Hải Dương: Xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020

Sau 9 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới bộ mặt nông thôn tỉnh Hải Dương đã đổi mới rõ nét, các công trình xây dựng khang trang và ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Hải Dương:  Xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới  giai đoạn 2010 - 2020

Hệ thống giao thông nông thôn cơ bản đồng bộ, kết nối thông suốt từ các tuyến đường thôn, đường xã đến quốc lộ, tỉnh lộ, đáp ứng nhu cầu vận chuyển nông sản của các doanh nghiệp, trang trại và nông dân. Hệ thống trường học các cấp được đầu tư xây dựng, nâng cấp, chất lượng giáo dục của các địa phương ngày càng nâng cao. Hệ thống các cơ sở y tế được chú trọng hoàn thiện, đảm bảo chất lượng trong khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhiều nhà máy xử lý rác thải đã và đang được xây dựng, hỗ trợ có hiệu quả cho các bãi rác thải tập trung đã quá tải và gây ô nhiễm môi trường. Sản xuất nông nghiệp đã chuyển dịch theo hướng tích cực, hoàn thành tốt Đề án dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng. Đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn có giá trị kinh tế cao; hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm có chất lượng. Thu nhập của nông dân được nâng lên, đời sống của người dân nông thôn cải thiện rõ rệt, an ninh trật tự an toàn xã hội nông thôn được củng cố.

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa 10 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Tỉnh ủy Hải Dương đã xác định phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong đó xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt; vì vậy từ Đại hội XV Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2010-2015) đến Đại hội XVI (nhiệm kỳ 2015-2020), bên cạnh công tác xây dựng Đảng là then chốt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung lãnh đạo chỉ đạo. Trong thời gian 9 năm, tỉnh Hải Dương đã hỗ trợ 201 xã, thành tiền 1.434 tỷ đồng, có 6 huyện được hỗ trợ với số tiền là 120 tỷ đồng (mức hỗ trợ 20 tỷ đồng/huyện); hỗ trợ 838.829 tấn xi măng, thành tiền 965 tỷ đồng. Tổng cộng kinh phí đã hỗ trợ đặc thù của tỉnh giai đoạn 2011-2019: 2.519 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2011-2019, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh đã tổ chức tổng cộng khoảng 50 lớp tập huấn ở tỉnh và các huyện, thành phố.Ban chỉ đạo tỉnh đã phát động phong trào thi đua "Làm theo gương Bác thi đua đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới" và hưởng ứng phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"; cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới". Kết quả đến nay, toàn tỉnh có 100% số thôn, khu dân cư có nhà văn hóa; có 93,3% số làng, khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa; có 88,6% số gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.

Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 6.000 ha lúa và rau màu sản xuất tập trung với quy mô từ 5 ha trở lên. Trong đó lúa 4.800 ha, rau 1.200 ha. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được đầu tư mở rộng. Đến nay đã có 20 ha nhà màng, nhà lưới, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ được 15 ha. Các vùng sản xuất chuyên canh theo sản phẩm đặc thù của từng địa phương như rau vụ đông (Gia Lộc, Kim Thành, Nam Sách), cà rốt (Cẩm Giàng), hành tỏi (Kinh Môn), vải thiều (Thanh Hà)...được đầu tư phát triển.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn cũng được người dân quan tâm đầu tư và áp dụng rộng rãi trong trồng trọt và chăn nuôi. Đến hết năm 2018, toàn tỉnh đã có gần 553 ha rau màu, cây ăn quả được cấp giấy chứng nhận VietGAP, gần 8.000 ha sản xuất theo quy trình VietGAP; 48 cơ sở chăn nuôi tập trung được cấp chứng nhận VietGAP và có khoảng trên 1.100 hộ chăn nuôi được tập huấn kỹ thuật sản xuất theo VietGAP. Bên cạnh đó, người dân đã bước đầu chủ động thực hiện các biện pháp để truy xuất nguồn gốc nông sản, gắn trách nhiệm, quyền lợi của người sản xuất với người tiêu dùng.

Trên cơ sở sản xuất sản phẩm an toàn, các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ được hình thành nhằm tránh được vòng luẩn quẩn được mùa, mất giá đã tồn tại bấy lâu. Hiện toàn tỉnh đã xây dựng được 37 chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, đây là tín hiệu khả quan để sắp xếp lại cơ cấu tổ chức trong sản xuất, phân phối và tiêu thụ nông sản.

Giai đoạntừ năm2011 -2019 toàn tỉnh đã huy động được44.422,5 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 8.285,6 tỷ đồng, chiếm 18,7%; Nguồn vốn lồng ghép 1.998,4 tỷ đồng, chiếm 4,5% (từ các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn nông thôn tỉnh); Nguồn vốn tín dụng 24.257 tỷ đồng, chiếm 54,6% (do người dân, chủ trang trại, các doanh nghiệp đã huy động để đầu tư phát triển sản xuất); Nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp 4.427,2 tỷ đồng, chiếm 10,0%, chủ yếu các doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp, cơ sở chế biến tiêu thụ nông sản đầu tư vào khu vực nông thôn.Nguồn vốn nhân dân đóng góp 5.069,3 tỷ đồng, chiếm 11,4%, gồm: bằng tiền 3.689,1 tỷ đồng; ngày công lao động 5.190.000 công, tương đương 556,5 tỷ đồng; hiến 901.000 m2 đất vườn, đất ở, tương đương 553,3 tỷ đồng và 3.805.000 m2 đất ruộng, tương đương 222,6 tỷ đồng; kinh phí tháo dỡ các công trình như tường rào, cổng, công trình phụ và xây dựng lại phục vụ cho việc hiến đất 47,8 tỷ đồng. Nguồn vốn tài trợ, ủng hộ 385 tỷ đồng, chiếm 0,8%.

Trong 9 năm qua, người dân trong cộng đồng đã có nhiều cố gắng, nhiệt tình đóng góp tổng cộng: 5.069,3 tỷ đồng, gồm: bằng tiền 3.689,1 tỷ đồng; ngày công lao động 5.190.000 công, tương đương 556,5 tỷ đồng; hiến 901.000 m2 đất vườn, đất ở, tương đương 553,3 tỷ đồng và 3.805.000 m2 đất ruộng, tương đương 222,6 tỷ đồng; kinh phí tháo dỡ các công trình như tường rào, cổng, công trình phụ và xây dựng lại phục vụ cho việc hiến đất 47,8 tỷ đồng. Nhiều nhà hảo tâm, con em quê hương thành đạt đã tài trợ, ủng hộ 358 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đã đầu tư vào khu vực nông thôn 4.427,2 tỷ đồng.

Kết quả xây dựng nông thôn mới của Hải Dương đã vượt mục tiêu đề ra (vượt kế hoạch trước hơn 1 năm): kế hoạch giao đến cuối năm 2020 tỉnh Hải Dương có 80% trở lên số xã trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới và có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới hoặc thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến nay bình quân mỗi xã trong tỉnhđạt 18,65 tiêu chí. Có 191/220 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 86,8%. Dự kiến đến cuối năm có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 201/220 xã, đạt 91,4%; có khoảng 5 - 10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Có 3 huyện, thành phố đã về đích nông thôn mới cấp huyện. Hiện nay 4 huyện gồm Nam Sách, Gia Lộc, Thanh Miện, Bình Giang và TP.Hải Dương đang đề nghị Trung ương thẩm định. Dự kiến đến cuối năm có 8 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.Thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt 42,8 triệu đồng/người/năm, tăng 14,2 triệu đồng/người/năm so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 2,53%. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế năm 2019 đạt 91%, tăng 15% so với năm 2015.So sánh với xuất phát điểm năm 2011,toàn tỉnh đạt bình quân 6,7 tiêu chí/xã, xã đạt tiêu chí cao nhất 14 tiêu chí. Đến 31/12/2015 toàn tỉnh đạt bình quân 14,2 tiêu chí/xã. Có 46/226 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 20,3%.

Ngày 26/10/2018 UBND tỉnhban hành Quyết định số 3958/QĐ-UBND về việc quy định cụ thể Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Dự kiến đến cuối năm 2019 có khoảng 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đến cuối năm 2020 có khoảng 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Từ nay đến năm 2020 có 19 xã còn lại của 4 huyện trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã về đích nông thôn mới 220/220 xã, đạt 100%.4 huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ, Thanh Hà,Kim Thành đạt chuẩn huyện nông thôn mới, nâng tổng số huyện, thành phố về đích nông thôn mới 12/12, đạt 100%.Có từ 10 xã trở lên được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.Có khoảng 10 sản phẩm trở lên được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Phấn đấu đến trước ngày 31/12/2021 hoàn thành hồ sơ thủ tục, quy trình các bước đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới: 20% số xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao; 10% số xã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu; Có ít nhất 2 huyện được công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu; Thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thônđạt 55 triệu đồng trở lên; Tỷlệ hộ nghèokhu vực nông thôncòn dưới 1%; Tỷ lệ người dânkhu vực nông thôn tham gia BHYTđạt từ 92% trở lên; Tỷ lệ hộ dân khu vực nông thônđược sử dụng nước sạchđạt 99%. Đến năm 2030có 60% số xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao; có 30% số xã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu; Có ít nhất 4 huyện được công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu; Thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thônđạt 70 triệu đồng trở lên; Tỷlệ hộ nghèocòn dưới 0,5%; Tỷ lệ người dân khu vực nông thôn tham gia BHYTđạt từ 95% trở lên; Tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạchđạt 100%.Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Bài của Trần Thị Lan Anh, Trường Chính trị tỉnh Hải Dương

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6 ra tháng 12 năm 2019

 

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây