Nhớ về nạn đói năm 1945 - từ một vùng quê

Do chính sách cai trị, bóc lột hà khắc của thực dân, phong kiến, năm 1945 (Ất Dậu) đã dẫn đến nạn đói khủng khiếp của người dân Việt Nam làm cả nước có hai triệu người chết đói. Riêng Hải Dương cũng có hàng vạn người. Vùng quê  Quang Khải  (Tứ Kỳ) một xã nhỏ cũng có hàng trăm người không thoát qua nạn đói. Đó là vì ruộng đất tập trung vào tay nhóm ít người thuộc thành phần địa chủ, phú nông; còn hầu hết bần cố nông thì không có hoặc có rất ít ruộng để canh tác. Họ phải đi cày thuê, cấy mướn, nộp sưu cao thuế nặng hoặc tha phương cầu thực. 
Nhớ về nạn đói năm 1945 - từ một vùng quê

Đã thế, từ khi phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương thì dân ta “một cổ hai tròng”. Ngoài nạn sưu cao thuế nặng thì chúng còn bắt dân ta phá lúa để trồng đay, nộp thóc tạ, phu phen tạp dịch vô cùng nặng nề. Ở đây, ruộng đất thường chỉ cấy một vụ, mỗi sào được 80 kg thóc, nhưng nộp sưu thuế đã hết gần một nửa, chỉ riêng năm 1944, xã Quang Khải đã phải nộp 380,5 tấn thóc tạ…

Bị đế quốc, phong kiến và địa chủ cường hào bóc lột cộng thêm với thiên tai lũ lụt, hàng ngàn người dân Quang Khải thiếu đói. Từ cuối năm 1944 sang đầu năm Ất Dậu-1945, số người chết đói ngày một tăng lên. Thật đau lòng khi vùng quê này chỉ cách phủ huyện Tứ Kỳ một con đò nhỏ, phải nộp hàng trăm tấn thóc tạ vào kho trong khi nhiều người đã chết đói vì không còn gì để ăn. Cái chết cứ dần dần đến từng nhà. Đầu tiên là còn hồ cháo gạo húp, rồi cháo cám, thính (giã từ thóc, trấu lẫn rơm), khoai lang, khoai ngứa, sau thì chỉ còn các loại rau mọc tự nhiên, củ chuối, cây đu đủ…nghĩa là những thứ gì có thể đưa lên miệng được đề nhai qua cơn đói. Ăn liều như thế rồi kiệt sức lăn ra chết đói.

Nhiều cảnh chết rất thảm thương. Cụ N.V.L. ở thôn Nhũ Tỉnh còn nhớ: “Xóm có 32 hộ thì 87 người chết đói. Gia đình cụ Ôm 8 người chết cả hay gia đình cụ Thặng, cụ Chiêm có 6 người cũng không còn ai. Chị dâu tôi là Vũ Thị Từ, 41 tuổi đã chết đói rồi mà đứa con vẫn còn nhay vú mẹ cho đến khi không còn gì nó cũng lịm đi…”. Một nhân chứng khác kể: “Nhà cấy 2 sào ruộng công điền được 10 thúng thóc (20 kg/thúng). Bọn cường hào vâng theo lệnh giặc Nhật bắt nộp thóc tạ. Bố mẹ tôi đem thóc giấu ở chuồng lợn. Bọn lý trưởng, trương tuần lùng sục, khám xét tìm ra cướp đi. Bố tôi đã cầm con dao dựa định xông vào chém bọn chúng, nhưng không kịp…”

Cảnh chết đói thê thảm tràn lên cả bốn thôn trong xã. Ở đâu cũng giống nhau: Chết không có người chôn, hoặc chôn không kịp; người chết không có quan tài, chỉ bó chiếu, nhiều người để hở đầu, hở chân, hoặc 2 - 3 người chôn chung một hố. Theo cuốn sách “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - những chứng tích lịch sử” của GS Văn Tạo và GS người Nhật Furuta MoToo do Viện Sử học Việt Nam xuất bản năm 1995 thì thôn Nhũ Tỉnh là thôn đông dân nhất xã và cũng là thôn có nhiều người chết đói nhất. Các tác giả đã điều tra và thống kê được từng gia đình ở 7 xóm Thượng - Bắc - Tây-Trung - Đông - Nam - Xuân và cho thấy: Tổng cộng 500 hộ thì có 160 nhà có người chết đói với 351 người (nam 193, nữ 158), trong đó có 86 hộ chết đói cả nhà…

Đó là sự kiện căm thù chế độ thực dân - phong kiến mà các thế hệ người dân Quang Khải mãi mãi còn ghi. Từ trong cảnh chết đói thê thảm đó, tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, hàng trăm người dân dù sức đã tàn vẫn vượt qua đò Đồn sang phá kho thóc của Nhật ở phủ Tứ Kỳ, chia cho dân nghèo. Vậy là những hạt thóc thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và chịu cả sự hành hạ của bọn cai trị lại về với những cái bụng lép kẹp, đang chờ chết …

Được cách mạng cứu sống nên ngay từ những ngày đầu kháng chiến, hàng chục thanh niên Quang Khải đã hăng hái tòng quân chiến đấu trên các mặt trận. Người ở lại quê hương vừa ra sức diệt giặc đói, giặc dốt và xây dựng lực lượng, làng chiến đấu và đã tham gia phục vụ kháng chiến ở một số địa bàn trong tỉnh, trong huyện. Đặc biệt, trong những năm kháng chiến cực kỳ ác liệt, tổ chức đảng vẫn bám đất bám dân, làm cơ sở bảo vệ các cơ quan cấp huyện và tỉnh về hoạt động. Nổi bật nhất là “Làng chiến đấu Nhũ Tỉnh” đã phối hợp với lực lượng vũ trang huyện, tỉnh phá tan trận càn quét nổi tiếng của Pháp và tay sai, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, trở thành trận đánh kiểu mẫu, được quân khu Tả ngạn biểu dương. Nối tiếp truyền thống đó, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, chi viện cho miền Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội sau này, Quang Khải luôn là xã đi đầu trong các phong trào “Thóc không thiếu một cân/Quân không thiếu một người” và xây dựng Đảng, đội ngũ cán bộ nữ…Trong hai cuộc chiến tranh, xã đã cống hiến cho Tổ quốc gần ba trăm liệt sĩ, mấy chục Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hàng trăm thương bệnh binh. Xã đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân từ rất sớm và nhiều người được nhận phần thưởng cao quý khác của Đảng và Nhà nước.

Dù thời gian đã lùi xa ba phần tư thế kỷ, nhưng mỗi năm cứ đến dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, các thế hệ người dân Quang Khải, nhất là những người đã trải qua hai chế độ lại nhớ về nạn đói khủng khiếp  năm Ất Dậu-1945 cũng như truyền thống chiến đấu hy sinh, xây dựng của quê hương. Từ đó càng khắc sâu công ơn Đảng, Bác Hồ và cách mạng, thêm tin tưởng, vào công cuộc đổi mới và hăng hái góp phần xây dựng quê hương ngày càng  ấm no, giàu đẹp./.

Bài của Thế Nguyễn 

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 8 năm 2020


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây