Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng và triển khai hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2025.

Ngày 30/5/2024, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Kế hoạch số 1967/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng và triển khai hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 với mục tiêu cụ thể:
Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng và triển khai hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2025.

(a) 100% các huyện, thị xã, thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng; triển khai hoạt động cải thiện dinh dưỡng thuộc Chương trình GNBV và Chương trình NTM, đồng thời xây dựng kế hoạch ứng phó, can thiệp dinh dưỡng trong các tình huống khẩn cấp. (b) Phấn đấu 100% các cơ sở khám chữa bệnh thành lập khoa hoặc bộ phận dinh dưỡng phù hợp với quy mô giường bệnh; 75% bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện thực hiện các hoạt động khám, tư vấn và điều trị bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng dinh dưỡng và bệnh lý cho người bệnh; 50% cán bộ làm công tác dinh dưỡng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu, năng lực triển khai hoạt động dinh dưỡng; 75% cán bộ tuyến tỉnh, tuyến huyện và 50% cán bộ tuyến xã phụ trách công tác dinh dưỡng được đào tạo, cấp chứng chỉ theo quy định. (c) 50% Trạm Y tế triển khai tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, bà mẹ có con dưới 2 tuổi trong gói dịch vụ cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe. (d) Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi xuống dưới 12%, thể gầy còm xuống dưới 2%. (e) Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em từ 5 - 18 tuổi xuống ≤ 18,5%. (f) Tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh dưới 2.500 gram ≤ 2,5%; tỷ lệ trẻ được bú mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau sinh đạt ≥ 75%; tỷ lệ trẻ dưới 6 tháng tuổi được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ đạt ≥ 50%. (g) Giảm tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi ở mức dưới 5%; trẻ từ 5 - 18 tuổi dưới mức 24%; người trưởng thành từ 19 - 64 tuổi ở mức dưới 20%. (h) Giảm lượng muối tiêu thụ trung bình của người dân trong độ tuổi từ 15 - 49 tuổi xuống dưới 8 gram/ngày. (i) Duy trì tỷ lệ phụ nữ có thai được uống bổ sung viên sắt trong thời kỳ mang thai đạt trên 80%; tỷ lệ thiếu kẽm huyết thanh ở trẻ em từ 6 - 59 tháng tuổi xuống giảm xuống dưới 50%; > 90% hộ gia đình sử dụng muối Iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh hoặc gia vị mặn có Iốt hằng ngày.

Để triển khai, thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng và triển khai hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng đưa ra 4 nội dung và giải pháp chủ yếu đó là:

(1) Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực thi chính sách; đẩy mạnh việc lồng ghép; đánh giá kết quả, hiệu quả; kịp thời điều chỉnh, bổ sung giải pháp, nguồn ngân sách triển khai các Chương trình, dự án, đề án tại địa phương; khống chế thừa cân, béo phì ở lứa tuổi học đường, giảm tỷ lệ thiếu năng lượng ở các nhóm đối tượng. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, xã hội hóa công tác dinh dưỡng; huy động các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp tham gia thông qua hỗ trợ, tài trợ đảm bảo nguồn dinh dưỡng bằng cách đa dạng hóa thực phẩm sẵn có tại địa phương…

(2) Triển khai các hoạt động thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp về đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước thông qua việc triển khai tổ chức các hội nghị, hội thảo, các buổi tổng kết đánh giá kết quả, hiệu quả của việc triển khai các Chương trình, dự án can thiệp dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh. Khai thác có hiệu quả nội dung truyền thông về: Nuôi dưỡng trẻ nhỏ, dinh dưỡng lứa tuổi học đường, dinh dưỡng phòng chống bệnh không lây nhiễm, dinh dưỡng trong tình trạng khẩn cấp, dịch bệnh; cách đọc và hiểu về nhãn dinh dưỡng trên nền tảng internet, mạng xã hội: tiktok, instagram, zalo…

(3) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác chuyên môn về dinh dưỡng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Ban hành các cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là các ưu đãi, hỗ trợ trong đào tạo cho người làm công tác dinh dưỡng tại các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở trợ giúp xã hội…

(4) Tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động can thiệp dinh dưỡng, trong đó: Đảm bảo triển khai hoạt động dinh dưỡng tại các cơ sở y tế trong xây dựng, chuẩn hóa, phổ biến quy trình, hướng dẫn kỹ thuật các can thiệp dinh dưỡng thiết yếu. Rà soát cơ sở vật chất, quy mô giường bệnh và điều kiện của các cơ sở khám bệnh chữa bệnh để triển khai công tác dinh dưỡng bệnh viện đảm bảo theo đúng quy định. Lồng ghép triển khai các chương trình, dự án dinh dưỡng tại cộng đồng; Thực hiện hoạt động dinh dưỡng học đường tại trường học; Đảm bảo công tác theo dõi, giám sát, đánh giá và đáp ứng kịp thời với các tình huống dinh dưỡng khẩn cấp như: biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh...

Để tổ chức thực hiện UBND tỉnh giao cho các sở: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tham gia phối hợp tổ chức triển khai kế hoạch, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sức khỏe, dinh dưỡng hợp lý phù hợp lứa tuổi. Huy động nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa phù hợp với điều kiện của địa phương, đảm bảo nhân lực cho hoạt động về dinh dưỡng trên địa bàn nhằm thực hiện tốt các mục tiêu đề ra.

Bài của Minh Tuấn

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 6 năm 2024


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây