Từ năm 2019 - 2020, Trung tâm Tư vấn, Bồi dưỡng và Phát triển khoa học công nghệ (Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương) thực hiện dự án phát triển mô hình chăn nuôi bò thịt quy mô nông hộ trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Dự án nhằm xây dựngmô hình chăn nuôi bò thịt cao sản, chất lượng được tạo ra từ bò cái nền sinh sản Lai Zebu phối với các giống chuyên dụng Brahman, Drought Master, Red Angus trên địa bàn tỉnh Hải Dương; Ứng dụng thành công kỹ thuật động dục đồng loạt giải quyết tình trạng chậm sinh trong đàn bò của tỉnh; Giúp các hộ chăn nuôi làm chủ kỹ thuật vỗ béo bê lai hướng thịt kết hợp sử dụng thức ăn tự phối trộn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.
Dự án thực hiện ở 25 xã tại: huyện Kim Thành, Thanh Hà, Ninh Giang, Nam Sách và thị xã Kinh Môn. Dự án đã sử dụng 800 liều tinh để phối giống cho 500 con bò cái của 251 hộ. Số bò có chửa đạt 500 con, tỷ lệ thụ thai của bò đạt 62,5%. Trong đó, huyện Nam Sách và thị xã Kinh Môn có tỷ lệ bò cái thụ thai cao nhất, đạt 63,04%, hệ số phối giống đạt 1,59 liều cho 1 bò cái có chửa.
Trong 3 giống bò được sử dụng tinh dịch để phối giống, bò Brahman và Drought Master sử dụng 320 liều mỗi giống, bò Red Angus sử dụng 160 liều. Kết quả cho biết tinh bò Drought Master cho tỷ lệ thụ thai cao nhất 63,44%, sau đó đến tỷ lệ thụ thai khi sử dụng tinh bò Brahman trong dự án đạt 62,19% và tỷ lệ thụ thai khi sử dụng tinh bò Red Angus đạt 61,25%. Kết quả phối giống thấp nhất khi sử dụng tinh bò Drought Master với 1,58 liều/con có chửa và cao nhất khi sử dụng tinh bò Red Angus với hệ số phối giống đạt 1,63 liều/con có chửa.
Tỷ lệ bò đậu thai chung tại các địa phương tham gia dự án đạt từ 61,9% đến 63,04%. Hệ số phối giống biến động từ 1,59 liều cho 1 bò có chửa ở huyện Nam Sách và thị xã Kinh Môn, đến 1,62 liều cho 1 bò có chửa ở huyện Thanh Hà và Ninh Giang, đàn bò được phối giống tốt, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tốt. So với kết quả của đề tài: “Xây dựng mô hình chăn nuôi bò lai hướng thịt chất lượng cao phù hợp với điều kiện tỉnh Hải Dương” thực hiện từ năm 2015 - 2016 tại Hải Dương thì kết quả phối giống có chửa của dự án thấp hơn từ 22,75% đến 23,22%, do đề tài thực hiện quy mô nhỏ, bò được chọn số lượng ít và chọn kỹ hơn, thực hiện hỗ trợ theo dõi động dục và phối giống tốt hơn trong điều kiện của dự án.
Trong 500 bò cái được chọn đưa vào thực hiện phối giống 2 lần (lần 1 phối chửa cho 200 con và lần 2 chửa 300 bò cái), sử dụng loại tinh dịch của giống bò đực Red Angus phối ở 2 huyện, còn tinh dịch bò Drought Master và Brahman được phối ở 5 huyện. Với tinh dịch bò Red Angus được phối giống ở Thị xã Kinh Môn và Kim Thành với 160 liều cho 98 bò được phối giống và có chửa; tinh dịch bò Drought Master tổng số 320 liều và được phối giống và có chửa cho 203 bò cái; tinh dịch bò Brahman sử dụng 320 liều phối giống và có chửa cho 199 bò cái. Dự án đã sử dụng và phối giống hết 800 liều tinh của 3 giống bò đực Red Angus, Drought Master và Brahman và phối giống đủ cho 500 bò cái sinh sản được chọn phối giống ở 5 huyện được chọn tham gia dự án.
Toàn bộ 500 bò cái sinh sản được chọn đều được phối giống huyện Kim Thành đạt 183 bò chửa, huyện Ninh Giang đạt 117 bò chửa, thị xã Kinh Môn đạt 116 bò chửa; huyện Nam Sách có 58 bò chửa và ở huyện Thanh Hà có 26 bò chửa. Tỷ lệ bò đẻ thành công đạt 90%. Tỷ lệ bò cái sinh sản của các huyện Nam Sách, huyện Kim Thành và thị xã Kinh Môn đạt từ 92,35% - 93,1%. Bò cái sinh sản ở huyện Ninh Giang và huyện Thanh Hà có tỷ lệ đẻ thành công đạt 86,32% bê khỏe mạnh; còn bò cái sinh sản của dự án ở huyện Thanh Hà tỷ lệ bê sinh thành công, khỏe mạnh chỉ đạt 69,23%.
Các giống bò đực sử dụng, các bò cái sinh sản phối tinh bò Red Angus có tỷ lệ bê sơ sinh sống đạt 92,86% và chỉ có 7,14% bò bị sảy thai, đẻ non, thai lưu, hoặc bê bị chết do yếu, ngạt. Bò cái phối tinh bò Drought Master có tỷ lệ sinh bê thành công thấp hơn đạt 91,13% và có 8,87% bò bị sảy thai, đẻ non, hoặc bê chết sau sinh do yếu hoặt ngạt. Nhóm bò cái sinh sản mang thai do phối với tinh bò Brahman có tỷ lệ đẻ thành công đạt thấp nhất 87,44% và tỷ lệ sảy thai, đẻ non, bê chết sau sinh cao nhất 12,56% so với các nhóm bò phối với tinh bò Red Angus và bò Drought Master.
Đàn bê sinh ra được kiểm tra thể trạng sức khỏe, ngoại hình và khối lượng sơ sinh, khối lượng 1 tháng và 3 tháng. Khối lượng cơ thể sơ sinh trung bình đạt 27,91 kg/con; trong đó nhóm bê lai Red Angus có khối lượng cơ thể sơ sinh trung bình cao nhất đạt 28,14 kg/con, sau đó đến nhóm bê lai Brahman đạt trung bình 27,90 kg/con, nhóm bê lai Drought Master đạt trung bình 27,74 kg/con. Khối lượng sơ sinh của đàn bê lai trong dự án từ các nhóm giống khác nhau khác nhau có ý nghĩa thống kê rõ rệt P < 0,05.
Sau 1 tháng tuổi khối lượng cơ thể trung bình của đàn bê lai của dự án đạt 49,27 kg/con; với nhóm bê lai Drought Master có khối lượng cơ thể cao nhất đạt trung bình 52,57 kg/con, sau đó là bê lai Red Angus đạt trung bình 52,08 kg/con và thấp nhất là nhóm bê lai Brahman đạt trung bình 44,33 kg/con.
Đến 3 tháng tuổi, khối lượng cơ thể của đàn bê cho biết, khối lượng cơ thể cao nhất ở nhóm bê lai Drought Master trung bình đạt 102,24 kg/con, nhóm bê lai Red Angus đạt trung bình 99,96 kg/con và nhóm bê lai Brahman đạt trung bình 77,18 kg/con, khối lượng cơ thể trung bình của toàn đàn đạt 91,99 kg/con.
Khối lượng sơ sinh của bê lai Brahman của dự án thấp so với đề tài 0,51 kg/con; khối lượng sơ sinh của bê lai Drought Master trong dự án thấp hơn so với đề tài 0,23 kg/con. Đến 3 tháng tuổi, đàn bê lai Drought Master của dự án tăng cao hơn hẳn so với kết quả của đề tài 14,52 kg/con; con lai Red Angus thấp hơn một chút con lai Drought Master 99,96 kg/con. Nguyên nhân là do chất lượng của bò đực giống tốt hơn trước, trình độ chăm sóc của người chăn nuôi đã được nâng cao, các tiến bộ mới về dinh dưỡng thức ăn của dự án được áp dụng mạnh mẽ.
Sau 3 tháng tuổi nhóm bê lai Drought Master tăng trung bình đạt 74,51 kg/con, sau đó đến nhóm bê lai Red Augus 71,82 kg/con và nhóm bê lai Brahman tăng được 49,28 kg/con; trung bình toàn đàn của dự án tăng được 64,08 kg/con. Tăng khối lượng cơ thể hàng ngày của đàn bê cho biết nhóm bê lai Drought Master đạt cao nhất trung bình được 0,828 kg/con/ngày; nhóm bê lai Red Angus tăng trọng hàng ngày đạt 0,798 kg/con/ngày và nhóm bê lai Brahman đạt trung bình 0,548 kg/con/ngày; trung bình toàn dự án tốc độ tăng trọng hàng ngày của đàn bê lai đạt 0,712 kg/con/ngày. Đàn bê con được theo dõi sức khỏe trong tháng đầu được đánh giá toàn bộ, các bệnh bê mắc là bệnh tiêu chảy mắc 21 bê, chiếm 4,67% trong đàn và chiếm 65,63% trong nhóm bê mắc bệnh; tiếp sau đó đến bê bị viêm phổi, đường hô hấp có 7 bê mắc, chiếm 1,56% trong đàn và 21,88% trong nhóm bê mắc bệnh, tỷ lệ mắc bệnh của đàn bê khá thấp do công tác chuẩn bị, thực hiện hướng dẫn kỹ thuật, tập huấn tốt, người chăn nuôi thấu hiểu kiến thức, tầm quan trong về thú y sức khỏe đàn bê của gia đình.
Qua đó cho thấy nhóm bê lai Brahman, Drought Master và Red Angus đều thích hợp để phát triển mở rộng trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Nhóm bê lai Red Angus và Drought Master có thể mở rộng ở các loại hình chăn nuôi có trình độ thâm canh cao, mức độ đầu tư tốt và áp dụng các kiến thức phù hợp để phát huy tốt nhất hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Với nhóm bê lai Brahman có thể phát triển mạnh ở các loại hình chăn nuôi đại trà, các cơ sở chăn nuôi có mức độ đầu tư vừa phải và áp dụng các kiến thức phổ cập để thúc đẩy chăn nuôi bò thịt ở các địa phương đang phát triển.
Bài của Hoàng Thị Thục
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6 ra tháng 12 năm 2021.