Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước

Thi đua là vấn đề vốn có trong mọi hoạt động của con người và biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, nó phản ánh các mối quan hệ xã hội trong quá trình hoạt động, phản ánh nghị lực sống, là những tác động nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của mỗi cá nhân, mỗi tập thể.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước

Đặc biệt, ở Việt Nam nói riêng và phương Đông nói chung, thi đua là một yếu tố hết sức quan trọng, là động lực lớn để giúp mỗi con người, mỗi gia đình và toàn xã hội phấn đấu vươn lên trong cuộc sống bởi truyền thống “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Là nhà lý luận lỗi lạc, nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc, với lối sống và phong cách đặc trưng của người Việt Nam và phương Đông, lại am hiểu văn hóa nhân loại một cách tinh tường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của công tác thi đua trong đấu tranh cách mạng cũng như trong xây dựng xã hội mới.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung hàng đầu trong thi đua yêu nước là phải thi đua sản xuất. Song song với thi đua tăng gia sản xuất là thi đua thực hành tiết kiệm, Người viết: “Cần là thi đua sản xuất cho mau, cho tốt, cho nhiều. Kiệm là thi đua tiết kiệm, không lãng phí, quý trọng của công. Nếu chỉ Kiệm mà không Cần, thì sản xuất được ít, không đủ dùng. Nếu Cần mà không Kiệm thì làm chừng nào, xào chừng ấy, kết quả là không lại hoàn không. Cho nên Cần và Kiệm là như tay phải và tay trái. Hai tay không thể thiếu một”. Đối với nông dân, Người khuyên thi đua nâng cao ngày công bằng cách sử dụng hợp lý sức lao động; Đối với công nhân, Người động viên rằng mỗi công nhân, đã là chủ của một xí nghiệp, chủ nước nhà, phải tự giác kỷ luật lao động. Giờ làm việc thì đi chậm, chưa hết giờ đã nghỉ không phải là thái độ của người chủ xí nghiệp, chủ nhà nước.

Song song với tư tưởng kết hợp thi đua sản xuất với thực hành tiết kiệm, Người còn nhấn mạnh đến việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu, coi đó là những việc làm hết sức cần thiết. Người viết: “Bây giờ Chính phủ, Đoàn thể, nhân dân, bộ đội đang ra sức thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, cũng như đang vun trồng một rừng cây. Rừng cây thì chắc chắn nở hoa sinh quả; nhưng cũng có những con sâu mọt rút lá, cắn hoa, khoét quả. Chúng ta phải tiêu diệt các con sâu mọt ấy: Ấy là bệnh quan liêu, nạn tham ô lãng phí. Cho nên Chính phủ, Đoàn thể đề ra việc chống tham ô lãng phí, chống bệnh quan liêu và kêu gọi các cơ quan, các ngành, các địa phương tiến hành công tác này”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm khắc lên án nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, coi đó là kẻ thù nguy hiểm của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ. Nó là bạn đồng minh của thực dân phong kiến. Nó làm chậm trễ công việc kháng chiến và kiến quốc, làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí vượt khó khăn của cán bộ, phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính. Chính vì vậy, Người phát động phong trào thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, phong trào “3 xây, 3 chống”là phải nâng cao ý thức trách nhiệm; tăng cường quản lý kinh tế, tài chính; cải tiến kỹ thuật; chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Người phân tích hết sức sâu sắc tính nguy hiểm và tác hại ghê gớm của 3 loại “giặc nội xâm”này và cho rằng phải phát động phong trào quần chúng thi đua chống giặc nội xâm như là thi đua chống giặc ngoại xâm. Yêu nước thì phải chống tham ô, lãng phí, quan liêu như truyền thống dũng cảm chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Hòa bình lập lại, trong công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, Người nhấn mạnh tầm quan trọng của phong trào này. Người viết: “mọi người và mọi ngành đều phải hăng hái thi đua yêu nước, tăng gia sản xuất và tiết kiệm, tôn trọng và bảo vệ của công, tẩy trừ nạn tham ô, lãng phí”.

Theo Người thi đua yêu nước còn là thi đua xây dựng con người mới, muốn vậy phải giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng và tinh thần của nhân dân, động viên nhân dân hăng hái thi đua không ngừng, lấy phong trào thi đua là trường học thực tiễn rộng lớn để xây dựng con người mới, con người xã hội chủ nghĩa. Người khẳng định: “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa”, đó là một luận điểm đề cao vị trí, vai trò của con người trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhưng “muốn có con người xã hội chủ nghĩa phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, muốn có tư tưởng xã hội chủ nghĩa phải gột rửa tư tưởng cá nhân chủ nghĩa”. Nói cách khác, muốn có chủ nghĩa xã hội thì phải có con người mới phát triển toàn diện. Muốn có con người mới thì biện pháp hữu hiệu nhất là tuyên truyền, giáo dục, động viên mọi người tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cho xứng tầm với vị trí, vai trò của con người mới.

Nội dung giáo dục, xây dựng con người mới trong phong trào thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất phong phú, sinh động, xuyên suốt, nhất quán, súc tích, sâu sắc nhưng cụ thể, thiết thực, gắn liền với nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ chiến đấu giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, xây dựng con người mới trong các thời kỳ. Đó là sự kết hợp tinh hoa tư tưởng văn hóa cổ, kim, đông, tây với tư tưởng văn hóa có truyền thống hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, vừa mang tính lịch sử, vừa có tính thời đại, kế thừa và phát triển. Nội dung đó sát hợp với mọi người dân thuộc mọi tầng lớp, mọi dân tộc, ở mọi miền đất nước, cả đối với kiều bào ở nước ngoài. 

Từ những quan điểm đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, từ thực tiễn phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 1960 - 1975 cũng như trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cho thấy, ở đâu, lúc nào mà phong trào thi đua xuất phát từ chính tâm tư nguyện vọng người dân, hay sâu xa hơn là từ chính lòng yêu nước của người dân, được tổ chức một cách thường xuyên, liên tục thì sẽ mang lại những thành công lớn. Ngược lại, nếu phong trào thi đua chỉ được tổ chức mang tính hình thức, thời vụ, không xuất phát từ chính cuộc sống của người dân, thì không thể có được kết quả như mong đợi. Chính vì vậy, nhiệm vụ của những người làm công tác thi đua là phải nhận thức rõ giá trị quý báu, sức mạnh to lớn của truyền thống yêu nước để phát động và tổ chức các phong trào thi đua một cách thiết thực, tìm cho được sự đồng thuận trong xã hội để mọi người dân tham gia, hưởng ứng phong trào một cách tự giác và hăng hái.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước cũng như những thành công lớn của phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 1960 - 1975 là cơ sở lý luận và thực tiễn để rút ra những kinh nghiệm quan trọng cho việc tổ chức, phát động phong trào thi đua yêu nước ở mọi giai đoạn cách mạng. Những kinh nghiệm đó nếu được nghiên cứu khoa học, vận dụng đúng đắn, đồng bộ và linh hoạt thì chắc chắn rằng phong trào thi đua yêu nước với những bản chất tốt đẹp của nó sẽ được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện một cách có hiệu quả cao nhất, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay./.

Bài của TS. Nguyễn Trường Cảnh, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 4 năm 2024

 


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập236
  • Hôm nay53,647
  • Tháng hiện tại1,081,705
  • Tổng lượt truy cập3,786,909
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây