Đến năm 2023, Hải Dương ghi nhận tổng vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng vượt bậc, đạt 1,136 tỷ USD, tăng 3,1 lần so với năm trước. Năm 2024, trong Quý I, Hải Dương đã thu hút được 48,7 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Tổng vốn đầu tư quý I/2024 đạt khoảng 250 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ, nâng tổng vốn đầu tư thực hiện của doanh nghiệp FDI trên địa bàn đạt khoảng 8.770 triệu USD. Vốn FDI đã làm tăng hàm lượng giá trị gia tăng, thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, đa dạng hóa các nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động và mở rộng thị trường trong nước và tăng trưởng xuất khẩu.
Từ năm 2023 đến nay, được sự cho phép của UBND tỉnh, Viện Kinh tế và Phát triển (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã thực hiện đề tài nghiên cứu Đánh giá tác động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tới phát triển kinh tế - xã hội và đề xuất các giải pháp thu hút FDI trên địa bàn tỉnh Hải Dương do tiến sỹ Lê Phương Nam làm chủ nhiệm nhằm đánh giá tác động của FDI tới phát triển kinh tế - xã hội; Phân tích được các nhân tố ảnh hưởng tới việc thu hút FDI và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút FDI trên địa bàn tỉnh Hải Dương trong giai đoạn 2025 - 2030.
Giai đoạn 2020 - 2022, thu hút FDI theo giá so sánh của tỉnh Hải Dương có xu hướng giảm, từ 14.241 tỷ đồng xuống còn 7.692 tỷ đồng. Tổng số dự án FDI đăng kí mới cũng có xu hướng giảm, từ 36 dự án năm 2020 xuống còn 17 dự án năm 2021 và 19 dự án đăng kí mới năm 2022. Tổng số vốn đăng kí cũng có xu hướng giảm trong cùng kỳ từ 184,7 triệu USD năm 2020 xuống còn 110,9 triệu USD năm 2021 và 60,8 triệu USD trong năm 2022. Riêng tổng số vốn thực hiện mặc dù giảm mạnh trong năm 2021 từ 880 triệu USD năm 2020 xuống còn 716 triệu năm 2021 nhưng đã phục hồi trở lại vào năm 2022 với 750 triệu USD. Các dự án FDI hầu như tập trung chủ yếu vào công nghiệp chế biến, chế tạo, điện và điện tử với 14/17 dự án năm 2021 và 18/19 dự án năm 2022.
Đến năm 2022 chỉ thu hút được 01 dự án FDI vào lĩnh vực bán buôn bán lẻ với tổng số vốn đăng kí chỉ 0,2 triệu USD. Thu hút FDI trong giai đoạn này của tỉnh không có sự đa dạng và đột phá, tập trung trong một lĩnh vực nhất định. Năm 2022, các dự án đã tăng vốn từ 30 - 400 triệu USD, quy mô sản phẩm cũng được cải thiện đáng kể. Các dự án đầu tư trên địa bàn chủ yếu dự án quy mô nhỏ và vừa, dự án quy mô lớn còn hạn chế. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện đạt thấp so với tổng vốn đầu tư đăng ký (khoảng 54%).
Trong số các quốc gia tới đầu tư tại Hải Dương, Trung Quốc là nước chiếm tỷ trọng cao nhất với số lượng dự án được cấp phép mới trong năm 2021 lên tới 13/17 dự án, chiếm tới hơn 95% tổng vốn đăng kí. Tính đến hết 2022, Trung Quốc chiếm tới hơn 60% tổng vốn đăng kí FDI của tỉnh Hải Dương, Nhật Bản chiếm 16,01%; Hàn Quốc 14,63%... Đầu tư từ các nước phát triển, tập đoàn lớn vào địa bàn còn khiêm tốn, chủ yếu thu hút từ các nước châu Á.
Về lĩnh vực thu hút đầu tư, đến năm 2022, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới 442/490 dự án được cấp phép, các ngành còn lại chỉ có chưa tới 10 dự án, riêng hoạt động kinh doanh bất động sản có 17 dự án. Ngành nông nghiệp chỉ có 3 dự án với quy mô vốn chỉ 1,6 triệu USD thấp nhất trong tất cả các ngành kinh tế thu hút FDI của tỉnh. Hiệu quả thu hút FDI trên địa bàn tỉnh chưa cao, định hướng FDI theo ngành còn hạn chế: FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa thấp; giá trị xuất khẩu thực hiện theo hình thức gia công; tập trung nhiều vào ngành sử dụngnhiều lao động, tài nguyên; các ngành sử dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng chưa nhiều; công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng yêu cầu; đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp còn thấp; số dự án đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng còn ít.
Trong giai đoạn 2020 - 2022, tỉnh Hải Dương đã có nhiều chính sách thu hút FDI, cùng với việc tuân thủ chặt chẽ quy định, pháp luật của nhà nước về thu hút đầu tư nước ngoài, tỉnh Hải Dương cũng đã có những văn bản chính sách riêng, định hướng phát triển cho các doanh nghiệp FDI, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hiệu quả để mời gọi các nhà đầu tư mới. Các hoạt động xúc tiến đầu tư được triển khai dựa trên 08 nhóm vấn đề chính với các hoạt động cụ thể để tăng cường trao đổi, tiếp cận với nhà đầu tư. Kết quả của việc thực hiện các chính sách thu hút đầu tư FDI đã được minh chứng thông qua kết quả khảo sát các đối tượng khác nhau, bao gồm cả các cán bộ địa phương và bản thân các doanh nghiệp FDI. Tổng số vốn FDI thực hiện có xu hướng tăng qua các năm và một số lĩnh vực thu hút được mở rộng.
Ngoài những kết quả đạt được như công tác quản lý vốn đầu tư FDI của tỉnh được thực hiện tốt, vẫn cồn một số tồn tại bao gồm: Chồng théo tại quy định của Luật BVMT và luật đầu tư; một số nội dung của luật BVMT và luật đầu tư chưa thống nhất liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường; Thiếu cơ chế phù hợp cho việc quản lý 1 cửa đầu mối của BQL các KCN; Cơ chế cấp quyền cho các BQL các KCN được truy cập vào cổng dịch vụ công quốc gia; chức năng nhiệm vụ của BQL các KCN mâu thuẫn với luật lao động; Tồn tại về quy định tiêu chuẩn, vị trí việc làm đối với lao động nước ngoài; Thu hút đầu tư FDI vào ngành nông nghiệp còn hạn chế; Các chính sách cho thu hút FDI hiện nay của tỉnh còn chưa thực sự hoàn thiện bao gồm: Quy định về phe duyệt, cấp mới giấy phép đầu tư đối với quy mô sản phẩm là bán thành phẩm hay thành phẩm; Vấn đề thủ tục giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư thứ cấp tại các KCN; Vấn đề đăng tải thông tin về môi trường cho các doanh nghiệp FDI đối với các đơn vị là công ty con, không có website riêng; Các quy định về tiêu chí tuyển dụng lao động nước ngoài.
Vốn FDI tác động tích cực tới phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Hải Dương, đặc biệt là đối với ngành công nghiệp và dịch vụ. Dòng vốn FDI hiện không chỉ làm tăng quy mô vốn, việc làm mà còn cải thiện cả năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh Hải Dương. Việc làm được tạo ra từ hoạt động của các doanh nghiệp FDI cũng giúpngười lao động và các hộ dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Dòng vốn FDI chưa thể giúp tỉnh Hải Dương đạt được chỉ tiêu về tăng trưởng như đã đề ra trong Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2020 - 2025 (trung bình 9%/năm). FDI mới chỉ góp phần giúp GRDP toàn tỉnh năm 2022 đã đạt 98,919 tỷ với tốc độ tăng trưởng năm 2020 là 2,1%; 2021 là 8,6% và 2022 là 9%. Tăng trưởng GRDP/người giai đoạn 2020 - 2022 mặc dù nhanh nhưng mới chỉ đạt 86,9 triệu đồng/năm, thấp hơn so với chỉ tiêu được đề ra trong Nghị Quyết là 115 triệu đồng/năm (Chỉ tiêu số 01).
Về lao động việc làm, dòng vốn FDI đã tạo một khối lượng việc làm đáng kể cho tỉnh hải Dương, lao động trong khu vực FDI đã tăng từ 138.113 người năm 2020 lên 183.928 người trong năm 2022. Đa số các lao động khi tham gia các doanh nghiệp FDI đều được bố trí công việc phù hợp với vị trí tuyển dụng, có môi trường làm việc tốt, thu nhập cao và được đào tạo nâng cao tay nghề.
Tỉnh Hải Dương phải chịu sức ép cạnh tranh, ít dự án quy mô lớn được triển khai trên địa bàn tỉnh. Các đối tác đầu tư từ lâu cũng quen với việc đặt trụ sở tại các tỉnh lân cận Hải Dương nên khó thu hút được các đối tác này chuyển dịch sang Hải Dương.
Sự tập trung của đối tác Trung Quốc trong số các dự án của tỉnh Hải Dương là một điển hình. Thị trường lao động của tỉnh chưa hoàn thiện và đầy đủ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp FDI. nguồn nhân lực trong tỉnh Hải Dương có giới hạn, doanh nghiệp đã đi nhiều tỉnh thành phố lân cận để tuyển dụng nhưng cũng luôn ở tình trạng thiếu lao động. Môi trường đầu tư, được phản ánh thống qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Chỉ số PCI của tỉnh Hải Dương mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng sự cải thiện còn chậm và không đồng đều. Xếp hạng PCI của tỉnh còn ở mức thấp, một số chỉ số bị giảm điểm hoặc không được cải thiện như chỉ số gia nhập thị trường; chỉ số về đào tạo lao động; chỉ số tính minh bạch; chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp.
Năm 2022, chỉ số PCI của tỉnh Hải Dương đạt 65,22 điểm, giảm 2,43 điểm (-2,43 điểm) so với năm 2021. Xếp hạng PCI của tỉnh đứng thứ 32 trong cả nước (giảm 19 bậc) so với năm 2021. So với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng, xếp hạng của Hải Dương đứng thứ 9/11 tỉnh, giảm 4 bậc so với năm 2021. Nguyên nhân của việc giảm điểm được các lãnh đạo tỉnh nhìn nhận là do tỉnh chưa nhận diện, xác định được các nội dung công việc có tính đột phá, có tính lan tỏa nhằm tạo chuyển biến rõ nét môi trường đầu tư kinh doanh. Còn thiếu đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu, có kinh nghiệm hiểu biết về môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh; có năng lực tham mưu tốt. Công tác tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở cấp sở, ngành, địa phương, một số việc còn chậm, bị động, thiếu quyết liệt; chưa gắn được trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút FDI trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2025 - 2030
Để tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ 06 nhóm giải pháp bao gồm: (1) Nhóm giải pháp về cải thiện cơ sở hạ tầng; (2) nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư trực tiếp; (3) nhóm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động; (4) nhóm giải pháp về thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh; (5) nhóm giải pháp về hoàn thiện hệ thống dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh; (6) Nhóm giải pháp hoàn thiện công tác tổ chức quản lý.
Bài của Lê Thị Thảo
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 6 năm 2024