Một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc Cam trong vụ thu đông

Trong những năm gần đây ở một số địa phương của tỉnh Hải Dương đã xuất hiện nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng hóa sản phẩm để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người sản xuất. Trên một số diện tích vườn đồi ở thị xã Chí Linh ngoài việc trồng các loại cây có thế mạnh như vải, na, nhãn thì hiện nay một số diện tích bà con đã trồng thêm một số giống cam (cam V2, cam đường canh, cam Vinh).
Một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc Cam trong vụ thu đông

Nắm bắt xu thế này, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học tỉnh Hải Dương (Trung tâm) đã đề xuất triển khai mô hình trồng thử nghiệm một số giống cam trên địa bàn TX.Chí Linh với quy mô tập trung để hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất cam thương phẩm trên địa bàn tỉnh. Diện tích các giống cam mới do Trung tâm triển khai thực hiện mô hình thuộc các đề tài, dự án, nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng từ năm 2015 - 2017 được 9 ha, trong đó cam Vinh trồng 7 ha và giống cam V2 trồng 2 ha và diện tích của các hộ nông dân trên địa bàn tự mở rộng các giống cam trên và cam đường canh thì đến nay tổng diện tích trồng cam tại các xã, phường của TX.Chí Linh đạt 56,9 ha. Ngoài TX.Chí Linh, đến nay nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang phát triển mô hình trồng cam mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, các giống cam đang ở trong 2 thời kỳ, các giống mới trồng được thời gian dưới 3 năm tuổi, cây đang ở thời kỳ kiến thiết cơ bản, một số diện tích giống cam đã bước vào thời kỳ kinh doanh (cây trồng được thời gian trên 3 năm). Để nâng cao hiệu quả của mô hình trồng cam, bà con nông dân nên thực hiện nghiêm chỉnh Quy trình kỹ thuật trồng cam đã được hướng dẫn, dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một số biện pháp cần lưu ý chính của kỹ thuật chăm sóc cam vụ thu đông, bà con nông dân có thể tham khảo để thực hiện.

Đối với diện tích cây cam ở thời kỳ kiến thiết cơ bản:

Tiến hành cắt, tỉa cành cành tạo hình cho cây có bộ tán tốt; làm cỏ kết hợp vun xới, bón phân cho cây để tạo điều kiện cho lộc đông phát triển, chuẩn bị cho thời kỳ cây sinh trưởng và phát triển tốt vào vụ xuân. Bón phân cân đối phân đạm, lân, kali, phân hữu cơ ủ hoai mục để tăng khả năng chống chịu của cây với điều kiện nhiệt độ thấp ở vụ đông.

Thời điển này cần bón một lượng phân bón vừa phải, bón cân đối phân đạm, lân và kali để giúp cây sinh trưởng và phát triển, tăng khả năng chống chịu với điều kiện bất thuận của vụ đông. Tăng cường ủ phân hữu cơ hoai mục để bón cho cây cam trong vụ thu. Nếu có điều kiện thì các hộ nông dân nên sử dụng chế phẩm sinh học để ủ phân hữu cơ. Nên chú ý sử dụng các chế phẩm sinh học có nấm đối kháng  Trichoderma BIMA để u phân hữu cơ sẽ có tác dụng phòng trừ một số bệnh về nấm hại bộ rễ của cây cam.

Vụ thu đông có thời tiết khô hanh, cây cam trồng trên diện tích vườn đồi nên khả năng thoát hơi nước trong đất càng cao, do đó bà con nông dân nên áp dụng biện pháp tủ gốc cây cam để giảm thiểu sự bốc hơi nước ở gốc cây. Đối với diện tích cam trồng ở vùng đồng bằng cần lưu ý vấn đề tiêu thoát nước sau những trận mưa to thời điểm giao mùa hoặc ảnh hưởng của mưa bão, áp thấp nhiệt đới.

Về sâu bệnh, thời vụ này nên chú ý phòng trừ sâu đục thân và bọ xít.

Đối với diện tích cây cam ở thời kỳ kinh doanh:

Diện tích cam sẽ cho thu hoạch quả chính vụ từ tháng 11,12, cây cam có nhiều quả nên cần giữ ẩm cho cây ở mức vừa phải, tránh tưới nước nhiều quá hoặc để khô quá mới tưới nước, phải thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho cây. Nếu để cây ở tình trạng thiếu và thừa nước cục bộ sẽ ảnh hướng đến năng suất và chất lượng quả. Áp dụng biện pháp tủ gốc để giảm thiểu sự bốc hơi nước ở gốc cây cam.

Điều kiện thời tiết vụ thu đông có một số thời điểm giao mùa nên nắng, mưa thất thường, ảnh hưởng của một số cơn bão muộn nên cần phải chú ý đến công tác bảo vệ thực vật. Phun phòng trị một số sâu bệnh: Bệnh nấm trên lá và quả (rỉ sắt, thán thư), sâu đục thân; bọ xít xanh, ruồi vàng đục, chích hút quả. Sử dụng một số thuốc phòng trừ sâu bệnh đặc hiệu, thế hệ mới an toàn với môi trường sinh thái và sức khỏe con người. Đối với ruồi vàng nên sử dụng bẫy bả sinh học Ento-Pro, đây là chất dẫn dụ ruồi dạng sinh học, không gây hại môi trường và sức khỏe. Khi sử dụng bẫy bả sinh học cần lưu ý thời điểm, thời gian đặt bẫy phải đặt đồng loạt và phân bố đều trên toàn bộ vườn đồi trồng cây ăn quả để tăng hiệu quả sử dụng.

Về bón phân, bón bổ sung cân đối đạm, lân, kali, cần gia tăng phân kali để cho quả ngọt và chắc. Tuỳ theo độ màu mỡ của đất, độ lớn của cây, số lượng quả  mà lượng phân có thể tăng giảm cho phù hợp. Thời điểm bón vào trước thu hoạch quả 1 - 2 tháng (tháng 9,10 dương lịch). Để cung cấp thêm vi lượng cho cây, có thể bón thêm phân qua lá, bà con nông dân có thể mua một số loại phân bón qua lá hiện có bán trên thị trường như AMINO TE+, DANGLE-LS (11-8-6-TE), …

Một số hạn chế chung và giải pháp khắc phục trên một số diện tích trồng cam hiện nay:

Một số hạn chế trong việc thiết kế vườn trồng cam chưa hợp lý đã liên quan đến một số khó khăn:

Thứ nhất, do thời tiết có thể một thời gian dài không có mưa nên một số vườn cam trong tình trạng thiếu nước tưới hoặc không chủ động được nguồn nước tưới, hoặc nguồn nước tưới không đảm bảo an toàn. Nhất là đối với diện tích trồng cam ở vườn đồi TX.Chí Linh. Đối với những vườn đồi như vậy, thì cần đầu tư áp dụng hệ thống vòi dẫn tưới nước từ những nguồn nước ổn định, đảm bảo an toàn ở xa hơn.

Thứ hai, cá biệt còn một số diện tích trồng cam ở đồng bằng trồng xen với một số cây trồng khác (rau, gia vị), diện tích vườn đồi ở TX.Chí Linh trồng cam với nhiều tầng cây: cây lâm nghiệp, cây ăn quả (cam, na, thanh long,…), rau màu. Vấn đề này dẫn đến nhiều hạn chế cho công tác chăm sóc, bảo vệ thực vật và thu hoạch.

Thứ ba, vườn đồi dốc, đất có lẫn sỏi, đá sẽ bị gia tăng xói mòn, rửa trôi chất dinh dưỡng trong đất; giải pháp khắc phục: tạo lô, đánh các đường đồng mức để giữ ẩm, hạn chế xói mòn đất do mưa to. Một số vườn trồng cam ở đồng bằng rất dễ bị úng ngập cục bộ sau các trận mưa to; giải pháp khắc phục là tạo các mương, rãnh thoát nước, lên luống cao, đối với diện tích trũng, tiêu thoát nước kém cần bố trí máy bơm nước di động để bơm tiêu thoát nước khi cần thiết.

Thứ tư, một số hộ gia đình chăn nuôi lợn đã xả trực tiếp nước thải từ hầm Biogas ra gốc cây để tăng cường dinh dưỡng cho cây cam. Việc lạm dụng này đã gây ngộ độc cho cây và tạo điều kiện cho nhiều vi sinh vật có hại cho bộ rễ cây.

 Thứ năm, sử dụng phân gà, phân lợn chưa được ủ hoai mục. Việc tận dụng phụ phẩm chăn nuôi làm phân hữu cơ bón cho cây cam rất tốt. Tuy nhiên, phụ phẩm chăn nuôi phải được ủ mục, (ủ với chế phẩm sinh học thì càng tốt), thời điểm bón, liều lượng bón và cách bón phải đúng quy trình kỹ thuật thì mới phát huy hiệu quả của việc sử dụng phân bón.

Thứ sáu, một số diện tích của hộ gia đình trồng nhiều cam đường canh nhất là một số hộ có diện tích vườn đồi lớn ở TX.Chí Linh, đòi hỏi phải áp dụng và thực hiện các biện pháp kỹ thuật khắt khe hơn như kỹ thuật đảo cây, tạo rễ chùm cho cây sinh trưởng và phát triển tốt phù hợp với việc di chuyển cây vào chậu. Phải áp dụng các biện pháp tổng hợp để cây cam đường canh có quả đồng đều, mã quả đẹp, đúng vào dịp tết Nguyên đán. Áp dụng kỹ thuật điều tiết nước để cây ra lộc, ra hoa đúng thời điểm tết Nguyên đán và kết hợp với một số biện pháp kỹ thuật khác để hạn chế hoặc kích thích sinh trưởng.

Người sản xuất cam thương phẩm muốn trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao đòi hỏi phải có kế hoạch, quy hoạch vườn ngay từ giai đoạn đầu, chiến lược kinh doanh rõ ràng, cách tổ chức sản xuất, hạn mức đầu tư phù hợp. Thực hiện được một số vấn đề trên một cách đồng bộ thì nhất định sản xuất cam sẽ trở thành nguồn thu nhập chính đem lại hiệu quả kinh tế cao cho kinh tế tại các hộ gia đình.

Bài của KS. Vũ Văn Tân - PGĐ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học
Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 5 ra tháng 10/2017


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây