Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Hợp tác xã có vai trò đặc biệt quan trọng, là cầu nối thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hướng tới nền nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hoá. Vì vậy, những năm gần đây, một số HTX trong huyện Tứ Kỳ đã và đang đẩy mạnh thực hiện phát triển mô hình chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; tăng quy mô sản xuất hàng hóa, áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất.

Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Hà Thanh (Tứ Kỳ) (HTX DV NN) là một trong những đơn vị đi đầu trong việc thực hiện mô hình liên kết trong sản xuất trên địa bàn huyện. HTX tích cực tìm kiếm thị trường, liên kết với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản như: Công ty Cổ phần chế biến nông sản Hải Dương, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm; Công ty CP chế biến nông sản Bắc Giang; Bộ Nông nghiệp, lương thực và nông thôn Hàn Quốc...xây dựng các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn kết hợp với bao tiêu sản phẩm như: ngô ngọt, khoai tây Atlantic, ớt chỉ địa, rau cải salat, củ cải, ớt đầu châu, cây cải thảo...với tổng diện tích khoảng 130 ha. Riêng cây khoai tây Atlantic, hiện nay HTX liên kết trồng hơn 30 ha ở khu vực đất bãi ngoài đê, mỗi vụ cho thu hoạch từ 250 - 300 tấn khoai. Nhờ có liên kết trong sản xuất, giá trị nông sản của nông dân xã Hà Thanh làm ra ngày càng được nâng lên. Ông Nguyễn Trọng Tải, Giám đốc HTX DV NN xã Hà Thanh cho biết: “Nhờ thực hiện ký bao tiêu sản phẩm với HTX, người dân địa phương yên tâm gắn bó với trồng rau màu, bởi đầu ra ổn định, giá trị kinh tế cao hơn so với cấy lúa. Không ít hộ trừ chi phí đi thu về hàng trăm triệu đồng từ trồng rau màu mỗi năm”.

Tương tự, Hợp tác xã DV Nông nghiệp xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) chọn triển khai mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn xuất khẩu phục vụ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương từ năm 2019. Đây là dự án của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm phối hợp với Công ty Cổ phần Nông sản Hưng Việt triển khai trồng cây súp lơ với diện tích 35 ha có 280 hộ tham gia. Tham gia vào mô hình của HTX, người nông dân được tập huấn kỹ thuật sản xuất theo hướng VietGAP, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, yên tâm đầu tư sản xuất bởi đã có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Ngoài ra, Hợp tác xã thành lập các nhóm giám sát nội bộ về quá trình sản xuất của từng thành viên trong vùng, đồng thời thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở khắc phục lỗi trong sản xuất, góp phần bảo đảm chất lượng của vùng rau an toàn. Ông Đào Văn Đoàn, Giám đốc HTX DV NN xã Tân Kỳ cho biết: “Người dân ký kết bao tiêu từ đầu vụ với giá thu mua cao hơn từ 15 - 20% giá thị trường. Vì thế, mỗi ha su lơ thu lãi gần 85 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với sản xuất đại trà. Vùng su lơ xuất khẩu không chỉ giúp nâng cao lợi nhuận kinh tế mà còn góp phần thay đổi suy nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp của người dân trong xã”.

 Theo thống kê, huyện Tứ Kỳ hiện có 40 hợp tác xã nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản. Các HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất trong khu vực kinh tế hợp tác của huyện với 26 HTX. Xác định liên kết sản xuất và phát triển nông sản theo hướng sạch là chìa khóa thành công, những năm qua, một số  HTX đã chủ động liên kết với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài huyện sản xuất rau màu, lúa hàng hóa theo hướng VietGAP, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái tại địa phương. Nhiều HTX có những cách làm hay, sáng tạo, từng bước thay đổi phương thức, tập quán sản xuất manh mún, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như HTX DV NN Hà Thanh, Nguyên Giáp, An Thanh, Tân Kỳ, Đại Đồng, Đông Kỳ, Tái Sơn, Hưng Đạo... Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ cho biết, vụ đông năm 2020 - 2021, toàn huyện đã gieo trồng được khoảng 1.500 ha cây vụ đông; trong đó hơn 40% diện tích gieo trồng có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. 

Để nâng cao hiệu quả của chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, bên cạnh việc hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, huyện Tứ Kỳ đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và xúc tiến thương mại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, thương hiệu sản phẩm. Cùng với sự tham gia của các HTX, huyện thúc đẩy thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP nhằm phát triển ngành trồng trọt theo chiều sâu, có quy mô lớn để tăng giá trị, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường. Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện tiếp tục đẩy mạnh liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng sản xuất an toàn, hướng tới xuất khẩu.

Bài của Trần Yến, Đài Phát thanh huyện Tứ Kỳ

Bài đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 2 năm 2021

         

 


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập163
  • Hôm nay33,524
  • Tháng hiện tại1,380,797
  • Tổng lượt truy cập4,086,001
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây