Liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp xu hướng phát triển tất yếu

Chúng ta đã biết, cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử vào những năm từ 1929-1933 là cuộc khủng hoảng “thừa” của chủ nghĩa tư bản. Đó là hệ quả của việc sản xuất ồ ạt, không có kế hoạch, chạy đua theo lợi nhuận mà không tính đến nhu cầu của thị trường, dẫn đến sản xuất dư thừa phải đổ xuống sông, xuống biển gây thiệt hại rất lớn. Liên hệ với ngành nông nghiệp Việt Nam, trong nhiều năm trước đây cũng luôn gặp phải tình trạng được mùa rớt giá, còn được giá thì nông dân lại đổ xô vào sản xuất dẫn đến dư thừa, sản phẩm nông nghiệp làm ra không tiêu thụ được, thị trường nông sản bất ổn định.
Liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp xu hướng phát triển tất yếu

Trong những năm gần đây, khi nhận thức của người dân được nâng lên, trình độ tổ chức sản xuất trong nông nghiệp cũng phát triển đáng kể. Đây là xu thế tất yếu của sự phát triển quan hệ sản xuất phù hợp với lực lượng sản xuất. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với bao tiêu sản phẩm đã xuất hiện đáp ứng yêu cầu về năng suất và chất lượng của người sản xuất cũng như người tiêu dùng ngày một cao, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản hàng hóa trong xu thế hội nhập. Việc thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa của nhà nước đã có tác động tích cực trong việc đổi mới phương thức sản xuất từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu mang tính tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô sản xuất lớn. Ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp để giảm sức lao động, giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện cho phương thức sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi giá trị phát triển. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị vẫn còn là khái niệm khá mới mẻ với nhiều người, chúng ta có thể hiểu một cách giản đơn đó là sự liên kết chặt chẽ giữa nhiều khâu, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm và khi đi qua mỗi khâu đó giá trị thuần túy của sản phẩm lại được nâng lên đáng kể.

Tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi giá trị giúp người nông dân có sự yên tâm về thị trường đầu ra cho sản phẩm, từ đó định hướng sản xuất theo kế hoạch, bám sát với nhu cầu của thị trường tiêu thụ, tránh được tình trạng được mùa rớt giá và được giá thì mất mùa như trước đây. Tham gia chuỗi liên kết giá trị giúp người nông dân nâng cao thu nhập một cách ổn định, từ đó có định hướng đầu tư vào công nghệ, tìm hiểu kỹ thuật mới, giống mới  nhằm nâng cao năng suất, chất lượng an toàn của sản phẩm. Đối với nhà phân phối khi tham gia quá trình liên kết giúp nhà phân phối ổn định được giá và sản lượng sản phẩm đầu vào, kiểm soát được chất lượng và sự an toàn của sản phẩm, từ đó nâng cao được uy tín của nhà phân phối, là điều kiện để chiếm lĩnh khách hàng và mở rộng thị trường, mở rộng quy mô thương mại.

Tại Hải Dương, trong những năm gần đây, với chính sách của tỉnh nhằm phát triển các vùng sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, các mô hình sản xuất liên kết chuỗi giá trị đã xuất hiện. Đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất rau màu, có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, sản xuất rau an toàn trong nhà màng, nhà lưới và áp dụng phương pháp quản lý theo tiêu chuẩn VietGap đã đưa được sản phẩm vào hệ thống siêu thị có uy tín như Big C, Vinmart…

Trong hoạt động khoa học và công nghệ tỉnh Hải Dương những năm gần đây bước đầu đã có sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”, nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp, gắn hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ với nhu cầu của thị trường và đặt hàng nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật của các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhiều dự án, đề tài ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, dự án sản xuất thử nghiệm, nhân rộng các kết quả nghiên cứu đã được các doanh nghiệp quan tâm và ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm như: Dự án: Xây dựng vùng sản xuất lúa giống mới giá trị cao gắn với tiêu thụ sản phẩm, do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm thực hiện; đề tài: Xây dựng mô hình trình diễn sản xuất lúa theo nguyên tắc sản xuất hữu cơ do Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện; mô hình trồng cam, ổi theo tiêu chuẩn VietGap; mô hình trồng cà chua ghép trên gốc cà tím; đề tài ứng dụng công nghệ sản xuất quanh năm giống rau mới chất lượng cao; mô hình VietGAP nuôi cá rô phi thương phẩm đạt an toàn vệ sinh thực phẩm theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm…

Từ kết quả các đề tài dự án, khoa học và công nghệ nhiều địa phương đã xây dựng liên kết sản xuất theo mô hình hợp tác xã, câu lạc bộ, có quy chế hoạt động chặt chẽ nhằm tổ chức sản xuất có kế hoạch và liên kết với các nhà phân phối để định hướng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm. Nhiều hộ dân sản xuất với quy mô lớn đã có sự quan tâm, tự tìm kiếm nhà phân phối để thực hiện mô hình liên kết như vùng sản xuất Cà rốt xuất khẩu tại các vùng đồng bãi thuộc huyện Cẩm Giàng, Nam Sách; mô hình sản xuất ngô ngọt, khoai lang ngọt xuất khẩu tại huyện Ninh Giang, mô hình sản xuất rau màu, lúa chất lượng cao tại huyện Gia Lộc, Thanh Miện… Đây cũng là hướng đi đúng đắn trong sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay góp phần cho sự phát triển một nền nông nghiệp bền vững.

Điều kiện để các hộ dân tham gia vào mô hình liên kết chuỗi giá trị và trở thành đơn vị sản xuất nông sản hàng hóa đòi hỏi người nông dân phải có nhận thức tiến bộ, thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư về công nghệ, đầu tư về giống mới năng suất, chất lượng và đặc biệt là sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy tình kỹ thuật, kế hoạch sản xuất đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ sản phẩm như tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP… bên cạnh đó nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ của nhà nước trong việc tìm kiếm các nhà phân phối, doanh nghiệp thực hiện khâu chế biến, bảo quản. Xây dựng cơ chế, chính sách ràng buộc người nông dân và doanh nghiệp thu mua, chế biến để tránh tình trạng phá vỡ hợp đồng gây tổn thất cho người dân và doanh nghiệp.

Bài của Xuân Dương

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6 ra tháng 12 năm 2017


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập190
  • Hôm nay53,647
  • Tháng hiện tại1,081,828
  • Tổng lượt truy cập3,787,032
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây