Hiệu quả từ các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung

Nhờ tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của Tứ Kỳ đã có sự phát triển tích cực, giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân.
Hiệu quả từ các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung

Về Tứ Kỳ trong những ngày đầu xuân năm mới này, khi trời còn mờ hơi sương, tại vùng sản xuất lúa tập trung ở thôn Nhân Lý, xã Tây Kỳ, huyện Tứ Kỳ đã nhộn nhịp tiếng máy bừa đất, tiếng các bà, các chị cấy lúa cười nói rộn rã. Người ra mạ, người bón phân, người cấy lúa tất bật, hối hả. Tay thoăn thoắt xuống mạ, bà Nguyễn Thị Mai ở xã Tây Kỳ có hơn 1 mẫu lúa Thiên Ưu 8 ở vùng sản xuất tập trung cho biết: “Sản xuất lúa theo mô hình này mang lại nhiều hiệu quả. Chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều thấp hơn trước đây rất nhiều. Việc thu hoạch cũng rất nhàn, mỗi vụ năng suất đạt hơn 2 tạ/sào”.

Vụ chiêm xuân năm nay, xã Tây Kỳ đã quy hoạch 4 vùng sản xuất tập trung với 47 ha, mỗi vùng từ 10 ha trở lên, chủ yếu là giống Thiên Ưu 8. Theo ông Nguyễn Kim Cheeng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Tây Kỳ cho biết: “Lợi ích của mô hình sản xuất tập trung rất thuận lợi cho áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc lúa như: tưới nước, bón phân, phun thuốc, đánh chuột đồng loạt hay biện pháp rút nước sau khi lúa thúc đẻ nhánh dễ dàng và đưa máy gặt vào thu hoạch rất thuận lợi, làm giảm chi phí sản xuất và cho năng suất rất cao. Các vùng sản xuất tập trung đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 1,5 - 2 lần so với sản xuất nhỏ lẻ. Ngoài ra, tham gia mô hình liên kết này, người nông dân còn được hỗ trợ về giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ cho biết:  Đến nay, 23/23 xã của huyện Tứ Kỳ đã xây dựng được vùng sản xuất lúa tập trung. Trung bình mỗi vụ sản xuất được 160 vùng tập trung, quy mô từ 10 ha/vùng trở lên. Các mô hình sản xuất tập trung, quy mô lớn có liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm ngày càng nhiều; đồng thời, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Ở những vùng này, năng suất lúa bình quân ước đạt từ 66 - 67 tạ/ha, cao hơn so với lúa đại trà từ 1 - 2 tạ/ha. Điển hình, như: mô hình sản xuất lúa hữu cơ gắn với bao tiêu sản phẩm tại vùng rươi, cáy xã An Thanh với diện tích 60 ha. Ngoài ra, nhiều xã thực hiện tốt quy vùng sản xuất lúa chất lượng cao như Tân Kỳ, Minh Đức...; vùng sản xuất rau màu vụ đông tập trung gắn với bao tiêu sản phẩm quy mô từ 5 ha trở lên tại xã Nguyên Giáp, Hà Thanh, Quảng nghiệp...Huyện lựa chọn 12 sản phẩm tham gia đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Hội đồng đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh đã đánh giá gạo bãi rươi của Công ty CP Nông nghiệp Thế hệ mới (Tứ Kỳ) là sản phẩm duy nhất của tỉnh xếp hạng 5 sao.

Cùng với việc phát triển các vùng sản xuất lúa tập trung, Tứ Kỳ đang tích cực nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại. Đồng thời, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung. Toàn huyện hiện có 138 vùng nuôi thủy sản tập trung với tổng diện tích hơn 911 ha. Mô hình nuôi cá ao nổi tại một số khu triều trũng canh tác kém hiệu quả được mở rộng tại các xã Tân Kỳ, Quảng Nghiệp, Quang Phục...Trong chăn nuôi, Tứ Kỳ chỉ đạo phát triển kinh tế trang trại, gia trại theo vùng đã được quy hoạch, tập trung tại các xã: Hưng Đạo, Đại Đồng, Kỳ Sơn, Đại Hợp...Toàn huyện có 20 trang trại nuôi gia cầm và 42 trang trại nuôi lợn.

Thực tế, hiệu quả lớn nhất từ việc xây dựng các vùng sản xuất tập trung mang lại là nông dân đã thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún chuyển sang sản xuất mô hình tập trung, tạo thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hoá trong khâu làm đất và thu hoạch, mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao trong thâm canh lúa, tăng thu nhập cho người nông dân. Việc quy vùng sản xuất tập trung không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các khâu sản xuất, công tác dịch vụ của HTX NN mà người nông dân còn được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về giống. Ngoài ra, việc canh tác theo hướng tập trung “một vùng, một giống, một thời gian” ngày càng được mở rộng, góp phần chuyển dịch sản xuất lúa theo hướng hàng hóa.

Việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa là cơ sở để Tứ Kỳ thực hiện phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nâng cao hiệu quả sản xuất trong những năm tới.

Bài của Trần Thị Yến, Đài Phát thanh huyện Tứ Kỳ

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 2 năm 2020


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập176
  • Hôm nay53,647
  • Tháng hiện tại1,092,293
  • Tổng lượt truy cập3,797,497
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây