Sử dụng vắc xin và thuốc sát trùng trong chăn nuôi

Hiện nay việc sử dụng các loại vắc xin và thuốc sát trùng sẽlà hướng đi bền vững cho ngành chăn nuôi và đó cũng là định hướng phát triển chăn nuôi của ngànhnông nghiệp. Tuy nhiên, việc lựa chọn vắc xin và sử dụng thuốc sát trùng đúng cách là biện pháp quan trọng trong quy trình phòng bệnh và vệ sinh chuồng trại cho vật nuôi. Nhằm mục đích ngăn cản sự xâm nhập của mầm bệnh từ bên ngoài trại vào trong trại và không để mầm bệnh lây lan giữa các khu vực, các dãy chuồng  chăn nuôi trong cùng một trại. Để nắm rõ điều này bà con cần quan tâm đến một số nội dung sau.
Sử dụng vắc xin và thuốc sát trùng trong chăn nuôi

Việc sử dụng vắc xin là biện pháp phòng bệnh chủ động cho vật nuôi có hiệu quả và kinh phí thấp

Vắc xin là chế phẩm có tính kháng nguyên dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động, nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể vật nuôi đối với một số tác nhân gây bệnh cụ thể. Có 4 loại vắc xin là vắc xin nhược độc (vắc xin sống), vắc xin vô hoạt (vắc xin chết), vắc xin giải độc tố và vắc xin tái tổ hợp. Tuy nhiên, thông thường trong chăn nuôi sử dụng 2 loại là vắc xin nhược độc, vắc xin vô hoạt. Tác dụng của việc chủng ngừa vắc xin là giúp vật nuôi tạo ra kháng thể chống lại bệnh, chủng ngừa bệnh nào sẽ ngừa được bệnh đó.

Khi sử dụng vắc xin, cần lưu ý các đặc điểm như tuổi chủng ngừa lần đầu, bảo quản, vận chuyển và sử dụng đúng kỹ thuật. Điều kiện thích hợp nhất để bảo quản đối với các loại vắc xin virus là ở nhiệt độ khoảng 2 - 8°C, các loại vắc xin vi khuẩn từ 5 - 10oC. Để bảo quản vắc xin trong điều kiện tốt nhất khi vận chuyển phải đựng vào hộp xốp hoặc bình đá; tránh ánh nắng chiếu trực tiếp, tránh hiện tượng va đập để đảm bảo chất lượng và hiệu quả phòng bệnh của vắc xin. Việc tiêm văc xin cho vật nuôi cần tuân thủ nguyên tắc 3 đúng: đúng đối tượng, đúng liều lượng, đúng vị trí. Dụng cụ tiêm phòng gồm bơm tiêm, kim tiêm, panh… trước khi sử dụng, cần luộc sôi để nguội.phải đảm bảo tiệt trùng.

Lưu ý: không dùng cồn để sát trùng bơm kim tiêm. Người tham gia tiêm phòng phải mặc đầy đủ bảo hộ.

 Vật nuôi tiêm phòng phải thật khỏe mạnh, không được tiêm vắc xin cho động vật đang mắc bệnh, nghi mắc bệnh, hoặc khi con vật quá gầy yếu, quá non, con mẹ mới đẻ, động vật mới thiến chưa lành vết thương,…trước khi tiêm vắc xin phải được lắc đều, vắc xin tiêm thừa phải được sử lý theo quy định, không vứt bừa bãi ra môi trường; cần theo dõi các biểu hiện bất thường của vật nuôi sau khi sử dụng vắc xin. Một số bệnh cần tiêm phòng cho vật nuôi:

- Đối với heo: Tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng, Dịch tả, Tụ huyết trùng, Tai xanh, Sưng phù đầu, Phó thương hàn.

- Đối với trâu, bò: Tiêm phòng vắc xin Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng, Viêm da nổi cục.

- Đối với chó, mèo: Tiêm phòng bệnh Dại.

- Đối với gà: Tiêm phòng vắc xin Newcastle, Gumboro, Cúm.

- Đối với vịt: Tiêm phòng vắc xin Dịch tả vịt, Cúm. Khi đưa vắc xin vào cơ thể vật nuôi, chưa có kháng thể chống bệnh ngay mà phải sau 7 - 21 ngày. Tùy theo từng loại vắc xin xẽ có thời gian miễn dịch khác nhau.

Thuốc sát trùng là hóa chất có tác dụng ức chế sự phát triển hoặc tiêu diệt các mầm bệnh ở khu vực chăn nuôi như chuồng trại khu tập kết động vật, sản phẩm động vật, chợ kinh doanh thực phẩm và các nơi có chứa nhiều mầm bệnh gây hại cho vật nuôi như vi rút, nấm, ký sinh trùng. Khi sử dụng không gây hại cho vật nuôi và người sử dụng, không gây hư hại, ăn mòn chuồng trại hoặc dụng cụ phục vụ chăn nuôi, không ô nhiễm môi trường, dễ pha chế và bảo quản, có giá cả hợp lý. Các loại hóa chất thường dùng bao gồm Hanodin, Cloramin B, Benkocid,…Đối với bề mặt, phun cho đủ ướt với liều 1 lít thuốc sau khi pha phun cho 2 - 3 m2 diện tích. Đối với không gian, phun sương hoặc phun dạng khói với liều 2 lít thuốc sau khi pha cho 10 m3 không gian.

Để việc thuốc sát trùng có hiệu quả, trước khi sử dụng, cần vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, khu vực chăn nuôi. Pha thuốc đúng liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, không nên pha thuốc đậm đặc hơn so với khuyến cáo. Khi tiến hành phun thuốc, cần phun ướt đều bề mặt vật được sát trùng và cả khu vực chăn nuôi. Bất kỳ một loại thuốc sát trùng nào cũng đều có tính độc ít hay nhiều tùy loại đối với người và vật nuôi. Do đó, khi phun xịt, người nuôi nên mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang và tuyệt đối không phun xịt lên trên mình con vật nuôi.

Bài của Nguyễn Minh Đức, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hải Dương

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương số 5 ra tháng 10 năm 2022

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây