Từ năm 2019 - 2020, Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội đã thực hiện đề tàixây dựng mô hình trồng, sơ chế dược liệu thiên môn đông(Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr.)theo tiêu chuẩn GACP - WHO trên địa bàn phường Sao Đỏ và Cộng Hòa (TP. Chí Linh). Nhằm xây dựng thành công mô hình trồng và sơ chế dược liệu thiên môn đông theo tiêu chuẩn GACP-WHO phù hợp điều kiện của tỉnh Hải Dương đồng thời liên kết tiêu thụ sản phẩm dược liệu thiên môn đông.
Cây thiên môn đông được trồng từ tháng 1/2019 sau thời gian trồng khoảng 17±3 ngày sẽ bật mầm. Thời gian bắt đầu ra hoa khoảng 184±11 ngày. Tỷ lệ sống đạt khoảng 94,69±1,52%, chiều dài thân chính khoảng 42,87±6,57 - 43,79±6,21 cm và số nhánh đạt 3,2±0,83 - 3,3±0,86 nhánh/cây sau 30 ngày trồng. Sau 150 ngày trồng, chiều dài thân chính cây thiên môn đông ở các thời vụ đạt khoảng 71,41±8,82 - 95,85±10,41 cm và số nhánh đạt 9,45±1,85 - 13,4±1,93 cm. Sau 210 ngày trồng, cây thiên môn đông trồng ở hai thời vụ đạt chiều dài thân chính là 130,86±12,90; số nhánh lần lượt đạt 17,7±2,03 nhánh/khóm. Khi thu hoạch, chiều dài thân chính cây thiên môn đông tại dao động trong khoảng 315,25±14,21 - 319,18±10,27 cm và số nhánh giao động trong khoảng 24,25±3,42 - 28,21±2,82 nhánh/khóm. Hàm lượng hoạt chất của các thời vụ trong thí nghiệm có sự chênh lệch nhau. Hàm lượng hoạt chất thời vụ TV2 (Asparagin 1,82% và chất chiết được trong ethanol 50% đạt 91,7%) có xu hướng vượt hơn thời vụ TV1 (Asparagin 1,79% và chất chiết được trong ethanol 50% đạt 89,91%). Thời gian bật mầm mới của cây thiên môn đông ở các mức phân bón dao động trong khoảng 17±2 - 18±2 ngày. Tỷ lệ sống của cây thiên môn đông ở các mức phân bón dao động trong khoảng 98,67±0,95 - 99,34±0,89%.
Sau 20 tháng trồng cây cho năng suất khá cao đạt 4,05 tấn/ha. Tuy nhiên thu hoạch thời điểm này củ dược liệu vẫn còn non nhiều nên tỷ lệ dược liệu tươi/khô khá cao 7,64 dược liệu tươi mới được 1 dược liệu khô (sau khi đã bóc vỏ và rút lõi). Thu hoạch sau 24 tháng trồng dược liệu đạt độ già nhất, năng suất cá thể tăng lên; năng suất tăng từ 4,05 lên 4,81 tấn/ha, tỷ lệ tươi khô giảm xuống còn 6,45% (sau khi đã bóc vỏ và rút lõi). Số củ/khóm ở các mô hình giao động trong khoảng 93,1 - 94,3 củ/khóm.
Luộc là một công đoạn quan trọng trong khâu sơ chế biến dược liệu thiên môn đông, công đoạn này giúp tạo điều kiện thuận lợi để loại bỏ phần vỏ và lõi của thiên môn đông.Quá trình thực hiện sơ chế, chế biến thiên môn đông qua các bước như sau:
Bước 1: Rửa sạch: Thiên môn đông sau khi thu hoạch được rửa sạch đất và các tạp chất bám trên củ bằng nước sạch.
Bước 2: Luộc chín: cho thiên môn đông vào trong nồi nước đã đun sôi, sau 30 phút đảo nhẹ và được 60 phút thì kết hợp kiểm tra thấy có thể bóc tách vỏ và rút được lõi thì dừng lại chắt lấy dược liệu tiến hành khâu bóc vỏ (khâu luộc cần kiểm tra liên tục để tránh luộc kỹ quá dễ bị nát).
Bước 3: Bóc vỏ và rút lõi: Bóc sạch vỏ và rút toàn bộ lõi của thiên môn đông để thu được dược liệu.
Bước 4: Sấy khô. Ban đầu duy trì nhiệt độ sấy 45 - 50oC đến khi dược liệu khô dần có thể nâng dần nhiệt độ lên khoảng 55oC để dược liệu nhanh khô hơn. Hạn chế phơi nắng vì thiên môn đông phơi khá lâu khô, đồng thời thiên môn đông trong quá trình chế biến tạo nhiều đường trong dược liệu dễ dẫn dụ côn trùng, bám bụi gây mất vệ sinh cho sản phẩm.
Bước 5: Kiểm tra và đóng bao: kiểm tra và theo dõi quá trình sấy đạt độ ẩm đạt yêu cầu (độ ẩm ≤ 16%) thì dừng sấy, để nguôi rồi cất vào bao bì, hàn kín rồi đưa bảo quản.
Toàn bộ các mẫu dược liệu thiên môn đông khi kiểm nghiệm mức độ an toàn có phát hiện hàm lượng Cd, As, Hg và Cu nhưng trong ngưỡng cho phép. Đặc biệt hàm lượng chì (Pb) có trong dược liệu dao động trong khoảng 0,08 - 0,14 và đều đạt ngưỡng cho phép ≤ 3 mg/kg đối với thực phẩm bổ sung theo quy định của QCVN 8-2:2011/BYT đảm bảo theo hướng dẫn của GACP - WHO. Trong quá trình kiểm nghiệm không phát hiện dư lượng 2 chất thuốc bảo vệ thực vật Abamectin và Cipermethrin.
Cây thiên môn đông trồng tại Hải Dương sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh, thích nghi với điều kiện Hải Dương, tỷ lệ sống đạt khoảng 94,7%; thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch được củ dược liệu trong khoảng 700 ± 20 ngày; năng suất dược liệu khô đạt trung bình 3,85 - 4,81 tấn/ha, tỷ lệ dược liệu tươi/khô là 8,99 (chưa bóc bỏ và rút lõi); hiệu quả kinh tế 250.222.500 đồng/vụ/ha (2 năm). Hàm lượng asparagin trong sản phẩm củ thiên môn đông đạt 1,85%, chất chiết được trong ethanol 50% là 86,3%.Điều kiện bảo quản dược liệu trong 2 bao, trong là bao PE, ngoài bao tải dứa, thời gian bảo quản từ 6 tháng trở lên. Dược liệu hình thoi, dài 5 - 18 cm, đường kính 0,5 - 2 cm. Mặt ngoài mầu vàng nhạt hoặc mầu nâu, có vằn dọc nhỏ hoặc rãnh dọc. Khi khô, chất cứng nhưng dòn. Chưa khô thì chất mềm, dính, chỗ vết bẻ như chất sáp, mầu trắng vàng, hơi trong, giữa có nhân trắng, không trong. Vị ngọt, hơi đắng. độ ẩm dược liệu không quá 16%, rễ non teo không quá 2%, tro toàn phần không quá 5%. Chất chiết được trong ethanol 50% không ít hơn 80% tính theo dược liệu khô kiệt (phương pháp chiết nóng dùng dung môi là ethanol 50%). Định lượng asagarinchiết được trong ethanol 50% trên 1,52% tính theo dược liệu khô kiệt. Các kim loại nặng như As; Cd; Hg; Pb, Cu không vượt ngưỡng cho phép so với QCVN 8-2:2011/BYT quy định. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật Abamectin; Cypermethrin không được có.
Công ty TNHH MTV Dược liệu xanh Nam Hà thuộc Công ty cổ phần Dược phẩm Nam Hà, Công ty cổ phần Dược DIVA đã đề xuất đề tài được phối hợp là đơn vị bao tiêu đầu ra sản phẩm củ thiên môn đông (củ tươi) cho các hộ dân.
Sau 2 năm thực hiện đề tài, Trung tâm Nghiên cứu trồng và Chế biến cây thuốc Hà Nội đãxây dựng được vùng trồng dược liệu có hiệu quả, chất lượng tốt, an toàn và quy trình nhân giống trồng, sơ chế dược liệu thiên môn đông theo GACP- WHO cho năng suất chất lượng dược liệu cao, đảm bảo dược liệu an toàn. Bước đầu hình thành các mô hình trồng thiên môn đông, tạo vùng nguyên liệu ổn định, giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận gần hơn với người dân và vùng nguyên liệu, góp phần thúc đẩy đưa các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ra thực tế.
Bài của Vũ Thị Xuân
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 4 năm 2022