Nông dân Hải Dương: Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh có nhiều đổi mới, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát cơ sở; tập trung chỉ đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân.

Nông dân Hải Dương: Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/15 chỉ tiêu Đại hội đại biểu HND tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018 - 2023 đề ra. Các phong trào thi đua yêu nước được tổ chức, triển khai hiệu quả, hình thức tổ chức thiết thực, giữ vai trò nòng cốt ở nông thôn. Công tác vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được tăng cường với những việc làm cho hiệu quả rõ nét hơn; các hoạt động cung ứng dịch vụ, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh đã từng bước đáp ứng nhu cầu nông dân.

Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các cấp hội tham gia phát triển kinh tế nông nghiệp, tích cực tham gia phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới và xây dựng xã hội nông thôn giàu đẹp, văn minh. Nông dân tỉnh Hải Dương với khát vọng vươn lên làm giàu, tích cực tiếp thu, áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, liên kết sản xuất, tiếp cận thị trường thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.

Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao; số hộ khá, giàu ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,69% (đầu nhiệm kỳ là 2,53%).Các cấp Hội đã thành lập mới 72 chi HND nghề nghiệp và 199 tổ HND nghề nghiệp với 5.783 hội viên, nâng tổng số chi, tổ HND nghề nghiệp toàn tỉnh hiện nay là 99 chi Hội và 259 tổ Hội với 7.995 hội viên. Nhiệm kỳ qua đã kết nạp 48.321 nông dân tham gia vào tổ chức Hội, nâng số hội viên toàn tỉnh lên 388.437 người (đạt 142% so với hộ nông dân) với ở 229 cơ sở Hội, 1.257 chi và 2.568 tổ Hội. Các cấp Hội đã chủ động bồi dưỡng, giới thiệu 1.078 hội viên ưu tú để các cấp ủy kết nạp vào Đảng, nâng tổng số hội viên là đảng viên trong tổ chức Hội lên 32.405 người.

Các cấp Hội đã đẩy mạnh phong trào thi đua chuyển đổi số trong công tác Hội và phong trào nông dân, tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động. Các hoạt động ứng dụng CNTT, công nghệ số trong sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn được triển khai sâu rộng; việc gắn tem truy xuất nguồn gốc, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ nông sản trên các sàn giao dịch thương mại điện tử đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao; việc thành lập các nhóm Zalo, trang fanpage facebook... góp phần đẩy mạnh xây dựng giai cấp nông dân thời kỳ công nghệ 4.0.

Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2025, đã có trên 7.000 lượt hội viên được tập huấn nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, xây dựng thương hiệu, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử như: VNPost, Lazada, Shopee, Voso... Nhiều hội viên nông dân đã nghiên cứu, tìm tòi sáng chế, ứng dụng công nghệ 4.0 để theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi, cảnh báo rủi ro, phân tích dữ liệu nâng cao chất lượng sản phẩm; quảng bá, kết nối tiêu thụ thông qua các sàn thương mại điện tử...

Phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” xuất hiện nhiều hộ nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, tạo nhiều việc làm, cho hiệu quả kinh tế cao. Hằng năm, trung bình có 190.794 hộ hội viên đăng ký danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi, qua bình xét trung bình có 130.651 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi các cấp, đạt 68,3% so với hộ đăng ký.

Công tác thăm hỏi, động viên hội viên có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm. Các cấp hội đã tặng 20.177 suất quà cho các hộ nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trị giá 4,67 tỷ đồng; phối hợp thực hiện các chương trình “Tiếp sức nhà nông”, “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương”; tích cực ủng hộ quỹ “Tiết kiệm giúp nông dân nghèo”, quỹ “Vì người nghèo”, quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”... Hỗ trợ xây mới 38 nhà “Mái ấm nông dân” và sửa chữa 02 nhà với tổng số tiền 2,03 tỷ đồng. Đã giúp 20.270 lượt hộ nghèo về vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, tiêu thụ nông sản, tạo việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động nông thôn; đã có 6.820 hộ thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

Hoạt động hỗ trợ tạo nguồn vốn cho hội viên nông dân vay phát triển SXKD đã được các cấp Hội tập trung huy động, khai thác với dư nợ cho vay ngày càng tăng, sử dụng vốn vay đúng mục đích, cho hiệu quả kinh tế cao đến giữa năm 2023 đạt 78,80 tỷ đồng (tăng 26,84 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ), trong đó quỹ cấp tỉnh 40,52 tỷ đồng, nguồn quỹ cấp huyện 15,43 tỷ đồng, nguồn quỹ cấp cơ sở 22,85 tỷ đồng. Các nguồn Quỹ HTND đã hỗ trợ cho trên 9.100 lượt hộ hội viên nông dân vay vốn phát triển SXKD, xây dựng trên 300 dự án, mô hình tổ, nhóm liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Công tác dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ số cho nông dân được đổi mới về nội dung, phương pháp và đa dạng ngành nghề đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của hội viên, nông dân. Các cấp Hội đã trực tiếp và phối hợp tổ chức 310 lớp dạy nghề cho 10.933 lao động nông thôn; tỷ lệ nông dân có việc làm ổn định sau khi được học nghề đạt trên 80%. Tổ chức 8.346 buổi tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ trong lĩnh vực sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản cho trên 579.000 lượt người; xây dựng 172 mô hình trình diễn về giống, tiến bộ kỹ thuật mới theo tiêu chuẩn GAP. Phối hợp tổ chức hiệu quả các hoạt động cung ứng vật tư nông nghiệp gắn với đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn hội viên nông dân sử dụng hiệu quả, tiết kiệm vật tư nông nghiệp.

Các cấp Hội đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp cung cấp thông tin thị trường, giá cả; hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa, gắn tem truy xuất nguồn gốc và vận động, liên kết, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật, tiêu thụ nông sản cho nông dân; giới thiệu nông sản tiêu biểu của tỉnh tham gia trưng bày tại các hội chợ, triển lãm ở nhiều tỉnh, thành trong nước. Phối hợp xây dựng nhãn hiệu tập thể cho 25 sản phẩm đặc trưng chất lượng cao, phối hợp gắn 170.000 tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp. Qua đó nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm; kết nối, hỗ trợ tiêu thụ 41.700 tấn nông sản cho nông dân. Tập huấn hướng dẫn khoa học kỹ thuật, công nghệ, cung ứng vật tư nông nghiệp, hỗ trợ cho vay vốn; hướng dẫn, hỗ trợ các tổ, nhóm liên kết sản xuất.

Đến nay, toàn tỉnh có 457 mô hình hoạt động có hiệu quả, thể hiện rõ sự tác động của Hội, trong đó có 19 hợp tác xã, 438 tổ hợp tác, tổ nhóm liên kết sản xuất. 100% số cơ sở Hội trong tỉnh có ít nhất 01 mô hình/cơ sở (đạt chỉ tiêu NQ Đại hội IX). Nhiều mô hình đã quan tâm đến mẫu mã, bao bì, gắn tem truy xuất nguồn gốc giúp tiêu thụ thuận lợi và nâng cao giá trị sản phẩm. HND tỉnh trực tiếp xây dựng và thực hiện Dự án khoa học “Xây dựng mô hình sản xuất gà Mía lai Sasso thương phẩm trên địa bàn huyện Thanh Hà”, dự án được Hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh đánh giá cao hiệu quả kinh tế và tính nhân rộng trong sản xuất.

Các cấp Hội đã tích cực tham gia phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; vận động được trên 98,7% hộ nông dân đăng ký danh hiệu gia đình văn hóa, trong đó có 95,6% hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 100% hộ hội viên nông dân SXKD nông sản đăng ký, cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vận động hội viên, nông dân tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thực hiện tốt các quy định về vệ sinh an toàn lao động; phòng, chống tệ nạn xã hội…

Các cấp Hội đã xây dựng các mô hình: “Nông dân thu gom, phân loại, xử lý rác hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”; Cánh đồng, khu vườn không rác thải; Tuyến đường nông dân tự quản; Hàng cây nông dân, Đường hoa nông dân... đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên nông dân về công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến nay, toàn tỉnh có 536 mô hình bảo vệ môi trường tại 229 cơ sở Hội. Các cấp Hội đã hỗ trợ 8 xe chở rác, 16 thùng đựng rác hỗn hợp, 2.985 thùng composite ủ rác hữu cơ và 3.155 kg chế phẩm sinh học để xử lý rác cho hội viên nông dân. Thường xuyên phối hợp với ngành Công an tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn giao thông, phòng chống ma túy cho cán bộ, hội viên nông dân.

Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh với tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Hội; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, gắn chuyển đổi số với các hoạt động xây dựng tổ chức Hội và phong trào nông dân. Đẩy mạnh các phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững; hỗ trợ, giúp nông dân nâng cao năng lực quản trị, liên kết sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân.

Vừa qua, Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Hải Dương lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028 được tỏ chức đã có 251 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 388 nghìn hội viên nông dân trong tỉnh Hải Dương. Tại Đại hội đã bầu 29 đồng chí vào Ban chấp hành HND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Đại hội cũng đã tiến hành bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 với 22 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết. Bầu ông Trịnh Văn Thiện giữ chức Chủ tịch Hội; bầu các ông, bà: Phạm Đức Hội, Phạm Thanh Thuỷ, Đào Xuân Anh tái cử chức danh Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương khoá X, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Bài của Hải Ninh 

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 5 ra tháng 10 năm 2023


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây