Sự biến đổi khí hậu tác động sẽ tác động trực tiếp đến đời sống nhân loại trên phạm vi toàn cầu như: nước, lương thực, sức khỏe, năng suất lao động và môi trường tự nhiên... Do gia tăng của nhiệt độ, thay đổi lượng mưa và các hiện tượng thời tiết cực đoan cùng với mực nước biển dâng, phát triển công nghiệp, đô thị… làm cho khu vực thích hợp với sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, mùa sinh trưởng thay đổi, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nói chung.
Kết quả nghiên cứu của Đề tài “Xây dựng Atlas đánh giá tác động biến đổi khí hậu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hải Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về sự biến đổi khí hậu... phục vụ hỗ trợ cho công tác quy hoạch phát triển các ngành kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó: Về biến động của nhiệt độ tháng từ năm 1961 - 2018 cho thấy khá ổn định, biến động nhiệt độ tháng cao nhất vào các tháng mùa đông, với độ lệch chuẩn (S) vào khoảng 0,7oC đến 0,72oC, hệ số biến thiên (Sr) dao động từ 4% đến 5,3%; thấp nhất vào các tháng mùa hè, với S vào khoảng từ 0,4oC đến 0,7oC, Sr dao động trong khoảng từ 1,5% đến 2,7%. Nhiệt độ trung bình năm tại trạm Hải Dương có xu thế tăng nhẹ, với mức tăng vào khoảng 0,0150C/thập kỷ.
Về lượng mưa giai đoạn năm 1961 đến 2012 có lượng mưa lớn nhất rơi vào hai thập kỷ gần đây là từ 1991 - 2000 và 2001 - 2010; lượng mưa ít nhất vào thập kỷ 1981 - 1990; lượng mưa trung bình từ năm 2011 đến 2020 ít hơn so với các thập kỷ trước. Biến suất lượng mưa trong các tháng tương ứng là 87%; 143%; 97%; 42% và chung cho cả năm là 26%. Mức biến đổi nhiệt độ ở các huyện không có sự khác biệt nhiều, với mức tăng trung bình khoảng 0,7 đến 0,72 độ C đến năm 2030 và khoảng 2,3 đến 2,4 độ đến năm 2010. Mức biến đổi số ngày nắng nóng (ngày) đến đơn vị hành chính cấp huyện: cao nhất tại thành phố Chí Linh, Nam Sách và thị xã Kinh Môn (số ngày nắng nóng từ 68 - 70 ngày/năm) và thấp nhất là ở các huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang, Thanh Miện (số ngày nắng nóng từ 60 ngày/năm);
Về tình trạng ngập lụt trong các khu trung tâm, khu dân cư vào mùa mưa, cần tiến hành thu nước mưa, bù nước ngầm, chuyển dòng thoát nước, xem xét việc phân đoạn dự án đê bao cùng với các dự án và kế hoạch phát triển. Bên cạnh đó cần thiết kế hệ thống chứa nước được chuẩn bị đủ để chứa và thoát nước từ nhiều nguồn. Sử dụng hệ thống thoát nước 4 cấp để kiểm soát mực nước dâng, không nhất thiết phải dùng hệ thống đê cống để khống chế, sẽ gây trở ngại cho thoát nước, bảo vệ môi trường và giao thông thủy. Bảo vệ bờ sông, kênh khỏi bị xói lở, ngoài công trình bảo vệ vững chắc, chúng ta phải trồng tre chắn sóng...Sử dụng các biện pháp công trình như tường chắn, kè chống xói lở, hệ thống cọc chống đỡ ở chân sườn dốc với móng đặt sâu dưới mặt trượt và nằm trên nền đá gốc. Để phòng chống trượt đất có hiệu quả, ngoài những giải pháp về khoa học công nghệ nêu trên.
Trong 15 bản đồ Atlas đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương đến năm 2030, các chuyên gia đã phân tích trên cơ sở tham chiếu theo kịch bản RCP 4.5 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong các Atlas này, các tác động hầu hết có liên quan đến vấn đề bị ảnh hưởng bởi ngập lụt (cơ sở công nghiệp, diện tích đất nông nghiệp, cơ sở lưu trú của ngành du lịch, di tích lịch sử,…). Riêng tác động đến nhu cầu sử dụng năng lượng liên quan đến vấn đề nhiệt độ gia tăng, dẫn đến nhu cầu sử dụng năng lượng tăng theo.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của đề tài đã đề xuất một số giải pháp đối ứng, nhằm giảm thiểu tác động bao gồm: Phương án phòng chống lụt bão; xây dựng sơ đồ cảnh báo phòng, chống thiên tai; xây dựng kế hoạch di dân khỏi các khu vực có độ nguy hiểm cao; thay đổi cơ cấu mùa vụ; nâng cao kỹ thuật thâm canh; xây dựng các nhà kiên cố để sơ tán dân tại chỗ; xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ người dân khi xảy ra thiên tai; các giải pháp giảm thiểu tác động của BĐKH đối với du lịch, đô thị, sinh kế...
Đối với các giải pháp giảm thiểu tác động của BĐKH đối với hệ sinh thái nhạy cảm: Di chuyển dân khỏi các vùng có nguy cơ cao khi xảy ra thiên tai, thay đổi cơ cấu mùa vụ, nâng cao trình độ thâm canh, xây dựng cơ sở hạ tầng (điện - đường - trường - trạm…). Cần tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, tiếp tục mở rộng trình diễn các hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước; điều chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp và hệ thống canh tác, chọn lọc, nuôi trồng, nhân giống các loại cây trồng có khả năng chịu hạn, chịu mặn, nhiệt độ cao và thúc đẩy nghiên cứu, triển khai các công nghệ mới, công nghệ sinh học…
Về giải pháp nguồn nước tới cần xây dựng và cải tạo các hồ chứa hiện có nhằm lưu trữ nước thô nhiều hơn có giá trị nâng cao lưu lượng trong mùa khô để đáp ứng nhu cầu, duy trì lưu lượng môi trường, tránh ô nhiễm và các sự cố nhiễm mặn cao điểm, tối ưu hóa chất lượng nước.
Về bảo vệ tài nguyên và khai thác các khu, điểm du lịch cần có cơ chế, chính sách bảo vệ tài nguyên, phát triển các khu, điểm du lịch; nâng cao nhận thức của người dân về BĐKH và những tác động đến du lịch. Hoạt động du lịch phát triển mạnh cũng làm gia tăng việc tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên và tác động tới khí hậu.
Về quản lý nguồn nước sạch hiện nay đang bị tổn thất, nhất là khu vực nông thôn xấp xỉ 20% bằng việc xây dựng hệ thống giám sát, cải tạo đường ống, sử dụng hệ thống vòi cung cấp tiết kiệm. Xây dựng hệ thống nông nghiệp thông minh, tiết kiệm tài nguyên, các hệ thống thân thiện môi trường. Tỉnh Hải Dương cũng là địa phương có số giờ nắng 1.400 giờ/năm nhưng chưa được tận dụng trong việc cung cấp năng lượng trong đời sống, trong nông nghiệp, góp phần xây dựng một môi trường thân thiện, không gây tác động nhiều đến thiên nhiên. Cải tạo, nâng cấp hạ tầng ở các khu vực có nguy cơ (điện - đường - trường - trạm). Xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo sớm các nguy cơ về môi trường. Xây dưng phần mềm giám sát môi trường cung cấp nước sạch, theo dõi nguồn nước thải, khí thải trong việc giám sát môi trường.
Sản phẩm chính của Đề tài là thông qua bản đồ của 15 Atlas điện tử để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương. Kết quả nghiên cứu đã đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và các phương pháp đánh giá tính dễ bị tổn thương. Phân tích được các biểu hiện của biến đổi khí hậu tại thông qua chuỗi tài liệu quan trắc nhiệt độ, lượng mưa hơn 50 năm (1961 - 2018) và các tài liệu thống kê một số hiện tượng khí hậu cực đoan khác... Từ đó xây dựng được cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu làm cơ sở quan trọng cho công tác hoạch định chính sách, quy hoạch các ngành kinh tế - xã hội của tỉnh; nhất là mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến một số ngành, lĩnh vực của tỉnh Hải Dương thông qua 15 bản đồ tương ứng cho từng lĩnh vực: tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải và thương mại dịch vụ, sức khỏe cộng đồng, nghèo đói…
Bài của Nguyễn Thị Thùy Linh
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 6 năm 2021.