Mô hình kỹ thuật nuôi thương phẩm ốc nhồi Pila Polita phù hợp với điệu kiện tỉnh Hải Dương

Ốc nhồi thuộc nhóm đối tượng giống thủy sản nước ngọt, nằm trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh ở Việt Nam. Ốc nhồi là loài ốc cỡ lớn, mặt vỏ bóng, màu xanh vàng hay nâu đen, mặt trong hơi tím. Số vòng xoắc 5,5 - 6 các vòng xoắn hơi phồng, rãnh xoắc nông. Lỗ miệng vỏ hẹp dài, tháp ốc vuốt nhọn, dài vỏ bóng. Vòng xoắn cuối lớn, chiếm tới 5/6 chiều cao vỏ. Các vòng xoắn trên nhỏ, vuốt nhọn dài. Lỗ miệng vỏ hẹp, dài, chiều rộng bằng nửa chiều cao. Vành miệng sắc, không lộn trái, lớp sứ bờ trụ dày, Lỗ rốn dạng rãnh hẹp dài, nắp miệng dài, tâm ở khoảng giữa, gần cạnh trong. Vỏ ốc có lớp canxi ở phía trong và lớp vỏ sừng màu xanh đen hay ánh vàng ở phía ngoài.
Mô hình kỹ thuật nuôi thương phẩm ốc nhồi Pila Polita phù hợp với điệu kiện tỉnh Hải Dương

Ốc nhồi là loài ăn tạp, có phổ thức ăn đa dạng, chúng ăn lá của thực vật bậc cao, rêu bám trên đá, thực vật phù du, mùn bã hữu cơ, phân trâu bò. Ngoài ra, ốc nhồi còn ăn những thức ăn nhân tạo như bột cám gạo, bột đậu tương, bột ngô,…Ốc nhồi là loài động vật thân mềm nước ngọt có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao, hiện đang bị khai thác triệt để và trở nên khan hiếm trong môi trường tự nhiên. Trong khi đó nhu cầu thị trường tiêu thụ ốc nhồi thương phẩm ngày càng tăng cao, nghề nuôi ốc nhồi thương phẩm tại địa phương mới phát triển, năng suất chưa ổn định, người nuôi ốc nhồi thương phẩm chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế mang lại còn thấp, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường.

Với mục tiêu phát triển vùng sản xuất giống và nuôi thương phẩm ốc nhồi phù hợp với điều kiện tỉnh Hải Dương; hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống và thương phẩm ốc nhồi tại tỉnh Hải Dương. Chi cục Thủy sản Hải Dương xây dựng và thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình kỹ thuật nuôi thương phẩm ốc nhồi phù hợp với điều kiện tỉnh Hải Dương”.

Đề tài lựa chọn các hộ tại xã Nam Nồng, Nam Tân (Nam sách); Hùng Thắng, Thúc Kháng (Bình Giang) đáp ứng đủ các tiêu chí: có ao nuôi thủy sản trong vùng quy hoạch sản xuất của xã; ao nuôi đáp ứng có diện tích tối thiểu từ 500 m2 trở lên, mức nước sâu khoảng 0,5 - 1, ao gần nguồn nước sạch, thuận tiện cho việc cấp và thoát nước. Bờ ao thiết kế cao hơn mức nước tối thiểu 0,5 m. Đáy ao bằng phẳng, dốc về phía cống tiêu nước. Chất lượng nguồn nước trong ao nuôi phải đảm bảo các điều kiện pH 7 - 7,8, nhiệt độ 22 - 32 độ C, oxy 4,6 - 6,8 mg/l, độ trong 25 - 35 cm, NH3, NH4, H2S nằm trong khoảng thích hợp, không nhiễm chất độc hữu cơ và nước thải công nghiệp, khu vực nuôi ốc không ngập nước vào mùa mưa, chủ động cấp và thoát nước. Hộ nuôi có nhu cầu tham gia xây dựng mô hình, có tiềm lực kinh tế, chịu khó lắng nghe và học hỏi. Có nhu cầu áp dụng tiến bộ khoa học mới vào sản xuất, chấp nhận đầu tư cho đổi mới sản xuất. Tổng quy mô là 02 ha, áp dụng khu ruộng trũng cấy lúa không hiệu quả chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, khu nuôi gần kênh mương cấp thoát nước thuận tiện và nguồn nước sạch; vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản.

Quy trình mô hình kỹ thuật nuôi thương phẩm ốc nhồi phù hợp với điều kiện tỉnh Hải Dương do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương xây dựng. Ốc nhồi giống có kích cỡ từ 0,04 - 0,05 gram/con, mật độ nuôi 70 - 100 con/m2 với tổng số lượng giống 1.400.000 con phương thức nuôi chuyên canh, thời gian nuôi từ 2,5 - 3,5 tháng. Ốc nhồi giống phải có nguồn gốc rõ ràng, mua ở các cơ sở sản xuất giống có uy tín và có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền. Thả ốc giống vào lúc thời tiết mát (chiều tối hoặc sáng sớm). Không nên thả vào lúc trời nắng hoặc mưa, khi thả cần lưu ý thả ốc lên các vật nổi trên mặt ao (tấm xốp, lá chuối, vật liệu nổi khác,…) để ốc thích nghi dần với môi trường ao nuôi và sẽ tự bò ra ao. Không thả trực tiếp ốc giống xuống ao vì sẽ bị chìm và dễ bị chết. Nên chọn thời gian thả ốc giống từ tháng 4 đến tháng 6 để ốc kịp phát triển đạt kích cỡ thương phẩm, tránh thời tiết lạnh của mùa đông.

Thức ăn chủ yếu là thức ăn xanh (2/3) như bèo tấm, mướp, bí đỏ, bí xanh, quả đu đủ, các loại bột ngũ cốc và thức ăn công nghiệp độ đạm 30% (1/3). Thức ăn xanh cho ăn bằng 2 - 5% khối lượng ốc trong ao. Thức ăn xanh để nguyên cả cây, lá, không băm nhỏ vì ốc có tập tính bám, thường bám dưới mặt lá để ăn. Thức ăn công nghiệp mỗi ngày chỉ cho ăn 01 lần. Lượng thức ăn được điều chỉnh theo khả năng ăn của ốc, liều lượng khoảng 0,5 - 1% khối lượng ốc trong ao. Trước khi cho ăn thức ăn công nghiệp cần kiểm tra sàng ăn, nếu thấy còn thức ăn thì không cho ăn thức ăn công nghiệp lần sau. Chất lượng môi trường nước ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của ốc. Do đó cần phải đảm bảo môi trường nước ao nuôi luôn ổn định, sạch; cần duy trì các yếu tố môi trường thuận lợi cho ốc phát triển. Phòng bệnh cho ốc nuôi là tiêu chí được đặt lên hàng đầu, cần phải tạo môi trường thuận lợi cho ốc phát triển tốt. Xử lý môi trường ao nuôi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả bằng cách sử dụng vi sinh có lợi xử lý môi trường ao nuôi ốc. Định kỳ sử dụng các vi sinh có lợi 2 tuần/lần; thời gian xử lý vi sinh tốt nhất vào khoảng 9 - 10 giờ sáng, lúc trời nắng ấm. Định kỳ bổ sung các khoáng chất, vitamin C, thuốc bổ vào thức ăn cho ốc nhồi, cho ăn liên tục từ 3 - 5 ngày, tháng từ 1 - 2 lần để tăng cường sức đề kháng cho ốc. Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Trong thời gian 2 tháng nuôi đầu không cần thay nước, trừ khi ốc bị bệnh và môi trường ao bị ô nhiễm. Sang tháng nuôi thứ 3, định kỳ 2 tuần thay nước 1 lần, mỗi lần thay 30 - 35% lượng nước trong ao.

Hàng ngày theo dõi, quan sát hoạt động ốc trong suốt quá trình nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện thấy ốc bỏ ăn và bị bệnh. Ốc nhồi sau khi nuôi từ 3 - 4 tháng tiến hành thu hoạch. Dùng chài thu mẫu ốc để kiểm tra khối lượng và tình trạng sức khỏe của ốc để quyết định thời gian thu hoạch. Trọng lượng ốc thu hoạch có thể đạt trung bình từ 25 - 30 con/kg; tỷ lệ sống trung bình từ giai đoạn thả giống ốc thương phẩm đạt 75 - 80%, năng suất đạt 16 - 18 tấn/ha/vụ. Khi ốc đạt kích cỡ thương phẩm từ 25 - 30 con/kg thì thu hoạch. Nên thu hoạch ốc trước khi mùa đông, vì nhiệt độ xuống dưới 12oC, ốc dễ bị chết. Nên tiến hành thu tỉa trước bằng cách dùng thuyền đi quanh bờ ao để bắt những con to. Buổi tối và sáng sớm ốc thường nổi lên bám vào lá sắn, rễ bèo và bám xung quanh bờ ao để ăn nên việc thu hoạch ốc rất thuận lợi. Sau khi thu tỉa trong vòng 3 - 4 ngày thì tháo cạn nước ao và tiến hành thu hoạch toàn bộ.

Đề tài đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm ốc nhồi trong điều kiện cụ thể tại tỉnh Hải Dương, nghiên cứu sâu về quy trình chăm sóc và quản lý phù hợp với từng giai đoạn phát triển của ốc nhồi, biện pháp kỹ thuật quản lý môi trường và phòng trị bệnh trong quá trình nuôi, góp phần phát triển nghề nuôi ốc bền vữn và thân thiện với môi trường. Đây là mô hình mới, mở ra một con đường phát triển sản xuất đầy triển vọng tại tỉnh Hải Dương.

Bài của Phạm Thị Giang

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 6 năm 2022

 

 


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập198
  • Hôm nay53,673
  • Tháng hiện tại1,304,870
  • Tổng lượt truy cập4,010,074
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây