Huyện Thanh Hà: Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Huyện Thanh Hà có diện tích đất nông nghiệp là 8.216,7 ha, có nhiều thuận lợi thế đất đai phù sa màu mỡ, rất thuận lợi trồng cây ăn quả, cây lâu năm như vải, ổi, bưởi, quất, chuối…Một số diện tích đất sau dồn điện đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng có kết cấu hạ tầng như đường nội đồng. Đường bờ lô, bờ vùng, hệ thống kênh mương thủy lợi được củng cố, điều chỉnh khoa học, thuận lợi cho việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất. Huyện Thanh Hà đã quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung, tích cực nghiên cứu ứng dụng khoa học vào sản xuất để tạo thế mạnh cho từng nông sản.
Huyện Thanh Hà: Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Huyện Thanh Hà có 3 loại cây ăn quả chính đều được nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ từ giống mới, các biện pháp canh tác mới theo hướng tăng trưởng xanh và xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm Vải thiều Thanh Hà, Bưởi đào Thanh Hồng, Ổi Thanh Hà…góp phần gia tăng giá trị, phát triển bền vững. Toàn huyện có 3.328 ha vải, trong đó có 500 ha vải được cấp  giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; 50 ha sản xuất theo quy trình GlobalGAP, 400 ha sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế, góp phần nâng cao giá trị của cây vải Thanh Hà, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Huyện đã quy hoạch được 89 vùng sản xuất vải đạt tiêu chuẩn VietGAP; 30 vùng vải sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; 5 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Các vùng vải sản xuất. Các vùng vải sản xuất tập trung hàng năm đều được các công ty, doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Các xã có nhiều vùng vải tập trung như Thanh Quang, Thanh Hồng, Thanh Cường, Vĩnh Lập, Thanh Thủy, Thanh Xá…Sản phẩm vải của huyện Thanh Hà đã được xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ, Úc, Singapor…

Với điều kiện tự nhiên, được bao quanh bởi các sông lớn như Thái Bình, sông Rạng, sông Văn Úc, sông Gùa, sông Hương…cùng với đất đai do phù sa bồi tụ nên rất màu mỡ, phì nhiêu, hội tụ đầy đủ điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, đặc tính chất đất ở đây rất phù hợp cho việc sinh trưởng và phát triển của cây vải thiều. Từ đó đã tạo ra sản phẩm quả vải thiều với chất lượng cao mang tính đặc sản của địa phương, không nơi nào có được. Sản phẩm cây ăn quả điển hình nhất là quả vải thiều Thanh Hà, nhiều năm gần đây đã xuất khẩu thuận lợi sang các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Úc,…Có được kết quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của ngành khoa học và công nghệ trong việc xây dựng chỉ dẫn địa lý “Vải thiều Thanh Hà”, năm 2007, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý - là tiêu chuẩn tiền đề để xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống mới năng suất cao, mẫu mã đẹp, thu hoạch rải vụ như u hồng, u trứng, tu hú, tàu lai, PH40, góp phần gia tăng giá trị cho sản phẩm vải thiều. Để góp phấn phát triển nông nghiệp tăng trưởng xanh, huyện Thanh Hà đã và đang thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình canh tác vải thiều Thanh Hà theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chủ lực của tỉnh Hải” với nội dung chính tập trung vào nghiên cứu xác định công thức phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại quả, đục quả; xây dựng và hoàn thiện quy trình canh tác vải thiều theo hướng hữu cơ để chuyển giao ứng dụng cho các vùng trồng vải

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ khóa XXV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện Thanh Hà xây dựng mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp sạch gắn với du lịch sinh thái. Năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt đề tài nghiên cứu “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật bảo tồn và phát triển nguồn gen quý cây vải Tổ tại xã Thanh Sơn”. Kết quả đã đưa ra quy trình chăm sóc, bảo tồn, tôn tạo nhằm tăng sức đề kháng, khả năng sinh trưởng, phát triển của cây vải Tổ, phục vụ cho định hướng phát triển du lịch sinh thái của huyện. Người dân đã quan tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất chất lượng, mẫu mã quả vải thiều ngày càng được nâng lên, thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng, giá bán ổn định, có chiều hướng tăng, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho người nông dân.

Bên cạnh cây vải thiều, bưởi đào Thanh Hồng có giá trị kinh tế cao, được trồng tập trung nhiều nhất tại thôn Lập Lễ ước tính trên 100 ha. Cây bưởi đào có đặc điểm thu hoạch vào khoảng tháng 8 - 9 âm lịch hàng năm, lúc này các loại hoa quả như vải, nhãn, xoài, na đã hết vụ nên giá trị về kinh tế cao. Với đặc điểm nổi bật về màu sắc hồng của cùi và múi, lại thêm đặc tính ít hạt, vị chua nhẹ nên bưởi đào Thanh Hồng rất được người tiêu dùng ưa chuộng, nhất là sử dụng nước ép để uống. Tuy nhiên do phương thức canh tác cũ, kỹ thuật chăm sóc kém nên hầu hết các vườn bưởi bị thoái hóa chất lượng. Năm 2014 - 2015, UBND tỉnh đã phê duyệt đề tài nghiên cứu phục tráng và phát triển cây bưởi đào ở xã Thanh Hồng, huyện Thanh Hà. Qua đó các hộ dân đã tiếp thu và làm chủ được kỹ thuật này, vì vậy đã góp phần duy trì, phát triển diện tích trồng giống bưởi này đến nay là 220 ha, trong đó có 40 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Thông qua Đề án phát triển tài sản trí tuệ do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương chủ trì thực hiện, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho bưởi đào Thanh Hồng vào năm 2017.

CâyỔi cũng là một cây ăn quả chủ lực của huyện Thanh Hà, được nghiên cứu ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất từ giống mới Ổi trắng số 1, ổi lê Đài Loan…, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phòng, chống tổng hợp sâu bệnh hại chính trên cây ổi; xây dựng nhãn hiệu Ổi Thanh Hà

Bên cạnh sự ưu đãi của điều kiện tự nhiên để phát triển cây ăn quả, Thanh Hà còn có lợi thế vùng rươi tại xã Vĩnh Lập. Từ năm 2017, để khai thác có hiệu quả nguồn lợi này, thông qua đề tài “Nghiên cứu bảo tồn nguồn lợi rươi và phát triển nghề khai thác rươi dựa vào cộng đồng ở vùng nước lợ thuộc tỉnh Hải Dương” bãi rươi của các hộ gia đình ở xã Vĩnh Lập, được đầu tư cải tạo để cho sản lượng cao hơn. Các hộ đã xây dựng hệ thống mương xương máng cải tạo ruộng khai thác rươi để đất được tơi xốp, tạo điều kiện nguồn nước ra vào để phân bố nguồn thức ăn tự nhiên từ sông vào ruộng, thuận lợi cho con rươi phát triển. Các hộ đều thực hiện thâm canh rươi - lúa; cấy lúa để cải tạo đất, nuôi dưỡng ấu trùng rươi.

Kết quả cho thấy ruộng của các hộ thực hiện mô hình có năng suất cao hơn so với những hộ ngoài mô hình, điền hình có đợt con nước tháng 9 âm lịch năm 2017, nhiều hộ gia đình ở đây thu hoạch từ 3 - 5 tạ rươi, bằng cả năm 2016, tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Hữu Khải, Lê Văn Quạt, Trịnh Văn Lương. Năm 2016, từ một số hộ làm rươi đến nay toàn xã đã có 51 thành viên với hơn 50 ha khai thác rươi, cáy. Đến năm 2019, HTX Bảo tồn và Khai thác rươi, cáy tự nhiên, chế biến nông sản sạch Vĩnh Lập chính thức được thành lập tạo điều kiện cho nhiều hộ dân ở đây phát triển, mở rộng, nâng cao giá trị của đặc sản rươi Thanh Hà. Sở KH&CN cũng hỗ trợ huyện Thanh Hà xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm rươi, cáy của huyện.

Với những ưu thế đó, Thanh Hà là một trong những địa phương có sản phẩm OCOP đạt thứ hạng cao. Ngoài 7 sản phẩm đạt 4 sao, 2 sản phẩm 3 sao thì vải tươi Lychee Queen của Công ty CP Ameii Việt Nam là 1 trong 2 đại diện của tỉnh được đề nghị công nhận sản phẩm OCOP 5 sao. Điểm khác biệt của Thanh Hà so với những nơi khác trong tỉnh khi tham gia OCOP là sản phẩm chủ yếu là nông sản tươi như vải, ổi, bưởi, rau ăn lá...Nông sản của huyện đa phần sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP lại hình thành được chuỗi liên kết, có hợp đồng bao tiêu nên được đánh giá cao. Năm 2021, huyện Thanh Hà có 6 chủ thể tham gia OCOP với 14 sản phẩm, là một trong những địa phương có số lượng sản phẩm cao trong tỉnh. Những sản phẩm tiềm năng, có thể trở thành sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh, quốc gia sẽ được ưu tiên đầu tư.Với sự chủ động này, huyện Thanh Hà được kỳ vọng sẽ có nhiều sản phẩm OCOP sáng giá trong năm nay.

Bài của Hải Ninh

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 4 năm 2022


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập176
  • Hôm nay37,374
  • Tháng hiện tại1,282,008
  • Tổng lượt truy cập3,987,212
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây