ; còn lại các khu vực khác, cây thế hệ 2 tôn đất màu dày trung bình 10 cm. Đất bổ sung được lấy từ đất mặt ruộng canh tác, vườn có bề dày tính từ trên xuống từ 20 - 40 cm. Đất có thành phần cơ giới trung bình, có hàm lượng dinh dưỡng cao, khả năng giữ ẩm tốt. Việc bổ sung tôn cao nền được chia thành nhiều đợt cho tới khi đạt mức yêu cầu. Tháo dỡ tấm đan rãnh thoát nước hiện trạng, xây cơi nâng thành rãnh cao trung bình 35cm, tường 110 vữa mác #75. Trát trong lớp vữa dày 2 cm mác #75, sau đó lắp lại tấm đan, lát đá xanh tự nhiên 60 x 30 x 5cm hoàn thiện tạo đường dạo xung quang ô đất trồng cây. Trồng xung quanh khuôn đất tạo hàng rào mềm bảo vệ cây và tiến hành lắp đặt hệ thống tưới nước tự động.

Bên cạnh đó, đã áp dụng các kỹ thuật cắt tỉa, dọn cành thích hợp với từng thời kỳ sinh trưởng làm cho cây có tán đẹp, thông thoáng, giảm sâu bệnh hại, phát huy hiệu quả của phân bón và thuốc bảo vệ thực vật và phát triển của cây vải Tổ, cùng các cây vải thế hệ 2. Sau khi đốn tỉa cành cần kết hợp vệ sinh làm cỏ, thu gom những cành vừa đốn đem đốt bỏ để giảm nguồn sâu, bệnh lây lan cho vụ sau. Sau mỗi lần cắt tỉa cành phải bón phân để cây có dinh dưỡng phát triển.

Năm 2019 thì số lộc trên đầu cành tăng cây vải Tổ 5,2 so với 3,5. Số lá cũng dày hơn 22,1 so với 11,7 lá/lộc. Tương tự các chỉ tiêu đường kính lộc, chiều dài lộc tăng. Thời gian ra lộc cũng được rút ngắn 1 - 2 ngày. Số lộc tăng hơn so với năm 2019 từ 50 - 60 lộc/m2 tán. Số lá trên lộc cũng tăng 9 - 10 lá/lộc, đường kính tán tăng 2 - 4 m. Điều đó chứng tỏ cây vải Tổ và các cây thế hệ sau đã lấy lại trạng thái sinh trưởng bình thường cây ra lộc tập trung, lộc to khỏe.

Vườn bảo tồn luôn được dọn cỏ sạch sẽ, các cây bảo tồn luôn được cắt tỉa cành sâu bệnh, thu dọn cành khô, cành bệnh đốt bỏ. Áp dụng một số loại chế phẩm sinh học trong điều tiết sinh trưởng và phòng trừ sâu bệnh hại trên cây vải Tổ và các cây thế hệ sau bằng chế phẩm nấm Trichoderma dùng bón gốc, chế phẩm nấm xanh, trắng, tím cho phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại trên cây như sâu ăn lá, sâu đục thân, các bệnh thán thư, khô cành… kết quả các loại rệp sáp, sâu tơ, sâu tiện vỏ, sâu đục thân xuất hiện rất thấp không có khả năng gây hại lớn, chỉ xuất hiện vài đám nhỏ ở các kẽ nứt của vỏ già trên cây vải Tổ, các cây thế hệ sau không xuất hiện. Bệnh thán thư và khô đầu cành xuất hiện ít trên các vị trí thiếu ánh sáng nhưng mật độ thấp chưa đến ngưỡng gây hại kinh tế.

Đề tài đã thực hiện phương pháp chiết cành từ cây vải Tổ được 22 cây với kỹ thuật bó bầu 2 lần trên cây, đảm bảo 100% số cành chiết đều ra rễ khỏe, cây giống cắt hạ sống 100%. Kết quả theo dõi 10 cây ngẫu nhiên trong 20 cây giống trồng tại vườn lưu giữ giống của UBND xã Thanh Sơn sau khi trồng 6 tháng tất cả các cây đều sinh trưởng tốt chiều cao tăng đáng kể trung bình tăng từ 62,3 đến 94,05 cm chiều cao. Đường kính cây tăng đáng kể từ 1,86 đến 2,36 cm. Số lộc phát triển nhiều cho thấy khả năng phát triển của bộ rễ rất tốt. Chiều dài và số lá trên lộc cũng đánh giá được khả năng hồi xanh bén rễ của cây rất ổn định và cân bằng.

Qua 2 năm thực hiện (2019 - 2020), đề tài đã góp phần bảo vệ, bảo tồn phát triển nguồn gen cây vải Tổ tại địa phương. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật tác động thúc đẩy cho cây vải Tổ và 04 cây thế hệ 2 phát triển cân đối, tăng sức đề kháng, ổ định khả năng sinh trưởng và phát triển của cây. Cải tạo bề mặt cây vải bổ sung đất mới với hàng rào mềm đã góp phần mở rộng được diện tích dinh dưỡng cho cây vải Tổ phát triển bền vững. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật như cắt tỉa cành, bón phân và chăm sóc bảo vệ thực vật đã giúp cây vải Tổ phục hồi, khả năng sinh trưởng và phát triển tốt. Sử dụng phương pháp chiết cành và bó rễ 2 lần đã phát triển được 20 cây vải từ cây vải Tổ. Số lượng cây thế hệ 2 trên được trồng tại vườn cây của xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, hiện sinh trưởng và phát triển tốt.

Bài của TS. Nguyễn Mai Thơm

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 5 ra tháng 10 năm 2021


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập179
  • Hôm nay53,673
  • Tháng hiện tại1,312,102
  • Tổng lượt truy cập4,017,306
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây