Thành phố Hải Dương từng bước khẳng định là Trung tâm trụ cột phát triển vững chắc của tỉnh Hải Dương.

Từ khi nâng cấp lên thành phố (năm 1997), sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, thành phố Hải Dương luôn là Trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật và là thủ phủ của tỉnh Hải Dương. Với diện tích 111,68 km2, dân số trên 300.000 người với 25 đơn vị hành chính (19 phường, 6 xã). Trong suốt quá trình phát triển Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố luôn phát huy đoàn kết, chung sức, đồng lòng; với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, chủ động, sáng tạo để xây dựng thành phố ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại xứng đáng là đô thị Trung tâm của tỉnh Hải Dương.
Thành phố Hải Dương từng bước khẳng định là Trung tâm trụ cột phát triển vững chắc của tỉnh Hải Dương.

Thành phố Hải Dương được quy hoạch phát triển dựa trên các không gian nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế hiện có: Khu trung tâm đô thị hiện hữu; Khu vực ven sông Thái Bình và sông Sặt; Khu công nghiệp - dịch vụ đô thị phía Tây; Khu đô thị dịch vụ nông nghiệp phía Đông; Khu phát triển đô thị dịch vụ phía Bắc; Khu phát triển đô thị mới phía Nam…

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Dương lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với quyết xây dựng thành phố trở thành đô thị xanh, thông minh, hiện đại và thân thiện với môi trường. Khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, mạng lưới dịch vụ hoàn thiện; tạo việc làm, ổn định sinh kế, nâng cao chất lượng sống người dân đô thị Hải Dương. Phát triển thành phố Hải Dương với những vị thế và xu hướng phát triển mới, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá, nhằm khai thác có hiệu quả lợi thế, tiềm năng phát triển của thành phố theo hướng phát triển tăng trưởng xanh, bền vững.

Những công trình, dự án tạo động lực

Hiện nay, thành phố đã và đang triển khai một loạt các dự án xây dựng công trình hạ tầng, trong đó tập trung vào các dự án trọng điểm để tạo động lực phát triển đô thị như: Tuyến đường vành đai 1 phía Nam thành phố, cầu Bùi Thị Xuân vượt sông Thái Bình, cầu vượt tại nút giao giữa đường dẫn cầu Hàn, Ngô Quyền và quốc lộ 5; phát triển các khu đô thị EcoRivers, phía Tây Nam Cường, NR Stars Riverside, Phú Quý, Tân Phú Hưng, Ngọc Sơn Riverside, Bắc cầu Hàn... đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn như FLC, Apec Group, Ecopark... từng bước tạo cho thành phố diện mạo mới khang trang, thông minh, hiện đại; một thành phố khỏe, năng động với không gian sống hiện đại, tiện nghi hấp dẫn thân thiện môi trường.

Trên những vùng đất nông nghiệp phì nhiêu màu mỡ đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng với vùng rau an toàn, vùng trồng hoa thâm canh cao, trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... vừa phục vụ du lịch sinh thái an toàn, thân thiện môi trường, vừa hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Với Khu công nghiệp lớn như Đại An, Nam Sách, An Phát; các cụm công nghiệp Việt Hòa, Thạch Khôi, Cẩm Thượng, Ngô Quyền... với gần 13.000 doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết gần 300.000 lao động trên địa bàn thành phố và các địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Kết cấu hạ tầng thương mại được tăng cường và phát triển rộng khắp với mạng lưới 23 chợ truyền thốngvà nhiềusiêu thịlớn, sầm uấtnhư Big C, Intimex, Minh Hải Plaza, HC...Thành phố có 12 trường chuyên nghiệp từ trung cấp đến đại học; 13 bệnh viện, nhiều chung cư cao tầng đang hoạt động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tinh thần, an sinh của nhân dân…

Định hướng quy hoạch và không gian phát triển

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định đô thị Hải Dương đóng vai trò là trung tâm cấp vùng về y tế và giáo dục đào tạo phía Đông của Vùng Thủ đô Hà Nội. Thành phố Hải Dương có thể hình thành các trung tâm thương mại đầu mối nông sản lớn như một hạt nhân của vùng nông nghiệp Bắc Bộ; phát triển khu vực cảng cạn ICD đóng vai trò trung chuyển cho vùng cảng biển Hải Phòng và Quảng Ninh.     

Phát triển thành phố Hải Dương với những vị thế và xu hướng phát triển mới, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá; khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, di sản văn hóa, bản sắc con người xứ Đông để phát triển nhanh và bền vững. Xây dựng thành phố Hải Dương hướng tới một đô thị văn minh, xanh, thân thiện với môi trường. Hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện đại.Là đô thị xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống.Quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 595.000 người; đến năm 2040 dân số khoảng 669.000 người.

Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, xứng đáng đô thị Trung tâm của tỉnh Hải Dương, tới đây thành phố tiếp tục điều chỉnh về cấu trúc đô thị, về phân khu chức năng, về phân bố các trung tâm đô thị nhằm khắc phục các tồn tại, bất cập trong quá trình phát triển của thành phố Hải Dương về hạ tầng kỹ thuật, về sử dụng đất đai, phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội chất lượng cao, xử lý các vấn đề môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với thiết kế đô thị đồng bộ, hiện đại và quản lý đô thị theo quy hoạch như: xây dựng tạo điểm nhấn kiến trúc, văn hóa đặc trưng xứ Đông với bản sắc riêng có về đất và người Thành Đông, trên nguyên tắc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử và cảnh quan thiên thiên.

Đối vớikhu vực phố cũ trong khu vực nội đô, sẽ bảo tồn, tôn tạo để xây dựng hình ảnh đặc trưng tạo nên không gian lõi đô thị hấp dẫn về du lịch, gắn kết không gian quần thể di tích lịch sử thành Đông trong không gian bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa của tỉnh và của vùng. Phát triển không gian nông thôn và vùng ven đô, các làng nghề truyền thống nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử hiện có vùng đồng bằng sông Hồng. Bảo tồn và phát huy đa dạng sinh học, địa hình, không gian xanh tự nhiên, phát triển hệ thống công viên, cây xanh, mặt nước nhằm tạo lập hình ảnh đặc trưng của thành phố. Đồng thời xây dựng trung tâm du lịch dịch vụ theo tuyến du lịch kết nối với địa danh Côn Sơn - Kiếp Bạc, vải thiều Thanh Hà, đền Quan lớn Tuần Tranh...

Vươn lên và tăng tốc

Tác động của Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, tạo tiền đề phát triển kinh tế cơ bản đạt mục tiêu kế hoạch đề ra: kết quả giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản ước đạt trên Giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản ước đạt 1.097 tỷ đồng bằng tăng 3,5; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 80.673 tỷ đồng, tăng 13,7% và vượt kế hoạch đề ra; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 27.026 tỷ đồng tăng 7%.Tổng thu ngân sách nhà nước trên 1.446 tỷ đồng đạt 113% dự toán tỉnh; Tổng thu ngân sách thành phố trên2.257 tỷ đồng, đảm bảo nhu cầu cân đối chi, nhất là chi đầu tư xây dựng cơ bản. Thành phố Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tạo tiền đề phát triển, thành phố tập trung chỉ đạo hoàn thành quy hoạch xây dựng các phường: Thanh Bình, Việt Hòa, Tân Bình, Hải Tân, Tứ Minh; quy hoạch phân khu khu vực phía Nam và phía Tây thành phố. Quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Tăng cường quản lý nhà nước về đất đai đối với các doanh nghiệp; giải phóng mặt bằng các dự án đã triển khai. Đầu tư xây dựng khu dân cư, dịch vụ thương mại, phát triển làng nghề; tích cực thực hiện các dự án trọng điểm, dự án tạo nguồn vốn để phát triển thành phố.

Theo ông Trần Hồ Đăng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Dương: Thời gian tới để hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, để thực hiện “thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá” của tỉnh; thành phố tập trung thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội; ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học và công nghệ; nắm bắt các cơ hội phát triển kinh tế số, xã hội số, quản trị chính quyền thông minh hiện đại. Trong đó, phấn đấu công nghệ số, kinh tế số đạt tỷ trọng thấp nhất 30% nền kinh tế; 100% số cơ sở sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ số. Tập trung thu hút đầu tư nhằm huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại với tầm nhìn vượt trội. Tới đây sẽ tiếp tục xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến phố theo hướng văn minh, hiện đại. Đẩy mạnh phát triển kinh tế ven đô, kinh tế đô thị, dịch vụ, du lịch chất lượng cao; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các thành phần kinh tế nhằm tạo động lực phát triển. Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp cần phải khơi dậy khát vọng vươn lên, đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển phù hợp với xu thế đặt ra; mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân thành phố cần nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh, phát triển nhanh, bền vững. Từng bước khẳng định là Trung tâm trụ cột phát triển vững chắc của tỉnh Hải Dương.

Bài của TS. Nguyễn Đình Bộ, PGĐ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 2 năm 2022.

 


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập185
  • Hôm nay33,883
  • Tháng hiện tại1,332,190
  • Tổng lượt truy cập4,037,394
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây