Nghiên cứu, biên soạn tài liệu và hướng dẫn giảng dạy Ngữ văn địa phương phục vụ trong các trường trung học cơ sở

Trong chương trình giáo dục phổ thông, môn Ngữ văn cấp trung học cơ sở(THCS), ngoài phần kiến thức chung về Tiếng Việt, Làm văn và Văn, khung phân phối chương trình quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo có phần nội dung Ngữ văn địa phương. Tuy nhiên, toàn bộ nội dung này trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6,7,8,9 chỉ có một tên chung là Chương trình địa phương cho tất cả các tiết dạy (17 tiết cho toàn cấp) với gợi ý chung cho tất cả mọi tỉnh thành trên toàn quốc. Từ năm học 2008 - 2009 ở tỉnh Hải Dương bắt đầu thực hiện dạy Ngữ văn địa phương ở các trường THCS do chưa có Tài liệu thống nhất, nên nội dung đều do cá nhân các thầy cô giáo tự tìm tòi, tự chọn tư liệu, tự soạn giảng nên phụ thuộc hoàn toàn vào cảm tính chủ quan và kinh nghiệm của mỗi thầy cô giáo dẫn đến chất lượng dạy học nội dung này không đồng đều, xảy ra nhiều bất cập.
Nghiên cứu, biên soạn tài liệu và hướng dẫn giảng dạy  Ngữ văn địa phương phục vụ trong các trường trung học cơ sở

Vì vậy, việc nghiên cứu, biên soạn tài liệu và hướng dẫn giảng dạy Ngữ văn địa phương phục vụ dạy học trong các trường THCStỉnh Hải Dương là vô cùng cần thiết, góp phần thực hiện tốt nội dung, chương trình giảng dạy bộ môn Ngữ văn THCS nói chung, NVĐP nói riêng theo sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tạo sự chỉ đạo đồng bộ, thống nhất trong việc thực hiện các chương trình giáo dục địa phương trong toàn tỉnh; làm tiền đề vững chắc để học sinh tiếp tục học tập chương trình Ngữ văn trung học phổ thông, thiết thực góp phân tăng cường tuyên truyền, giáo dục tư tưởng đạo đức, khơi gợi niềm tự hào về những giá trị truyền thống văn học của quê hương Hải Dương.

Được UBND tỉnhphê duyệt, hai năm 2015, 2016, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương đã chủ trì, thực hiện đề tài “Nghiên cứu, biên soạn tài liệu và hướng dẫn giảng dạy Ngữ văn địa phương phục vụ dạy học trong các trường trung học cơ sở tỉnh Hải Dương”. Kết quả nghiên cứu và sản phẩm của đề tài sẽ giải quyết được những khó khăn, vướng mắc của hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh trong tổ chức chỉ đạo, dạy và học chương trình Ngữ văn địa phương theo quy định bắt buộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng dạy học chương trình Ngữ văn địa phương nói riêng, chất lượng giáo dục môn học nói chung.

Để có căn cứ khoa học và thực tiễn biên soạn Tài liệu, Ban chủ nhiệm đã tiến hành nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận về dạy học Ngữ văn và dạy học Ngữ văn địa phương; tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng giảng dạy và học chương trình Ngữ văn địa phương tại 12 trường trường THCS thuộc 12 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh nhằm chỉ rõ và phân tích, đánh giá, xác định nguyên nhân của những thuận lợi, khó khăn trong quản lý, chỉ đạo, dạy và học Ngữ văn địa phương; nhu cầu biên soạn Tài liệu dạy học và hướng dẫn giảng dạy Ngữ văn Hải Dương.

 Đề tài đã tiến hành khảo sát 1.530 người, gồm 570 cán bộ quản lý, giáo viên Ngữ văn và 960 học sinh THCS. Kết quả khảo sát chính là cơ sở khoa học để nhóm nghiên cứu đề xuất các mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc và cách thức nghiên cứu, biên soạn tài liệu dạy học Ngữ văn địa phương đáp ứng yêu cầu đổi mới, góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông theo tinh thần dự thảo Nghị quyết 29 của Đảng.

Tài liệu dạy học và hướng dẫn giảng dạy Ngữ văn Hải Dươngđược biên soạn trên nguyên tắc: bao quát đầy đủ 3 phân môn tiếng Việt, Văn và Làm văn; tỉ lệ các phân môn vừa đảm bảo tính hợp lý vừa có khả năng tích hợp hỗ trợ giữa các phân môn nhằm phát triển tối đa năng lực người học; lựa chọn các tác giả tác phẩm chưa được học chính trong chương trình chính khóa, tiêu biểu cho từng thời kỳ, thể loại, trào lưu, phong cách…Sau mỗi bài theo chương trình quy định, được biên soạn đủ các phần hướng dẫn tìm hiểu, đọc hiểu, thuyết minh, tài liệu còn phải có phần tìm hiểu mở rộng, cung cấp tư liệu để giáo  viên có thể lựa chọn, thiết kế bài soạn linh hoạt theo yêu cầu mới. Các câu hỏi, bài tập vừa bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình vừa gợi mở tạo điều kiện cho học sinh được thể hiện khả năng hiểu biết, kỹ năng trình bày trước tập thể, khả năng hùng biện…của bản thân.

 Sau khi Tài liệu được nghiệm thu, Đề tài đã chọn phương pháp thực nghiệm kiểm tra theo hình thức thực nghiệm cấp diễn (thực nghiệm trong thời gian ngắn) tại 12 trường THCS với tổng số tiết là 408, gồm: 204 tiết thực nghiệm và 204 tiết đối chứng, tuân thủ trình tự, nguyên tắc:quy định chuẩn đánh giá, phương thức đánh giá, đưa ra một số giả thuyết để loại bớt yếu tố tác động phức tạp, phối hợp thảo luận, rút kinh nghiệm giờ dạy, góp ý tài liệu,...Kết quả cho thấy trong số 204 giờ dạy thực nghiệm có 38 giờ được xếp loại Giỏi, chiếm tỉ lệ 18,6%, 142 giờ loại Khá, chiếm tỉ lệ 69,6% và 8 giờ loại Đạt chiếm tỉ lệ  7,8%; trong số 204 tiết dạy đối chứng chỉ có 3 giờ được xếp loại Giỏi, chiếm tỉ lệ 1,5%, 82 giờ xếp loại Khá, chiếm tỉ lệ 40,2%; 97 giờ xếp loại Đạt chiếm tỉ lệ 47,5%, 22 giờ xếp loại Chưa đạt, chiếm tỉ lệ 10,8%.

Sau khi dạy thực nghiệm và đối chứng, Đề tài tổ chức khảo sát 570 cán bộ quản lý, giáo viên và 960 học sinh nhằm lấy ý kiến nhận xét, đánh giá, góp ý Tài liệu. Trong số 570 cán bộ quản lý, giáo viên được hỏi, 100% có chung đánh giá là Tài liệu dạy học và Hướng dẫn giảng dạy Ngữ văn tỉnh Hải Dương đãđảm bảo tốt các yêu cầu của một đề tài khoa học. Cụ thể là:

Phần một Tài liệu dạy học: nội dungđãbámsát khung phân phối chương trình của Bộ; coi trọng rèn luyện kỹ năng sử dụng Tiếng Việt và phát âm chuẩn, nhất là phụ âm L/N; phần Văn đã bao quát đủ các bộ phận: văn học dân gian, trung đại và hiện đại; phần Làm văn đã chú trọng hướng cho học sinh thuyết minh về các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, làng nghề truyền thống và danh nhân tiêu biểu của Hải Dương; tạo điều kiện để học sinh biết bày tỏ quan điểm thái độ về các vấn đề, sự việc hiện tượng đời sống đã và đang diễn ra ở quê hương Hải Dương.

Hình thức tài liệu đẹp, đảm bảo cấu trúc 3 phần tương ứng với 3 phân môn của bộ môn. Ngoài nội dung bài học theo quy định, tài liệu đã cung cấp nhiều nguồn tư liệu toàn diện, hệ thống, phong phú về tác giả, tác phẩm, danh lam, di tích, danh nhân tiêu biểu của quê hương. Cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh có điều kiện hiểu về các tác giả, những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, làng nghề truyền thống và danh nhân tiêu biểu của tỉnh Hải Dương.

Hệ thống câu hỏi đọc hiểu văn bản, luyện tập trong Tài liệu không chỉ đảm bảo đầy đủ, hợp lý, có hệ thống, bao quát được các đối tượng học sinh mà còn có khả năng gợi mở, kích thích khả năng tự học, tự nghiên cứu, phát huy tốt nhất tính chủ động, tích cực của học sinh theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nội dung, phương pháp dạy học và giáo dục.

Phần hai Hướng dẫn giảng dạy trong Tài liệu đã khắc phục hầu hết những khó khăn của giáo viên khi soạn bài, giảng bài chương trình Ngữ văn địa phương về văn bản, ngữ liệu đồng thời là những định hướng, gợi dân, gợi mở khá linh hoạt về phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động dạy học theo đặc trưng bộ môn.

Có thể khẳng định Tài liệu dạy học và hướng dẫn giảng dạy Ngữ văn Hải Dương hoàn chỉnh, được phát hành tới tất cả các trường THCS trên địa bàn tỉnh Hải Dương là tài liệu vô cùng có ý nghĩa, thiết thực đối với tất cả cán bộ quản lý, giáo viên môn Ngữ văn đồng thời là nguồn cung cấp tư liệu tham khảo rất hữu ích cho giáo viên các bộ môn khác khi dạy học tích hợp liên môn hoặc dạy học theo chủ đề.Đối với học sinh, Tài liệu dạy học Ngữ văn tỉnh Hải Dương có ý nghĩa như một loại sách giáo khoa phục vụ học tập, qua đó các em được hiểu biết thêm nhiều về các tác giả là người Hải Dương, về vẻ đẹp của đất và người Hải Dương qua các sáng tác, tự hào về truyền thống văn hiến của đất và người xứ Đông, bồi dưỡng những phẩm chất truyền thống của người Hải Dương,...Tài liệu còn có thể dùng làm tài liệu tham khảo phục vụ đào tạo sinh viên khoa Ngữ văn tại trường Cao đẳng Hải Dương, tài liệu bồi dưỡng giáo viên môn Ngữ văn nói chung, là tài liệu tham khảo của bạn đọc quan tâm đến Ngữ văn địa phương (Hải Dương).

Cùng vớiTài liệu dạy học và hướng dẫn giảng dạy Lịch sử, Địa lí tỉnh Hải Dương đã được sử dụng trong các trường trung học tỉnh Hải Dương từ năm học 2014 - 2015, Tài liệu dạy học và hướng dẫn giảng dạy Ngữ văn tỉnh Hải Dương tiếp tục sử dụng trong nhà trường THCS tỉnh Hải Dương từ năm học 2017 - 2018 sẽ hoàn thiện một cách đồng bộ các tài liệu dạy học Chương trình địa phương trong trường phổ thông tỉnh Hải Dương. Các Tài liệu dạy học và hướng dẫn giảng dạy môn Lịch sử, Địa lí và Ngữ văn của tỉnh Hải Dương không chỉ là Tài liệu chính thống, thiết thực triển khai thực hiện hiệu quả nhất Chương trình địa phương theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá những đặc điểm về điều kiện tự nhiên, xã hội, con người, truyền thống lịch sử, văn hóa, văn học nghệ thuật,...của tỉnh Hải Dương, khơi gợi niềm tự hào, ý thức giữ gìn, bảo vệ, dựng xây quê hương ngày càng hiện đại, giàu đẹp, văn minh, tiến bộ.

Bài của Ths. Nguyễn Thị Thu Thanh

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6 ra tháng 12 năm 2017

 

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây