45năm rồi nhưng nhiều người dân xóm tôi vẫn không quên những ngày Tháng Tư năm ấy. Ngày đó, các phương tiện thông tin đại chúng chưa có nhiều như bây giờ. Cả xóm tôi chỉ có một cái đài Hung-ga-ri nhãn “Orionton” của ông cán bộ huyện; còn báo thì ngoại trừ hai tờ báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân và báo địa phương tôi mượn đem về vào mỗi chiều thứ bảy, không ai có báo nữa. Và thế là ngôi nhà xây luồn gianh - tường gạch, mái rạ của ông cán bộ huyện cứ như một “trung tâm” thông tin của xóm với một cái đài và vài tờ báo.
Dưới ánh đèn dầu, từ người già đến trẻ nhỏ ngồi chăm chú nghe đài hoặc chuyền tay nhau những tờ báo. Ai cũng hồi hộp như các chiến sĩ giải phóng quân với bước đi “thần tốc” mỗi ngày tiến sát Sài Gòn, qua các bản tin và tấm bản đồ in các mũi tiến công vào từng cứ điểm của địch.
- Đoàn X. hả?. Ông bác tôi hỏi - Thế nào thằng út nhà tôi cũng trong mũi đến Xuân Hoà rồi! Thư trước nó bảo ở B...mà.
- Còn B3 là ở đâu? Bà thím tôi mắt đã mờ vẫn rờ tay, lần tờ báo tôi đang cầm, hỏi - Thằng em mày nói là ở cái B gì ấy...
- Thế thì bản đồ không vẽ chỗ ấy thím ạ - Tôi thưa - Nhưng cháu tin là em cháu cũng trong đoàn quân chiến thắng trở về, vì đang Tổng tiến công mà thím...
Bỗng nước mắt thím tôi giàn giụa:
- Chắc gì thím đã sống được đến ngày em trở về.
- Được chứ ạ! Tôi an ủi thím - Giải phóng đến nơi rồi thím ơi!
Cứ thế...Cả Tháng Tư năm ấy, thứ bảy, chủ nhật nào, nhà ông cán bộ huyện ở xóm tôi cũng vui như hội.
Rồi một hôm chẳng phải là ngày nghỉ, mượn được tờ báo đưa tin trưa 30/4/1975 cờ của Mặt trận giải phóng đã cắm trên Dinh Độc Lập, tôi phóng về nhà thì đã thấy bà con trong xóm xúm xít quanh chiếc đài bán dẫn của ông cán bộ huyện. Thím tôi cười mà nước mắt vẫn trào ra:
- Giải phóng thật rồi, cháu nhỉ?
- Thật rồi, thím ạ! Tôi đưa tờ báo có in bức ảnh quân ta trong cuộc tổng tiến công cho thím xem. Mấy giọt nước mắt rơi trên trang báo làm tôi cũng không ngăn được xúc động.
- Tai nghe không bằng mắt thấy - Ông bác đã đứng sau lưng tôi tự bao giờ - Nghe đài sướng tai rồi - Bác nói tiếp - Phải xem tờ báo nữa. Đâu, quân ta đâu?
Cứ vậy, tờ báo chuyển tay hết người này đến người khác. Những gương mặt vui tươi, những cặp mắt rưng rưng, những nụ cười thoả nguyện...vào một ngày Tháng Tư ở xóm nhỏ cứ in đậm mãi trong tôi. Và theo dòng thời gian, Tháng Tư nhớ mãi. Nhớ về sự hy sinh của người ra trận và người ở lại; nhớ về những bà mẹ được phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng như thím tôi, nhớ về ông bác tôi người cha liệt sĩ...Tất cả để có một xóm nhỏ hôm nay với con người và cuộc sống đang đổi mới mỗi ngày./.
Bài của Nguyễn Thế Trường
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1+2 ra tháng 6/2020