Đổi mới sáng tạo - Một số vấn đề cần quan tâm

Những năm gần đây, vấn đề đổi mới sáng tạo (ĐMST) đang được các doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học và công chúng quan tâm đặc biệt. Vậy ĐMST là gì, vì sao ĐMST lại trở thành chủ đề tạo sức hút như vậy? Việt Nam nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng đã có những chính sách gì về ĐMST? Bài viết này sẽ cung cấp một số nội dung liên quan nhằm hệ thống thêm về các chính sách ĐMST đồng thời đề xuất một số vấn đề cần quan tâm.
Đổi mới sáng tạo - Một số vấn đề cần quan tâm

1. Chính sách đổi mới sáng tạo của Việt Nam

Đổi mới sáng tạo (ĐMST) được Đảng và Nhà nước quan tâm và thúc đẩy trong nhiều chủ trương, chính sách. Kể từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Đảng ta đã thể hiện quyết tâm phát triển và ứng dụng các thành tựu của khoa học và kỹ thuật đối với tiến trình phát triển đất nước. Tinh thần này, nhất là yếu tố ĐMST, được thể hiện xuyên suốt, thống nhất, cụ thể trong Văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Các quan điểm này đã thể hiện sự kế thừa tư duy đổi mới của Đảng qua các kỳ đại hội và tầm nhìn của Đảng trước yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới. Đại hội toàn quốc lần thứ XIII còn đề cập đến một số nội dung cụ thể của ĐMST trong giai đoạn 2021-2030 thể hiệnsự phát triển mạnh mẽ trong tư duy và quyết tâm cao thực hiện ĐMST, ngày càng hoàn thiện các yếu tố thúc đẩy ĐMST để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH).

Thuật ngữ “đổi mới sáng tạo” chính thức được đề cập trong Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng như một nội dung của đột phá chiến lược thứ nhất trong ba đột phá chiến lược phát triển trong giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài ra, cả 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược: (1) “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển”, “thúc đẩy đổi mới sáng tạo”; (2) “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”; (3) “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội” đều tạo cơ chế cho ĐMST, cũng như lấy ĐMST làm cơ sở, động lực cho sự phát triển. Nội hàm của ĐMST cũng phần nào được làm rõ qua các định hướng, mục tiêu phát triển KT-XH. ĐMST được coi như một động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước trước bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhằm đạt mục tiêu phấn đấu “nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI”.

Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (KT - XH) giai đoạn 2011-2020 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học và công nghệ (KH&CN), ĐMST, đặc biệt được thúc đẩy bởi quá trình công nghiệp hóa. Tuy nhiên, đánh giá việc thực hiện chiến lược phát triển KT - XH giai đoạn 2011 - 2020 cho thấy “khoa học, công nghệ và ĐMST chưa thực sự trở thành động lực phát triển… Mô hình tăng trưởng chưa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, ĐMST…”. Vì vậy, xuất phát từ bối cảnh “Khoa học, công nghệ, ĐMST ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia” chủ đề của Chiến lược phát triển KT - XH giai đoạn 2021 - 2030 là “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở KHCN, ĐMST và chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Theo đó, các nội dung KH&CN và ĐMST được thể hiện đồng bộ, xuyên suốt từ chủ đề của Chiến lược đến quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển, đột phá chiến lược và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển, bảo đảm được tính kế thừa, phát triển từ các thành công và có tính đến bối cảnh mới ở trong nước và quốc tế.

Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ cùng xác định nhiệm vụ, giải pháp phát triển hệ sinh thái ĐMST, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Trong phần nhiệm vụ và giải pháp, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh “thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa ĐMST khởi nghiệp”, “Thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia; tăng cường liên kết các mạng lưới ĐMST trong và ngoài nước”. Nghị quyết đặt mục tiêu Chỉ số ĐMST quốc gia của Việt Nam trong nhóm 4 quốc gia dẫn đầu ASEAN và giao Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Đề án phát triển hệ thống KNĐMSTquốc gia đến năm 2035.

Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/1/2024 của Chính phủ đặt mục tiêu: “tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động ĐMST”, “Năng lực ĐMST (của WIPO) tăng ít nhất 3 bậc”. Nghị quyết xác định nhiệm vụ, giải pháp “Hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với ĐMST, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững”; trong đó, năm 2024 nâng xếp hạng nhóm chỉ số hạ tầng CNTT lên ít nhất 3 bậc, nâng xếp hạng chỉ số chất lượng môi trường lên ít nhất 10 bậc, và nâng xếp hạng chỉ số xuất khẩu dịch vụ ICT lên ít nhất 5 bậc.

Như vậy, nhằm thúc đẩy tinh thần ĐMST và cải thiện môi trường kinh doanh, thông qua các Đề án, chương trình hành động, Chính phủ cam kết luôn quan tâm, đồng hành và tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng các chính sách hỗ trợ, văn bản pháp lý quan trọng. Những văn bản pháp lý này nhằm hướng tới hỗ trợ và đầu tư cho hoạt động ĐMST cho các chủ thể, từ doanh nghiệp, tập đoàn, quỹ đầu tư đến các cơ quan quản lý nhà nước. Đây là động thái tích cực và đúng hướng, định hướng phát triển hệ sinh thái ĐMST của Việt Nam.

2. Chính sách đổi mới sáng tạo của tỉnh Hải Dương

ĐMST được tỉnh Hải Dương coi trọng như một khâu đột phá cho phát triển KT-XH của tỉnh. Tỉnh xác định phát triển hoạt động KH&CN và ĐMST là một nhiệm vụ quan trọng, được thể hiện trong một số văn bản chính sau đây:

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII[1], nhiệm kỳ 2020 - 2025, với phương hướng và mục tiêu tổng quát “…đẩy mạnh ĐMST, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực …”. Một trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ là “Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh, đồng thời chú trọng hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ số khởi nghiệp, sáng tạo”.

Trong Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND ngày 24/12/2020 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2025, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh xác định phương hướng “Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lương tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh, đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số để phát triển nhanh, bền vững”. Nghị quyết nhấn mạnh 3 đột phá được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Tại kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh khóa XVII đã ban hành Nghị quyết số 23/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động khoa học, công nghệ và ĐMST trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Văn bản này quy định một số chính sách và cơ chế tài chính chi hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm khuyến khích, thúc đẩy phát triển hoạt động khoa học, công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) và áp dụng đối với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh. Các nội dung hỗ trợ chính gồm: (i) Đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới; (ii) Hỗ trợ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá đối với các doanh nghiệp tham gia thực hiện Đề án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030”; (iii) Hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST đối với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019-2025”.

Thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST đến năm 2030 (Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ) và Quyết định số 2667/QĐ-BKHCN ngày 28/12/2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2025, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Kế hoạch Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo tỉnh Hải Dương đến năm 2025 (Kế hoạch số 4346/KH-UBND ngày 14/11/2023) nhằm xác định cụ thể nội dung công việc, trách nhiệm của các cấp, các ngành; đảm bảo triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST); xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KHCN&ĐMST đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đặt mục tiêu “Số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp KH&CN phấn đấu tăng 02 doanh nghiệp và số doanh nghiệp KNĐMST phấn đấu tăng 1,5 lần; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST đạt trên 15% trong tổng số doanh nghiệp”. Kế hoạch đặt ra 9 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động ĐMST của tỉnh, gồm các nội dung hỗ trợ với doanh nghiệp, với tổ chức KH&CN, nhân lực KH&CN và hạ tầng cho KH&CN. Với doanh nghiệp, tỉnh thực hiện: (1) Triển khai các hoạt động nhằm đẩy mạnh nghiên cứu KHCN&ĐMST, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tạo động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng. (2) Tổ chức các sự kiện KNĐMST phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo, học tập kinh nghiệm để hỗ trợ khởi nghiệp, kết nối các mạng lưới khởi nghiệp, kết nối với các chuyên gia khởi nghiệp trong khu vực và trên thế giới. (3) Hỗ trợ tăng cường liên kết giữa các loại hình doanh nghiệp và các tổ chức KH&CN trong và ngoài tỉnh. (4) Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019 - 2025”; Đề án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá cho các doanh nghiệp tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2030”.

Xuất phát từ thực tế chính sách hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ cho doanh nghiệp tương đối đầy đủ và kịp thời, nhưng chưa có chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KNĐMST, năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019 - 2025”. Đề án nhằm hình thành cơ sở pháp lý cho hoạt động KNĐMST phát triển, thu hút doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động ĐMST theo chủ trương của tỉnh. Ngoài ra, Đề án nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh về hệ sinh thái KNĐMST; từng bước hình thành văn hóa KNĐMST trong cộng đồng; tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật mới trong sản xuất, mô hình kinh doanh mới; hoàn thiện cơ chế, hành lang pháp lý phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh hỗ trợ cho hoạt động KNĐMST và nâng cao năng lực của các thành phần tham gia hoạt động khởi nghiệp.

3. Khuyến nghị

Để đạt được tầm nhìn từ năm 2035 đến năm 2045, Việt Nam phải chuyển sang nền kinh tế dựa trên ĐMST. Nền kinh tế được dẫn dắt bởi ĐMST phải đi kèm với sự hỗ trợ của các cải cách sâu rộng và toàn diện về môi trường pháp lý và chính sách. Theo đó, cần hoàn thiện khung chính sách về ĐMST. Trong đó, nhà nước có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động ĐMST của doanh nghiệp trên khía cạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo môi trường học tập triển khai ĐMST trên phạm vi toàn quốc, tạo ảnh hưởng từ trên xuống một cách toàn diện hoặc cấp nguồn tài trợ nhất định để nâng cao tư duy và năng lực toàn diện cho lực lượng lao động để thích ứng với sự thay đổi của khoa học và kỹ thuật một cách sâu sắc và nhanh chóng.

Thực tiễn từ nhiều nước cho thấy, ĐMST cần được tiếp cận một cách toàn diện với nhiều thành phần: (i) nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo; (ii) cơ sở hạ tầng; (iii) tài chính; (iv) Năng lực công nghệ, nghiên cứu và phát triển, KH&CN; (v) thương mại hóa sáng chế và chuyển giao công nghệ; và (vi) kết nối, hợp tác và truyền thông. Theo đó, cần có hệ thống của những chính sách khác nhau để thúc đẩy các thành phần này.

[1] Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII.

 Bài của ThS. Phạm Văn Mạnh, TS. Đặng Thị Lan Anh, TS. Phạm Thị Thu Trang

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 5 năm 2024

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây