Những vị thuốc từ Gà

Thịt gà không chỉ là nguồn thực phẩm bổ dưỡng, y dược phổ biến, đa dạng mà còn như “cây thuốc hai chân” vì tất cả những bộ phận từ cơ thể nó đều có thể đem chế được thành thuốc, dùng để tăng sinh lực, phòng chống, chữa trị hiệu quả nhiều bệnh ở người.
Những vị thuốc từ Gà

THỊT GÀ

Thịt gà là loại thịt trắng, một thức ăn ngon và bổ, có mùi vị đặc trưng và giá trị dinh dưỡng cao, tổng hợp. Thịt gà thường được tần với tam thất, nấm linh chi hoặc đông trùng hạ thảo để bồi dưỡng và cầm máu; hầm với hạt sen chữa suy dinh dưỡng; với đậu đỏ chữa phù thũng; với hoa hiên trị viêm đại tràng; với ngải cứu dùng cho phụ nữ xanh xao, gầy yếu; với gạo nấu cháo (thịt gà mái) ăn thường xuyên dùng cho đàn ông chữa liệt dương…

Theo y dược cổ truyền, thịt gà mang vị hơi ngọt, tính ấm, không độc, lành mạnh phổi, tác dụng ôn trung ích khí, lợi tinh tủy, bồi bổ. Đem chế biến cùng một số loài thực vật, nó có thể trở thành vị thuốc hiệu quả chữa trị 15 nhóm loại bệnh: dùng cho phụ nữ suy nhược, gầy còm, huyết hư sau đẻ; cho người viêm gan, phụ nữ sau nạo thai, sau đẻ bị chứng ăn vào nôn ói ra; sa thận, sa dạ dày, sa trực tràng, sa tử cung; đau bụng, đầy hơi, mệt mỏi; suy nhược cơ thể, trướng bụng không tiêu; kém ăn; thiểu dưỡng gây phù mặt và chân tay; hạ huyết áp; đái tháo đường kèm béo phì; ốm thiếu máu, khó ngủ; tinh thần mệt mỏi, xương khớp tê nhức; suy nhược cơ thể, ho lao, sau khi đẻ gầy yếu; trĩ …

Tác dụng đặc trưng của thịt gà ít nhiều cũng được phản ánh qua màu lông và thể loại gà. Chẳng hạn, gà lông trắng (bạch kê) có tác dụng điều hòa tỳ vị, gà lông vàng (huỳnh kê) chữa bệnh đường tiêu hóa, gà lông đỏ tía (dan hồng kê) làm ấm dạ dày, ấm phổi, trị bệnh về máu, gà lông đen (ô kê) có tác dụng bổ tỳ, điều hòa khí huyết, chữa thận yếu, phong thấp, dùng rất tốt cho phụ nữ sau khi đẻ. Thịt gà ác (loài gà thân nhỏ, lông trắng không mượt, toàn bộ da, mắt, thịt, xương, chân đều màu đen) đặc trị các bệnh về phổi, thận, đau lưng, ra mồ hôi trộm, chân tay yếu mỏi. Thịt gà rừng lại lợi cho gan thận, tăng cường gân cốt, chữa chứng nóng ruột, xích bạch đới, tả lỵ lâu ngày, suy yếu sinh dục. Còn thịt gà tây rất bổ, ít chất béo, chứa nhiều acid béo không bão hòa rất tốt cho các thành mạch, nên tác dụng làm giảm cholesterol trong máu, chống xơ vữa động mạch.

TIẾT GÀ

Tiết gà có vị mặn, tính bình, không độc, có tác dụng chữa thiếu máu, suy nhược, mất sữa, làm khỏi mụn nhọt, ghẻ lở, giải độc,; chữa trị băng huyết, trúng phong, lệch mắt, méo mồm, đau mắt đỏ, gân xương đau nhức, bong gân gãy xương.

DA GÀ

Da gà chứa rất nhiều Omega-6 là một loại acid béo không bão hòa làm thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể, nên ăn vào có thể phòng chống các bệnh tim mạch, tiểu đường tuýp 2, thấp khớp, hen suyễn và cả ung thư. Tuy nhiên, da gà cũng chứa nhiều mỡ nên trước khi sử dụng cần chế biến loại bỏ mỡ hoặc nếu không loại bỏ thì chỉ ăn ở mức vừa phải.

XƯƠNG GÀ

Xương gà vị hơi mặn, tính ấm, không độc, tác dụng cứng cáp và nối liền gân xương. Dùng ăn phối hợp với thịt gà hầm rau củ, nó là thuốc trị chứng trẻ em gầy ốm, thóp lâu liền, xương yếu, bị sởi, đậu.

CHÂN GÀ

Chân gà mang vị ngọt nhạt, tính bình, không độc, tác dụng bổ dưỡng cơ thể. Dùng ăn dưới dạng luộc, xào, nướng hoặc nấu cao, nó chữa kém ăn, mất ngủ, mệt, gân xương đau mỏi, chân tay run rẩy, đi đứng không vững; trẻ em da xanh bủng, chậm biết đi, chậm mọc răng; làm đông máu, cầm máu, nhanh lành vết thương; trị ngộ độc, vàng da, bạch đới, yếu sinh lý. Trong chân gà có gân gà mang tác dụng đặc biệt, bổ dưỡng cao, làm mạnh sinh lực, cường gân cốt.

TIM GÀ

Tim gà tính bình, không độc, có tác dụng chữa chứng phong tà, dùng dưới dạng luộc hoặc nấu cháo ăn.

GAN GÀ

Gan gà có vị hơi mặn, đắng, tính ấm, tác dụng bổ thận ích can, mạnh dương, dưỡng khí huyết, tăng cường thị lực… Dùng riêng (luộc, hấp, xào, nướng…) hoặc kèm một số gia vị, nó chữa trị đau tim, đau bụng, mất ngủ, liệt dương, thai lậu, có thai máu ra như rong huyết, đau mắt do nhiệt, đau mắt mờ, nhìn đèn nhòe lóa. Chẳng hạn, dùng gan gà nấu canh với lá dâu non hoặc bìm bìm non, ăn chữa quáng gà. Còn dùng gan gà trống trộn với mật cá chép và lòng trứng chim sẻ, ăn sẽ dần chữa liệt dương (có thể ăn sống hoặc sấy khô, viên thành từng hạt nhỏ dùng dần).

MẬT GÀ

Mật gà có vị đắng tanh, tính hàn, giúp giảm ho, long đờm, chống viêm. Dùng cùng một số vị thuốc thực vật, nó chữa được hen sữa ở trẻ nhỏ, ho gà, ho khan, ho lâu ngày, ho có đờm kèm sốt, viêm túi mật, lậu đau buốt, yếu-liệt dương.

LÒNG VÀ MỀ GÀ

Lòng và mề gà đều mang vị mặn ngọt, tính bình, tác dụng tiêu thực, khỏe cơ, ích tạng. Xào nấu cùng các rau củ quả và gia vị, nó trở thành món ăn hấp dẫn trị chứng mệt mỏi đau đầu chóng mặt, phụ nữ sau khi đẻ ít sữa, trẻ em còi cọc chậm lớn và ho đờm lâu ngày; chữa vàng da, kém ăn, bụng đầy, viêm đại tràng, táo bón, trĩ, đái dầm, đái dắt, sỏi thận, yếu sinh lý, di mộng tinh.

MÀNG MỀ GÀ

Màng mề gà có vị mặn hơi đắng, tính bình, tác dụng tiêu thực, điều hòa tỳ vị. Sau khi giết gà, mổ đôi mề gà ra, bóc nhẹ lấy lớp màng màu vàng phủ mặt trong của mề, rửa qua, phơi khô hoặc cắt miếng đem sao với cát nóng cho phồng. Khi dùng nướng cháy rồi tán bột hoặc nấu, hãm, sắc cùng một số vị thuốc thực vật, sẽ được thuốc đặc trị trướng bụng, ăn vào nôn ra, kiết lỵ, viêm ruột mãn tính, cảm tẩu mã, lở loét, hóc xương, thiếu máu, xơ gan, sỏi mật, sỏi thận.

TRỨNG GÀ

Trứng gà mang vị ngọt tanh, tính hơi hàn, tác dụng bồi bổ, dưỡng sức, giải nhiệt. Lấy lòng trứng gà chế cùng mật ong, đậu đen, ngải cứu, lá mơ…sẽ chữa trị hiệu quả nhiều chứng bệnh: rụng tóc, tóc bạc, thiếu máu, huyết áp bất thường, suy gan, viêm thận, đau bụng kinh, động thai, đái dầm, kiết lỵ. Riêng lòng trắng trứng gà dùng làm mịn da, giảm hôi nách, ngăn độc, nhuận tràng, dễ sinh nở. Còn riêng lòng đỏ trứng gà dùng chữa suy dinh dưỡng, vết bỏng, lở loét ngoài da và cả xơ vữa động mạch bên trong.

Vỏ trứng gàđem phơi sao khô, tán thành bột mịn cũng chữa trị được nhiều bệnh. Uống mỗi ngày 3 lần (mỗi lần 2 gram) sẽ dần chữa được chứng hôi miệng, viêm loét dạ dày. Đem phối hợp với hạt bông (đã sao cháy đen, tán mịn) rồi trộn bằng rượu, viên thành từng hạt nhỏ, uống với nước cơm vào lúc đói sẽ chữa được khí hư. Vỏ trứng gà tươi phối hợp với rễ cỏ gà, lá chanh, lá táo, vỏ quýt, đem thái nhỏ, sao vàng, sắc uống chữa trị ho gà.

MÀO GÀ

Mào gà vị ngọt nhạt, tính ấm, không độc, tác dụng nhuận bì, thông huyết, bổ dưỡng. Chích lấy máu nhớt của mào gà (kê quan huyết) bôi sẽ đặc trị đinh râu hoặc nhọt ở sống lưng; trộn với hoa đào tán nhỏ đắp lên mặt, lúc khô hẳn lột ra sẽ làm da mịn và trắng; còn trộn với tỏi giã nát, bôi sẽ chữa khỏi vết rắn cắn. Dùng mào gà trống chưa thiến, hấp cách thủy hoặc luộc ăn, mỗi lần 2 cái, mỗi tháng 4-5 lần sẽ trị chứng bế (tắc) kinh, kinh nguyệt không đều.

TINH HOÀN GÀ

Tinh hoàn gà vị béo, tính bình, không độc, tác dụng ích khí bổ hư, dưỡng tinh huyết. Dùng dưới dạng xào với rau hẹ, hoa lý, giá đỗ hoặc luộc riêng, nấu cháo ăn, nó làm khỏe gân cơ, trị đau lưng, chữa yếu sinh lý.

LÔNG GÀ

Lông gà vị nhạt, tính bình, tác dụng ôn trung nhuận khí. Đem lông gà đốt thành than, tán bột mịn, rắc sẽ chữa mụn nhọt, ghẻ lở, chốc đầu; hòa vào nước hoặc rượu uống sẽ trị chứng hạ huyết, làm mạnh phần âm, chữa hóc xương, thận u cục (bôn đồn sán khí), phụ nữ viêm bàng quang, đái dắt, trẻ con khóc đêm.

Bài của Bảo Hoàn

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 2 năm 2017

 


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập179
  • Hôm nay53,647
  • Tháng hiện tại1,092,318
  • Tổng lượt truy cập3,797,522
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây