Hiện nay toàn tỉnh có 938 trường mầm non, phổ thông tăng 4 trường so với năm học trước. Năm 2016, tỉnh tiếp tục được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn PCGD THCS mức độ II và chuẩn PCGD tiểu học mức độ III, chuẩn xóa mù chữ (XMC) mức độ II so với năm trước chất lượng PCGD được nâng cao. Đã có 169/265 đơn vị cấp xã đạt chuẩn PCGD THCS mức độ III đạt 62,1% và chỉ còn 3/265 đơn vị cấp xã đạt chuẩn PCGD THCS mức độ I, chiếm 3,7%, tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15 - 18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS đạt 96,11%; Tỷ lệ số người trong độ tuổi từ 15 - 60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ II là 99,62%; 100% đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn XMC mức độ II.
Các trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với từng đối tượng học sinh, tích cực đổi mới phương pháp dạy học gắn liền với đổi mới kiểm tra, đánh giá; triển khai thực hiện các mô hình giáo dục mới, phương pháp dạy học hiện đại; chú trọng tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đáp ứng yêu cầu đổi mới. Chất lượng giáo dục mầm non ngày càng được nâng cao, các trường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không có dịch bệnh, ngộ độc thức ăn tại trường. Các trường thường xuyên khám sức khỏe định kỳ và theo dõi sự phát triển bằng biểu đồ tăng trưởng theo quy định. Duy trì các cơ sở GDMN tổ chức cho trẻ em ăn bán trú, tỷ lệ trẻ ăn bán trú tại trường tăng so với năm học trước với 96,8%. Chất lượng bữa ăn được nâng cao, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 1,46% đối với trẻ nhà trẻ, 1,88% đối với trẻ mẫu giáo.
Toàn tỉnh duy trì dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh. Nhiều trường tăng cường các biện pháp giúp học sinh hoàn thành yêu cầu học tập trên lớp, không giao bài tập về nhà, tích cực tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động xã hội, giáo dục ngoài giờ lên lớp, câu lạc bộ, ngoại khóa với nội dung hình thức phong phú, phù hợp, hiệu quả. Nâng cao năng lực tỷ lệ trẻ ăn bán trú và chất lượng bữa ăn bán trú, góp phần hình thành cho trẻ một thể lực khỏe mạnh với các chỉ số chiều cao, cân nặng theo độ tuổi. Đã có 184 trường (tăng 29 trường), chiếm 65,2% (tăng 10,4%) với 42.206 học sinh, chiếm 29% (tăng 3,3%) ăn bán trú.
Việc dạy học Tin học tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện, đã có 52,3% (tăng 6,2%) học sinh được học Tin học. Đến nay đã có 42 trường xây dựng bể bơi (tăng 6 bể) và thực hiện giáo dục bơi cho 100% học sinh khối 4,5 và học sinh một số khối lớp 1,2,3. Tỷ lệ học sinh biết bơi chiếm 23,8%.
Đối với giáo dục trung học 100% trường học thực hiện đúng, đủ chương trình quy định. Nhiều trường đã rà soát chương trình, xây dựng kế hoạch phù hợp với thực tiễn và yêu cầu dạy học theo chủ đề, dạy học tích hợp liên môn, đồng thời bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng. Các trường THCS và THPT đã đổi mới phương pháp dạy học đi liền với đổi mới kiểm tra đánh gia học sinh; sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học kết hợp với xây dựng kế hoạch dạy học theo chủ đề, sinh hoạt chuyên đề. Các trường đã thực hiện nội dung giáo dục tích hợp một số môn học. Tiếp tục thực hiện mô hình trường học mới đối với 4 lớp học sinh trường THCS Nguyễn Trãi (TX.Chí Linh).
Thi tuyển vào lớp 10 THPT có 14.339/19080 học sinh trúng tuyển vào trường THPT công lập, đạt tỷ lệ 75,15%. Các kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, học sinh Hải Dương đạt thành tích cao, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 98,52%; có 12 trường có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%. Hải Dương vẫn nằm trong tốp những tỉnh có điểm trung bình thi THPT quốc gia cao của cả nước và cũng là một trong số các tỉnh thành có nhiều thí sinh đạt điểm 10. Toàn tỉnh, có 19 trường THPT điểm trung bình thi THPT quốc gia cao hơn điểm trung bình của cả nước. Có 3 em điểm cao nhất là em Nguyễn Văn Nga, trường THPT Tứ Kỳ đạt 29,75 điểm khối A; em Phạm Tiến Đạt, trường THPT Kim Thành đạt 29,75 điểm khối B, em Phan Thùy Dương, trường THPT chuyên Nguyễn Trãi đạt 28,5 điểm khối C… Các trường đã tích cực đổi mới các hoạt động chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trong cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh có 60/155 dự án đạt giải; cấp Bộ đạt 1 giải nhất và 1 giải nhì thuộc về trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, 1 giải ba trường THCS Bình Lãng (Tứ Kỳ), 1 giải khuyến khích trường THPT Chí Linh.
Năm học 2016 - 2017 Sở GD&ĐT đã cung cấp 185 phòng học ngoại ngữ chuyên dụng cho 131 trường TH, 43 trường THCS và 11 trường THPT đã góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy. Đến hết tháng 6/2017 toàn tỉnh có 590 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 71 trường, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của Hải Dương cao hơn nhiều so với tỷ lệ của toàn quốc.
Qua năm học toàn ngành tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; xây dựng và nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cấp; nâng cao chất lượng quản lý giáo dục; tăng cường điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị, đồ dùng dạy học, tài chính, ngân sách thực hiện các nhiệm vụ giáo dục; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh và thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2017 - 2018, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 08/9/2017 về nhiệm vụ trọng tâm năm học 2017 - 2018 với các nhiệm vụ trọng tâm là: Rà soát, quy hoạch củng cố, hoàn thiện mạng lưới trường lớp học đảm bảo thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập phong phú, đa dạng của nhân dân và thực hiện nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng xã hội học tập ở địa phương. Xây dựng cơ sở vật chất, phòng học đáp ứng việc tăng số lượng học sinh ở mầm non, tiểu học và THCS.
Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với cơ sở giáo dục và đào tạo. Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về trình độ, năng lực cũng như phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, trách nhiệm, tâm huyết, sự tận tụy với nghề; chú trọng bồi dưỡng các kỹ năng tổ chức hoạt động giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới. Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng học sinh giỏi. Đảm bảo tuyệt đối an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ. Nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú đối với trẻ mầm non và học sinh tiểu học, góp phần đảm bảo các chỉ số thể lực, chiều cao, cân nặng cho trẻ theo độ tuổi, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Nâng cao chất lượng dạy học buổi 2 ở tiểu học; tăng cường giáo dục hành vi, hình thành nền tảng nhân cách cho các em. Thực hiện đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh hướng tới hình thành phẩm chất năng lực của người học. Chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo, phát triển các hoạt động tư vấn du học, đặc biệt với đối tượng học sinh khá, giỏi. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh. Đầu tư, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị dạy học và hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục mới, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Bài của Phạm Ninh Hải
Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 5 ra tháng 10/2017