Tuy nhiên, những năm qua, hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học vẫn còn ở mức độ; một số công trình nghiên cứu khoa học còn chưa được như mong muốn. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học rất cần phải nghiêm túc, khách quan và tiếp tục công khai, minh bạch, độc lập phản biện. Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật cho phù hợp với cơ chế thị trường và đẩy mạnh việc đặt hàng, nghiệm thu các sản phẩm khoa học. Ngoài ra cần phải tôn trọng tính đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học…là những giải pháp quan trọng để KH&CN, tiếp tục đổi mới sáng tạo thực sự là đột phá chiến lược, là động lực phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới.
Chấp nhận rủi ro
Thời gian qua về cơ chế, chính sách cho công tác quản lý KH&CN đã có những chuyển biến căn bản, từng bước thực hiện theo hướng đặt hàng và khoán chi theo nội dung nghiên cứu, ứng dụng khoa học, phần nào đã tạo điều kiện cho chủ nhiệm dự án, đề tài chủ động trong triển khai thực hiện. Tuy vậy, vẫn có đề tài khi đề xuất còn dàn trải, thiếu tập trung, phạm vi nghiên cứu rộng, chưa đi sâu phân tích, đánh giá theo hướng chuyên sâu, dẫn đến mức độ tin cậy chưa cao. Đặc biệt là vẫn chưa có tư duy chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, nên khi tổ chức xét duyệt đã gần như mặc định là phải đạt kết quả như dự kiến do vẫn có rất nhiều quy định, quy trình phức tạp. Trong khi nghiên cứu khoa học có kết quả không như mong muốn do rất nhiều nguyên nhân bất khả kháng, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, thiên tai, dịch bệnh...Để giúp các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KH&CN; trước tiên cần phải công khai, minh bạch trong tất cả các khâu từ khi đề xuất, tuyển chọn, thẩm định nội dung cho đến quá trình lấy ý kiến phản biện và nghiệm thu kết quả thực hiện, ra quy trình công nghệ, ứng dụng vào thực tiễn...Đối với những đề tài nghiên cứu cần phải có thời gian kiểm nghiệm, đánh giá, phản biện và được sự chấp nhận của xã hội để trở thành sản phẩm thương mại hóa. Vì vậy, có đề tài nghiên cứu KH&CN đảm bảo độ tin cậy chắc chắn cần phải chờ đợi, trong khi nhu cầu của xã hội ngày càng thay đổi nhanh về công nghệ, sản phẩm sau khi nghiên cứu xong không còn phù hợp với thực tiễn, không thương mại hóa được, dẫn tới phải “bỏ ngăn kéo”. Do đó để phát triển KH&CN cần phải tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, dỡ bỏ các rào cản duy ý chí và hành chính hóa trong hoạt động KH&CN.
Để nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học và sử dụng hiệu quả nguồn lực, kinh phí các đề tài, dự án nghiên cứu theo hướng thiết thực, hiệu quả, sáng tạo, đột phá và có tính khả thi cao trong thực tiễn…rất cần phải có sự quan tâm đầu tư thỏa đáng về kinh phí, các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đôi khi phải chấp nhận rủi ro. Có như vậy mới khuyến khích các nhà khoa học mạnh dạn đề xuất, sáng tạo và đảm nhận các đề tài, dự án để có được các công trình mới tạo bước đột phá trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Quá trình nghiên cứu có thể phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu và đang cần tạo ra những sản phẩm khác biệt mà xã hội đang có nhu cầu để triển khai thực hiện. Đồng thời cần có những cơ chế vượt trội về hạch toán kinh tế, ưu đãi thuế, vốn, phân bổ nguồn lực để các doanh nghiệp thấy có lợi ngay khi đầu tư vào lĩnh vực KH&CN tạo đà cho phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cần phải hành động quyết liệt hơn nữa để tiếp tục thúc đẩy KH&CN phát triển mạnh mẽ đáp ứng ngay nhu cầu trước mắt và lâu dài. Công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phải đi vào cái ta cần chứ không phải cái ta có. Phát triển thị trường KH&CN đúng nghĩa để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đổi mới sáng tạo, cái gì doanh nghiệp và xã hội làm được, làm tốt hơn thì để doanh nghiệp và xã hội làm. Thủ tướng cũng cho rằng cần phải xây dựng cơ chế, chính sách tốt hơn nhằm tạo động lực phát triển KH&CN, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với phát triển kinh tế - xã hội theo chiều sâu, tăng trưởng bền vững, phát triển KH&CN gắn với phát triển văn hóa và con người.
Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả ứng dụng thực tiễn
Một trong 3 đột phá chiến lược, bên cạnh thể chế và phát triển hạ tầng, là đột phá về chất lượng nguồn nhân lực, KH&CN phải tiếp tục đổi mới sáng tạo. Muốn điều này sớm trở thành hiện thực, trước hết cần có cơ chế, chính sách và pháp luật phù hợp trong điều kiện cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Đặc biệt, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý và phê duyệt nhiệm vụ chi cho các hoạt động KH&CN theo hướng chú trọng hiệu quả và tác động của nhiệm vụ KH&CN trong giải quyết các bài toán thực tiễn đặt ra cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, doanh nghiệp. Hiện nay các nhiệm vụ chi cho các hoạt động của đề tài đều dựa theo căn cứ của Luật Ngân sách và gắn với khoán chi từng phần theo khối lượng công việc đã được phê duyệt; trong khi quá trình nghiên cứu, ứng dụng cần chú trọng đến chất lượng, khả năng ứng dụng thực tiễn và thương mại hóa các sản phẩm KH&CN trong đời sống xã hội đây cũng là bước xây dựng cơ sở lý luận để hoạch định các chính sách mới, mô hình đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ mới.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, bên cạnh có sự đầu tư hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước cho các hộ nông dân để tạo sự yên tâm tin tưởng, cần phải có sự tương tác, kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để triển khai nhân rộng và nâng cao hiệu quả ứng dụng của đề tài. Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cần phải có sự hỗ trợ giữa Nhà nước và doanh nghiệp gắn với đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo ngay trong doanh nghiệp. Vì vậy hoạt động nghiên cứu KH&CN phải bảo đảm các nguyên tắc công khai, minh bạch trong tuyển chọn, đẩy mạnh thực hiện theo cơ chế đặt hàng và xét chọn nhiệm vụ; trao quyền tự chủ cho tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN và tự chịu trách nhiệm trước các dự án, đề tài về nội dung thực hiện, kết quả và sản phẩm cuối cùng trước sự đánh giá độc lập, giám sát xã hội, công khai kết quả nghiên cứu KH&CN.
Thời gian tới, cần tiếp tục đổi mới cơ chế đầu tư, quản lý đầu tư và tài chính cho các hoạt động KH&CN trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên đánh giá nghiệm thu kết quả, hiệu quả đầu ra, sản phẩm cuối cùng. Và đơn giản hóa thủ tục thanh quyết toán tài chính, giảm tối đa các gánh nặng hành chính cho các nhà khoa học khi kết thúc đề tài, dự án mà không quyết toán được kinh phí.
Những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu, ứng dụng KH&CN hiện nay
Muốn phát triển KH&CN thực sự trở thành đòn bẩy (cú híc) trong phát triển kinh tế - xã hội, trước mắt cần phải tập trung xây dựng cơ chế, chính sách mạnh hơn nữa để khuyến khích phát triển KH&CN; có cơ chế đặt hàng cụ thể, rõ ràng và quản lý bằng hiệu quả sản phẩm đầu ra. Cùng với tạo cơ chế để thúc đẩy các doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu nhằm thu hút được nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính ngân sách, đặt hàng theo hướng đấu thầu các dự án, đề tài mà Nhà nước đang cần phải giải quyết. Tiếp tục thúc đẩy các quy trình thủ tục xét chọn, giao nhiệm vụ để các nhà khoa học yên tâm và có động lực đổi mới sáng tạo...Quan tâm đầu tư cho nghiên cứu lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, những vấn đề mà xã hội đang đặt ra; đồng thời có sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa khoa học xã hội và nhân văn với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ mới phục vụ yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.
Trước mắt, yêu cầu các chương trình, nhiệm vụ KH&CN phải gắn với nhu cầu thực tiễn đặt ra của xã hội, chuỗi giá trị sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cao; chủ động, tích cực trong việc thúc đẩy ứng dụng KH&CN theo hướng đổi mới sáng tạo đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời cung cấp các luận cứ sâu sắc và kịp thời trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, góp phần đổi mới đồng bộ, mạnh mẽ vào quá trình thay đổi tư duy nhận thức và hành vi để làm chủ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 được nhanh chóng,...Cùng với tạo hành lang pháp lý chắc chắn về cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan, trong đó chú trọng đến việc xây dựng cơ chế chấp nhận rủi ro trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; đẩy mạnh ứng dụng mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số, ứng dụng công nghệ số...
Bài của TS. Nguyễn Đình Bộ, PGĐ Sở KHCN
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải số 4 ra tháng 8 năm 2021