Kinh nghiệm sản xuất cây vụ đông hiệu quả

Trong những năm qua, huyện Nam Sách đều hoàn thành tốt Kế hoạch sản xuất cây vu đông. Một số mô hình sản xuất cây vụ đông tại các địa phương đã đạt được hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm tăng thu nhập cho người nông dân: sản xuất hành, tỏi ở xã Nam Trung, sản xuất ngô ăn tươi tại xã Nam Hưng, cà rốt ở xã Hiệp Cát… Có được kết quả trên là do các cơ quan chuyên môn, địa phương đã vào cuộc chỉ đạo sản xuất một cách đồng bộ kết hợp kinh nghiệm thâm canh cao của các hộ nông dân tại các địa phương có truyền thống trồng cây vụ đông lâu năm. Để chủ động cho sản xuất cây vụ đông năm 2017 đạt hiệu quả, từ thực tế sản xuất tại địa phương, chúng tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm sau:
Kinh nghiệm sản xuất cây vụ đông hiệu quả

- Cần tích cực, chủ động về kế hoạch, thời vụ và chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất nhất là xử lý có hiệu quả khi có mưa lớn xảy ra vào đầu vụ sản xuất, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn như:

+ Quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung như vùng hành tỏi, vùng ngô, khoai tây, cà rốt... nhằm mục đích tạo ra lượng sản phẩm nhiều và ổn định, cung cấp cho các đơn vị trong và ngoài tỉnh nhất là các công ty, doanh nghiệp bao tiêu nông sản cho nông dân.

+ Hệ thống khuyến nông cần tập huấn giới thiệu giống mới, biện pháp kĩ thuật để nông dân chủ động bố trí thời vụ, cơ cấu cây trồng và xử lý các tình huống xấu gây ra cho sản xuất...

+ Cần làm tốt công tác làm đất, tưới tiêu, cung ứng giống, phân bón, thuốc BVTV... chuẩn bị đầy đủ đảm bảo chất lượng, chủ động đáp ứng kịp thời cho sản xuất. Các HTX dịch vụ nông nghiệp trực tiếp liên hệ, ký hợp đồng với các công ty giống cây trồng để mua và cung ứng các loại giống trước khi vào vụ, chú trọng việc kí hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân đối với một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: ớt, khoai tây, ngô ngọt...

- Các biện pháp kĩ thuật cải tiến được áp dụng:

+ Áp dụng các biện pháp không làm đất, làm bầu, làm đất tối thiểu, trồng gối đối với các cây ưa ấm như ngô, bí xanh, dưa hấu,...dùng giống ngắn ngày theo phương châm “sáng lúa, chiều cây vụ đông” để đảm bảo khung thời vụ thích hợp cho từng loại cây trồng. Trên chân đất bãi ngoài đê, chân đất trồng cây rau màu hè thu chủ động ưu tiên gieo trồng cây ưa ấm, cây vụ đông sớm và đảm bảo trồng càng sớm càng tốt. Cây rau ngắn ngày địa phương đã rút kinh nghiệm và chỉ đạo nông dân trồng rải vụ để tránh dư thừa lúc chính vụ làm giảm hiệu quả kinh tế.

+ Áp dụng giống cây trồng: Các giống truyền thống và phổ biến của huyện như ngô, hành tỏi, bí xanh, khoai tây, cà rốt, ớt đã được các cơ quan chuyên môn khuyến cáo nông dân lựa chọn các giống có tiềm năng năng suất, chất lượng cao, phù hợp với từng địa phương và trình độ thâm canh của nông dân. Với các cây rau màu khác, huyện cũng đã khuyến khích nông dân trồng đa dạng các loại rau để mở rộng thị trường tiêu thụ, chú trọng những cây rau có giá trị kinh tế cao đã có thị trường tiêu thụ như: Su hào Nhật, bắp cải, cải bẹ Đài Loan, cà chua lai F1...

+ Chăm sóc, bảo vệ thực vật: Tăng cường hướng dẫn nông dân bón phân đủ lượng và cân đối (tăng kali) để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ưu tiên sử dụng các loại phân hữu cơ đã được ủ mục (phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh...) để nâng cao giá trị nông sản và an toàn cho người sử dụng. Thực hiện tốt công tác BVTV trên rau màu như chỉ đạo các cơ quan BVTV, Khuyến nông hướng dẫn nông dân ngay từ khâu xử lý đất trước trồng, ưu tiên các chế phẩm sinh học, thuốc trừ sâu bệnh có trong danh mục được phép sử dụng và tuân thủ thời gian cách ly cho mỗi loại thuốc...

Bài của Trần Thị Liên - Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách

Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 5 ra tháng 10/2017

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây