Những năm gần đây, giá trị ngành nuôi trồng thủy sản ngày càng chiếm tỷ trọng cao so; năm 2023, ước đạt 2.945,8 tỷ đồng chiếm 13,5% giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Ngành thuỷ sản tỉnh đang tập trung phát triển các đối tượng có tiềm năng sẵn có, nhất là nguồn lợi thủy sản rươi đang được người dân phát triển mạnh, tạo nguồn thu nhập rất lớn, nhiều người dân đã làm giàu từ nghề này. Rươi là đối tượng có tiềm năng phát triển, nếu ứng dụng khoa học kỹ thuật; tổ chức quản lý, sản xuất một cách khoa học sẽ hình thành được vùng nuôi rươi thương phẩm tập trung, nuôi Rươi thương phẩm sẽ trở thành nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Rươi Tylorrhynchus heterochaetus (quatrefages, 1865) thuộc nhóm giun nhiều tơ, sống cố định, ít di chuyển dưới lớp bùn ở độ sâu 10 - 50 cm có lỗ thông với bề mặt đáy ở độ sâu 10 - 50 cm, của vùng nước lợ, vùng triều các cửa sông ven biển nơi chịu ảnh hưởng của chế độ thuỷ triều. Từ lâu người dân ở các vùng đồng bằng ven biển đều biết đến rươi như là một món đặc sản bổ dưỡng. Rươi có thể khai thác rải rác quanh năm nhưng tập trung vào hai thời điểm chính là tháng 5 - 6 và tháng 9 - 10 (Âm lịch).
Hiện nay rươi đang là một đối tượng nuôi có ý nghĩa kinh tế quan trọng ở vùng ven biển Hải Phòng - Quảng Ninh và một số tỉnh như Hải Dương, Thái Bình và Nam Định. Rươi có tập tính sống vùi dưới đáy, thức ăn chủ yếu là các loài thực vật, mùn bã hữu cơ,... Do vậy, phát triển nuôi rươi không những cung cấp sản phẩm có giá trị phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu mà còn có vai trò quan trọng trong việc làm sạch môi trường, giữ cân bằng sinh thái trong vùng.
Rươi ở Hải Dương xuất hiện tại các vùng nước lợ ven các sông Thái Bình, Văn Úc và Kinh Thày thuộc các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Kim Thành và TX. Kinh Môn với diện tích là 342,3 ha, sản lượng thu hoạch năm 2019 là 95,95 tấn; năm 2020 sản lượng đạt trên 27 tấn. Các hộ dân ở huyện Tứ Kỳ và Thanh Hà đã đắp bờ tại các bãi bồi ven sông thành các ruộng/đầm có cống để chủ động nước ra vào để tạo điều kiện để cấy lúa 1 vụ và tạo môi trường thuận lợi cho rươi sinh trưởng và phát triển.
Năm 2018, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Thế hệ mới đã thực hiện dự án xây dựng và mở rộng vùng sản xuất lúa theo phương thức hữu cơ trên một số vùng rươi của tỉnh Hải Dương với quy mô 280 ha xã Vĩnh Lập (Thanh Hà), xã Tứ Xuyên, An Thanh (Tứ Kỳ) có 133 hộ tham gia. Nhằm khai thác tối đa hiệu quả kinh tế, phục vụ phát triển bền vững nguồn lợi rươi, cáy trên địa bàn tỉnh, với năng suất đạt 3 tấn/ha/năm; nâng cao hiệu quả sản xuất đối với sản phẩm lúa trồng trên vùng rươi lên 200%. Xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm gạo hữu cơ gắn với việc xây dựng thương hiệu và hệ thống quản lý truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.
Vụ Đông Xuân 2017 - 2018 tại thôn An Định và Thanh Kỳ, xã An Thanh (Tứ Kỳ) quy mô thực hiện 60 ha, 98 hộ nông dân tham gia; Vụ Đông Xuân 2018 - 2019 với 100 ha có 129 hộ tham gia; Vụ Đông Xuân 2019 - 2020 với diện tích 120 ha có 133 hộ tham gia. Tỷ lệ nảy mầm của giống lúa J02 đạt từ 96 - 97%; chiều cao cây đạt từ 100 - 107 cm, thời gian sinh trưởng của giống lúa J02 canh tác ở vùng rươi dài hơn so với canh tác ở vùng thâm canh 5 - 10 ngày, có khả năng chống đổ tốt, chịu rét tốt. Giống lúa J02 khả năng đẻ nhánh khá từ 32 - 35 khóm/m2, từ 4,1 - 42, dảnh/khóm, 167 - 170 hạt/bông, 163 - 165 hạt chắc/bông, 19 gram/1.000 hạt, năng đạt từ 40,2 - 40,5 tạ/ha. Giống lúa J02 theo phương thức hữu cơ tại các vùng bãi rươi năm 2019 đã mang lại hiệu quả kinh tế từ 5,32 - 6,72 triệu đồng/ha, năm 2020 đạt từ 16,120 - 16,72 triệu đồng/ha, bên cạnh việc thu hoạch nguồn lợi rươi, cáy ổn định từ tự nhiên.
Công ty đã xây dựng cơ sở chế biến gồm thuê 01 nhà kho bảo quản có diện tích trên 300 m2 tại Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương Mại Tân Phong tại xã Văn Tố (Tứ Kỳ); đầu tư máy xay, xát, sàng, máy hút chân không và máy móc thiết bị khác phục vụ đóng gói sản phẩm. Toàn bộ sản phẩm thóc được công ty thu mua ngay và chuyển đến các lò sấy để tiến hành sấy tại các lò sấy, bảo quản, chế biến sản phẩm: xây dựng quy trình sơ chế, bảo quản, chế biến; đóng gói các chủng loại sản phẩm và tổ chức sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm, quy mô 160 tấn thóc lúa J02, chế biến được 100 tấn gạo. Thóc được tiến hành say xát, đóng gói theo từng lô, căn cứ theo tiến độ đặt hàng và tiêu thụ sản phẩm của thị trường. Sau khi xay xát, sản phẩm gạo được đóng gói và hút chân không, dán nhãn truy xuất nguồn gốc, in thời gian xay xát và hạn sử dụng lên vỏ bao bì, mỗi gói gạo có trọng lượng 2 kg vận chuyển đến các cửa hàng phân phối đến người tiêu dùng. Công ty đã liên kết tiêu thụ qua kênh phân phối của chuỗi cửa hàng sản phẩm hữu cơ tại Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng…Dự án đã tham gia Hội chợ Làng nghề Việt Nam 2018 tại Hà Nội, mang sản phẩm gạo hữu cơ bãi rươi đi xúc tiến thương mại tại hội chợ Asean - Trung Quốc ở TP. Nam Ninh (Trung Quốc).
Qua 3 năm thực hiện dự án đã xây dựng và mở rộng vùng sản xuất lúa theo phương thức hữu cơ trên một số vùng rươi của tỉnh Hải Dương. Xử lý chất thải chăn nuôi được 1.980 tấn phân hữu cơ để phục vụ sản xuất lúa vụ xuân năm 2019 - 2020 với quy mô 220 ha tại xã Tứ Xuyên, An Thanh (Tứ Kỳ) và xã Vĩnh Lập (Thanh Hà) góp phần mở rộng diện tích sản xuất lúa ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tại một số vùng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu sẽ nâng mức thu nhập trên diện tích.
Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình nuôi Rươi kết hợp sản xuất lúa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm”. Nhằm Phát triển nuôi rươi lúa kết hợp nâng cao hiệu quả kinh tế gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, hình thành 3 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; Xây dựng ≥ 45 ha mô hình nuôi rươi kết hợp sản xuất lúa; năng suất rươi ≥ 600 kg/ha; năng suất lúa ≥ 5 tấn/ha. Hiệu quả kinh tế tăng từ 10 - 15% so với ngoài mô hình; Nhân rộng mô hình ≥ 15% so với dự án.
Năm 2023, dự án được triển khai tại xã An Thanh (Tứ Kỳ) quy mô 10 ha có 3 hộ tham gia với gần 9,5 triệu con giống, 330 kg thóc giống ST 25 đã được dự án cung cấp cho các hộ dân.
Dự án đã thực hiện cấy vụ mùa lúa ST 25 trên ruộng rươi với diện tích 10 ha tại xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ của 3 hộ tham gia mô hình. Giống lúa ST 25 sử dụng mạ sân trên nền đất cứng, được cấy với mật độ 18 khóm/m2, 8,8 bông/khóm, 158,4 bông/m2, 168,4 hạt chắc/bông, tỷ lệ hạt lép chiếm 7%, khối lượng đạt 22 gram/1.000 hạt, năng suất đạt 49,9 tạ/ha, cao hơn đối chứng 5,6 tạ/ha. Rươi sinh trưởng, phát triển tốt, mật độ lỗ rươi đạt cao. Hàng tuần đều kiểm tra mật độ lỗ rươi, kết quả lỗ rươi đạt từ 95 - 118 lỗ/m2, khối lượng rươi thu hoạch đạt từ 9,3 - 19,6 kg/sào, cao hơn đối chứng 1,7 kg/sào. Chất lượng con giống, mật độ lỗ rươi, năng suất thu hoạch … hiệu quả mô hình đạt kết quả cao và thu hút nhiều người quan tâm học tập.
Với mô hình bổ sung Rươi giống, vi sinh ZEO BACILLUS và sử dụng phân bón 3 trong 1 năng suất lúa và năng suất Rươi đều cao hơn so với mô hình không bổ sung Rươi giống, vi sinh. Hiệu quả kinh tế của mô hình cao hơn so với đối chứng 99.055.600 đồng/ha, tăng 16,8%.
Qua đó, nâng cao nhận thức và trình độ kỹ thuật của người nông dân trong sản xuất lúa Rươi; Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhằm hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ với mục tiêu nuôi trồng thủy sản bền vững, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội và đặc biệt là nâng cao tính cộng đồng trong sản xuất cho bà con nông, ngư dân. Từng bước bảo tồn nguồn gen giống rươi, đa dạng sinh học; tạo vùng sản xuất rươi kết hợp với sản xuất lúa tại địa phương, góp phần sử dụng hiệu quả diện tích mặt nước cửa sông nâng cao năng suất, sản lượng rươi và hiệu quả kinh tế; tạo sinh kế, nghề mới với dòng sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Bài của Hải Ninh
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6 ra tháng 12 năm 2023