TP. Hải Dương: Hướng đến đô thị loại I

Năm 1804, nhà Nguyễn rời lỵ sở Hải Dương từ Mao Điền về ngã ba sông Thái Bình và Kẻ Sặt tại địa phận làng Hàn (nay là phường Bình Hàn), với mục tiêu án ngữ vùng biên ải phía Đông thành Thăng Long, xây dựng thành kiên cố gọi là Thành Đông và không ngừng phát triển trở thành trung tâm của xứ Đông xưa. Thực dân Pháp 2 lần tấn công Thành Đông (năm 1873 và năm 1883), thiết lập bộ máy thống trị và đặt ách đô hộ thực dân tại tỉnh Hải Dương sau Hòa ước Patơnốt 1884 ký với triều Nguyễn.
TP. Hải Dương: Hướng đến đô thị loại I

Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ngày 26/8/1938, tại số 17, phố Đông Môn (nay là phố Phạm Hồng  Thái), Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên, tiền thân Đảng bộ thành phố Hải Dương được thành lập, gồm 3 đồng chí do đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn làm Bí thư. Đêm ngày 12/3/1945, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh hội Việt Minh, nhân dân thành phố Hải Dương phá kho thóc của Nhật cứu đói dân nghèo. Vào hồi 14 giờ ngày 17/8/1945 dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng và Việt Minh đã biến cuộc tuần hành của tổ chức thanh niên Phan Anh thành cuộc biểu dương lực lượng nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân lao động.

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ ngày 19/12/1946, nhân dân thị xã Hải Dương đã đứng lên đánh đuổi giặc Pháp. Qua 9 năm kháng chiến, quân và dân thị xã đã lập được nhiều chiến công vang dội, góp lửa làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Hiệp định Giơnevơ được ký kết, thị xã Hải Dương là vùng thực dân Pháp tập kết rút quân sau 100 ngày. Từ ngày 28 đến 29/10/1954, Ủy ban Quân chính tiến hành tiếp quản thị xã. Đúng 8 giờ 17 phút ngày 30/10/1954, tên lính thực dân Pháp cuối cùng rút khỏi đầu cầu Phú Lương, chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược; Đảng bộ và nhân dân thị xã Hải Dương hân hoan đón bộ đội tiến về giải phóng thị xã. Ngày 30/10/1954 trở thành mốc lịch sử, truyền thống vẻ vang oanh liệt và đáng tự hào của Đảng bộ và nhân dân thị xã Hải Dương.

Trong 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là 10 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Đảng bộ thị xã Hải Dương đã lãnh đạo nhân dân vừa sản xuất, vừa chiến đấu giữ vững hậu phương lớn, đảm bảo chi viện cho tiền tuyến với quyết tâm: “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Trong 10 năm (1965-1975), thị xã Hải Dương đã tuyển quân, động viên 3.339 thanh niên bổ sung cho các quân binh chủng, trực tiếp chi viện cho các chiến trường, so với chỉ tiêu được giao đạt 107,3%, huy động 6,7% dân số tham gia đội quân tình nguyện đánh Mỹ cứu nước. Hàng trăm gia đình có từ 2 đến 5 con đi bộ đội, hàng chục gia đình có một con trai độc nhất cũng xung phong tình nguyện nhập ngũ. 1.181 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh. Trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, thị xã cũng là một mục tiêu đánh phá hủy diệt của không quân Mỹ. Với 891 lượt máy bay các loại, chúng đã tổ chức đánh phá 181 trận, trút xuống 3.034 quả bom các loại, 2.615 quả rốc két, 68 quả tên lửa và gần 40.000 quả đạn 200 mm. Chính quyền đã vận động nhân dân đào đắp hàng trăm hầm, hố tránh bom cá nhân, 76.635 mét giao thông hào; huy động hàng chục ngàn ngày công lao động đào đắp hàng vạn m3 đất làm đường, đắp ụ trận địa pháo cao xạ, tên lửa góp phần bắn rơi 4 máy bay của giặc Mỹ… Năm 1973, nhân dân và cán bộ xã Ái Quốc huyện Nam Sách (nay là phường Ái Quốc, TP Hải Dương) được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, là đơn vị đầu tiên của tỉnh Hải Hưng được nhận vinh dự này. Thành tích của quân và dân thị xã Hải Dương (nay là thành phố Hải Dương) đã góp phần cùng cả nước tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

          Từ năm 1976 đến 1986, thị xã Hải Dương từng bước hoàn thiện hệ thống chính trị, phát huy vai trò quản lý của nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; đã cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ năm 1986-1997, Đảng bộ và nhân dân thị xã Hải Dương đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dịch vụ, lao động theo hướng hiện đại. Đặc biệt, thị xã đã mạnh dạn đưa chương trình xây dựng đô thị là 1 trong 4 chương trình mang tính chất kinh tế- xã hội quan trọng và đã thực hiện thành công.

          Ngày 06/8/1997, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/1997/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Hải Dương thuộc tỉnh Hải Dương. Năm 1998, nhân dân và lực lượng vũ trang thành phố Hải Dương vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 30/10/2009, Đảng bộ và nhân dân TP. Hải Dương tổ chức kỷ niệm 205 năm khởi lập Thành Đông, 55 năm ngày giải phóng thành phố và công bố Quyết định 616/QĐ-TTg ngày 15/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP.Hải Dương là đô thị loại II.

Ngày 30/10/2014, TP.Hải Dương tổ chức kỷ niệm 210 năm khởi lập Thành Đông (1804 -2014), 60 năm ngày giải phóng thành phố (30/10/1954 - 30/10/2014) và đón nhận Huân chương độc lập hạng Nhì. Tháng 8/2015, Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Dương lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra mục tiêu là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tập trung huy động mọi nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng thành phố Hải Dương trở thành đô thị loại I”.

Với quy mô và tầm vóc mới của đô thị loại II đang trên đà phát triển, Đảng bộ và nhân dân TP đã không ngừng phấn đấu trở thành đô thị loại I trước năm 2020 và cơ bản đã đạt được kết quả cụ thể như sau:

- Về không gian đô thị được mở rộng với 21 phường, xã (17 phường và 4 xã trong đó có 3 xã đạt nông thôn mới) với tổng diện tích 71,4  km2, dân số khoảng 25 vạn người. Từ năm 2000 đến nay, TP có thêm 8 khu đô thị và hàng chục khu dân cư mới; hiện TP có 3 khu công nghiệp và 4 cụm công nghiệp. Trong những năm qua, TP đã giải quyết việc làm mới cho 39.315 lao động (năm 2017 là hơn 4.090 lao động), tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,3%.

- Về phát triển kinh tế:cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2017 giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 13.800 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 55.170 tỷ đồng, tăng 14,1%; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ, thương mại ước đạt 19.015 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010) tăng 16,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước 17.500 tỷ đồng, tăng 16,7%. Duy trì sản xuất ổn định tại các làng nghề mộc Đức Minh, Nguyễn Xá, bánh Đa Lộ Cương.

- Xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị được tỉnh, thành phố quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ: Thành phố có 500 km các tuyến giao thông chính, 100% các tuyến đường đều đã cứng hóa; 259,78 km đường ngõ xóm với khoảng 98% các tuyến đường tại các phường và khoảng 93,6% các tuyến đường tại các xã được cứng hóa. Các tuyến đường đều được xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước, chiếu sáng; 100% các hộ dân trên địa bàn TP được sử dụng nước sạch với tiêu chuẩn cấp nước bảo đảm việc sinh hoạt.

- Về giáo dục và đào tạo - y tế - văn hóa - thể thao: có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng dạy và học được nâng lên, cơ sở vật chất được nâng cấp. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, 21/21 xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. Thành phố từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, khu vui chơi từ thành phố đến phường, xã, thôn, khu dân cư.

Cùng với đó, công tác an ninh, quốc phòng, quân sự địa phương được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đạt hiệu quả và có chuyển biến tích cực. Toàn Đảng bộ tích cực thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ gắn với đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nay là Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, TP.Hải Dương cơ bản đạt được các tiêu chí của đô thị loại I. Thành phố đang quyết tâm khai thác mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, mở rộng không gian, tăng cường quản lý và xây dựng văn hóa đô thị, xây dựng TP.Hải Dương trở thành đô thị loại I trước năm 2020 với đặc trưng là thành phố xanh - văn minh - hiện đại, có sức hấp dẫn lớn về môi trường đầu tư và tính cạnh tranh, phát triển bền vững, hài hòa với môi trường, đáp ứng ngày càng tốt hơn vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, dịch vụ của tỉnh Hải Dương.

  Ngày 04/7/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 1960/QĐ-UBND về việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030 TP. Hải Dương sẽ được xây dựng và phát triển bền vững với 5 mục tiêu: đô thị công thương; đô thị sống khỏe; đô thị sáng tạo; đô thị đẹp thân thiện với con người; đô thị an toàn, an tâm. Đến năm 2050, TP.Hải Dương sẽ là đô thị "khỏe-năng động-văn hóa" với các nội dung: đô thị sống khỏe, tăng cường phát triển các lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, giáo dục và tạo dựng không gian sống; năng động phát triển các ngành nghề kinh tế linh hoạt phù hợp với nhu cầu từng thời kỳ; là đô thị văn hóa kế thừa, bảo tồn, phát huy lịch sử, văn hóa, thân thiện với mặt nước, sống với không gian xanh.

Kỷ niệm 64 năm ngày giải phóng thành phố (30/10/1954 - 30/10/2018) khẳng định truyền thống đấu tranh anh hùng cách mạng, bất khuất kiên cường của mảnh đất và con người Thành Đông xưa, TP. Hải Dương ngày nay. Đó không chỉ là niềm tự hào của nhân dân và cán bộ TP. Hải Dương các thời kỳ mà còn là niềm tự hào của Đảng bộ và Chính quyền tỉnh nhà. Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân TP. Hải Dương tiếp tục nêu cao truyền thống anh hùng, tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, vững tin vào đường lối đổi mới của Đảng; gương mẫu trong lao động, học tập, công tác; ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, xây dựng TP. Hải Dương ngày càng giàu mạnh, văn minh, xứng đáng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, dịch vụ của tỉnh Hải Dương.

Bài của Phạm Ninh Hải

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 5 ra tháng 10 năm 2018


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập180
  • Hôm nay53,647
  • Tháng hiện tại1,084,196
  • Tổng lượt truy cập3,789,400
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây